1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Rộn ràng lễ Vu Lan ngày Rằm tháng Bảy

(Dân trí) - Lễ Vu Lan, cả dãy phố chuyên cung cấp hàng mã náo nhiệt bán mua, đồ mã thời thượng "cháy" hàng; các nhà hàng đông nghịt khách tới ăn đồ chay; người người kéo nhau lên chùa cầu an cho đấng sinh thành...

Hà Nội: Rộn ràng thị trường vàng mã

 

Rộn ràng lễ Vu Lan ngày Rằm tháng Bảy - 1
Xe nào đẹp hơn? (Ảnh: T. Nguyên-TT)
 
Cũng như hầu hết các địa phương, ở Hà Nội, ngày Rằm tháng Bảy hay còn gọi là Tết Trung Nguyên là dịp lễ rất quan trọng trong năm với nghi thức cúng Vu Lan (báo hiếu). Ngày này, không khí mua sắm hàng mã có lẽ là nhộn nhịp nhất.
 
Ngay từ những ngày đầu tháng 7 âm lịch, bà Thụ (ở phố Phan Đình Phùng) đã ngược xuôi phố Hàng Mã cả chục bận để sắm sửa đồ lễ.
 
Lễ cúng thí thực cô hồn được ưu tiên sớm nhất, bởi theo quan niệm là phải tiến hành trước ngày rằm. Trọn một bộ lễ mất khoảng 30.000 đồng, chuẩn bị thêm vài chén cháo trắng loãng, 1 ít muối, gạo, 1 ít bỏng gạo và kẹo, bánh, ngô, khoai… Sau đó là lễ cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên.

 

Không cầu kỳ như bà Thụ, gia đình chị Thu chỉ gói gọn các nghi lễ trên vào một ngày. Dù vậy, dịp lễ năm nay chị cũng cố gắng sắm một bộ lễ “hoàng tráng” gửi cho người cõi âm.

 

Rộn ràng lễ Vu Lan ngày Rằm tháng Bảy - 2
Nhà cao tầng đủ loại phục vụ mọi thị hiếu của khách hàng. (Ảnh: T.Nguyên-TT)

 

Phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, cả phố Hàng Mã tràn ngập các loại mã, từ hàng truyền thống như váy áo tứ thân, cơi trầu, nón lá, hài, xe ngựa kéo... đến những tiện nghi của thế giới văn minh như xe hơi, xe máy, tủ lạnh, ti vi…

 

Những ngôi nhà cao tầng được làm công phu với cửa sổ, cửa ra vào và cả cây cảnh gắn bên trong được bày san sát trên vỉa hè, chỉ cần khách chỉ tay sẽ có người mang về tận nhà. Đã mua nhà tầng thế nào khách cũng được tư vấn sắm kèm ti vi, tủ lạnh, điều hòa và cả phương tiện di chuyển thời thượng.

 

Giá cả của các loại hàng mã cũng khá đa dạng. Một ngôi nhà 3 tầng loại đẹp khoảng 180 - 250.000 đồng; ô tô, xe máy “xịn” giá 80 - 100.000 đồng; tivi, tủ lạnh không dưới 50.000 đồng…

 

Dù đã chuẩn bị tinh thần, chị Thu cũng không khỏi choáng trước mớ hàng mã lỉnh kỉnh đã được người bán hàng tư vấn, rồi gói ghém đầy đủ trong bao nilon với đầy đủ lễ bộ thế này, chị phải ngậm ngùi trả gần 1,2 triệu đồng.

 

Rộn ràng lễ Vu Lan ngày Rằm tháng Bảy - 3
Phố đồ mã “cháy” hàng. (Ảnh: T. Nguyên-TT)

 

Theo người bán hàng, số tiền chị Thu bỏ ra chưa là gì so với nhiều vị khách thích “chơi sang”. Có nhà sẵn sàng bỏ ra cả chục triệu đồng chỉ để sắm đồ mã đốt cho người cõi âm trong ngày này.

 

Trò chuyện với PV, chủ một cửa hàng trên phố Hàng Mã vừa nhoay nhoáy gói hàng cho khách vừa nói: Đến ngày 14 là các loại hàng đắt tiền hầu như đã “cháy”, chỉ còn sót những mặt hàng thông dụng với chất lượng vừa phải để phục vụ khách vãng lai.

 

“Thời buổi khó khăn, đồ mã bây giờ cũng bị cạnh tranh không kém gì các mặt hàng khác trên thị trường. Để giữ khách, mỗi cửa hàng đều phải tìm nguồn cập nhật liên tục những sản phẩm thời thượng trên trần thế để phục vụ người cõi âm. Hàng hóa có đẹp, phong phú thì người mua mới chịu móc ví” - một chủ cửa hàng cho biết.

 

TPHCM: Lễ Vu Lan tràn vào… nhà hàng

 

Tại TPHCM, thị trường hàng hoá phục vụ ngày lễ Vu Lan tuy rất phong phú nhưng sức mua không có đột biến. Nhiều khu chợ lớn, hàng hoá bày rất đẹp mắt song dường như người bán đông hơn kẻ mua.

 

Chị Nguyễn Thị Hiền, bán hàng tại một gian hàng đồ chay cho biết giá cả và sức mua hàng hóa dịp lễ Vu Lan năm nay không mấy biến động. Chị Hiền phán đoán nguyên nhân là do nửa tháng nay trời mưa dầm dề nên người dân ngại đi chợ.
 
Rộn ràng lễ Vu Lan ngày Rằm tháng Bảy - 4
Tại các chợ, không khí mua sắm cho ngày Lễ Vu Lan thấy rõ nhất ở các điểm bán hoa cúng.  (Ảnh: Hoài Nam)

 

Các sạp hàng mã cũng “ỉu xìu” không kém. Một tiểu thương ở chợ Bình Tây than thở: “Nửa tháng này khách vẫn đều, có tăng nhưng người ta mua với lượng hàng rất ít. Chúng tôi tưởng năm nay kinh tế phục hồi, người ta cúng “cô hồn” lớn chứ đâu biết ế ẩm thế này. Năm trước có nhà còn mua cả triệu tiền hàng mã, năm nay không có”.

 

Chọn mua 4 bó hoa cúc làm lễ, chị Thân, nhà ở Phan Đăng Lưu, Q.3, bộc bạch: “Lễ Vu Lan trùng vào dịp đầu tuần nên tôi không bày biện nấu ăn ở nhà. Nhưng lễ lạt mình vẫn chuẩn bị rất đầy đủ, một năm chỉ một ngày này để mình báo hiếu với ông bà tổ tiên”. Chị Thân cũng dự định, chiều mai cả gia đình sẽ đi chùa cầu an cho mọi người trong nhà và cầu siêu cho những thân đã mất.

 

Điều đặc biệt là nhiều chương trình cho ngày lễ báo hiếu tại các nhà hàng, khu vui chơi lại rất sinh động và hút khách. Ngày cuối tuần 22/8, tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên, Đại lễ Vu Lan khai mạc với sự tham dự của hơn 1.000 vị chư tôn giáo phẩm, tăng ni đến từ TPHCM và các tỉnh, thành lân cận đã thu hút hàng nghìn du khách và người dân.

 

Nhiều nhà hàng “nhanh nhạy” mở đại tiệc chay cũng tạo được sức hút đối với khách hàng.
 
Rộn ràng lễ Vu Lan ngày Rằm tháng Bảy - 5
Các nhà hàng chay hút khách (Ảnh: Hoài Nam)

 

Vợ chồng anh Thiện - chị Nhung (Q.3) cho hay, trong hai ngày (14 và 15/7 âm lịch) anh chị cùng toàn thể gia đình sẽ tìm đến các nhà hàng để thưởng thức đồ chay. “Bố mẹ tôi cũng thường xuyên nấu đồ chay nhưng dịp này vợ chồng tôi muốn bố mẹ được nghỉ ngơi đi thưởng thức đồ ăn ở nhà hàng và cùng sum vầy với con cháu”, anh Thiện nói.

 

Theo đánh giá của một chủ cửa hàng chay ở đường 3/3 (Q.10) xu hướng các gia đình đón lễ tại các nhà hàng ngày càng phổ biến. Vì món chay không phải dễ chế biến, hơn nữa các nhà hàng cũng chú ý tạo không gian riêng yên tĩnh cho các gia đình nên khá được lòng khách hàng.

 

Huế: Người trẻ và lễ Vu Lan

 

Mùa báo hiếu, các bạn trẻ ở Huế rất háo hức với nhiều hoạt động như đi chùa cầu an cầu phúc, đi thăm mộ thắp hương cho người quá cố, làm đồ chay cúng ông bà tổ tiên...

 
Rộn ràng lễ Vu Lan ngày Rằm tháng Bảy - 6

Bạn trẻ và phụ huynh tham dự Lễ Vu Lan PL 2554 năm 2010 tại Trung tâm Phật giáo Liễu Quán Huế (Ảnh: Nhân Dũng)
 

Bạn Nguyễn Hoàng Nguyên (19 tuổi, TP Huế) vừa chọn mua hoa quả cúng rằm vừa thể hiện quan điểm: “Đây là một ngày lễ truyền thống đã có từ lâu đời nên bọn em càng phải tiếp thu và gìn giữ nó”.

 

Em Lê Thị Dung, học sinh lớp 8 trường THPT Nguyễn Huệ, cho biết: “Hôm nay hai mẹ con em cùng đi chợ mua hoa quả về cúng tổ tiên và làm cơm ăn cùng ông bà, em rất vui”.

 

Trong cơn mưa tầm tã do ảnh hưởng của bão số 3, rất nhiều bạn trẻ Huế vẫn nô nức lên chùa thắp hương cầu nguyện cho đấng sinh thành và những người đã khuất.
 
Bạn Nguyễn Công, SV ĐH Khoa học Huế tâm sự: “Nhà mình ở Quảng Nam, rằm này lại sát với ngày đi học nên ra Huế sớm. Mình lên chùa thắp hương cầu Phật mong cho ba mẹ được khỏe mạnh và yên ấm”.
 
Nghệ An: "Nặng" về đồ mã
 
Chợ Quán Lau, Quang Trung, Ga Vinh… từ chiều 12, 13 âm lịch đã tập nập người người mua bán đồ lễ cúng Vu Lan. Hàng mã là món hàng bán chạy nhất vì ai ai cũng muốn mua sắm đồ dùng cho những người thân ở cõi âm, để tỏ lòng thành kính, tiếc thương.
 
Rộn ràng lễ Vu Lan ngày Rằm tháng Bảy - 7
Đủ loại hàng mã (Ảnh: Nguyễn Duy - Thanh Hà)
 

Bà Nguyễn Thị Châu ngày cuối tuần vừa rồi đã sắm đủ loại mã, xe hơi, tủ lạnh, đô la,... cho mâm cúng chúng sinh. Bà Châu quan niệm dương gian dùng gì mình cúng thứ ấy cho các cụ dùng... thoải mái. Bà còn cho biết cách cúng đơm như thế nào cho đúng lễ trong ngày xá tội vong nhân, thắp hương khấn gia tiên, sau đó thắp hương cúng ngoài trời với gạo, muối, cháo trắng, đồ mã rồi hóa vàng mã, rải muối, gạo, cháo trắng…

 
Chị Thái Thị Thuỷ, một tiểu thương ở chợ Quang Trung, từ nhiều năm nay đã rất coi trọng ngày lễ Vu Lan. Chị nói dù không có điều kiện làm lễ lớn nhưng cũng cố gắng sắm cho các cụ sao cho đầy đủ nhất vì ngày này là ngày mở ngục dưới âm phủ.
 

 

Nhóm PV