1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Rừng đặc dụng “chảy máu”: An ninh rừng mất ổn định

(Dân trí) - Liên quan đến vụ rừng đặc dụng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông bị khai thác trái phép, qua kiểm tra của ngành chức năng, tình hình an ninh rừng trong khu vực này còn mất ổn định. Đã có hàng chục cây gỗ bị đốn hạ, con số vượt xa so với báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa.

>> Vụ rừng đặc dụng "chảy máu": Chỉ khai thác nhỏ lẻ (!?)

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Bá Thước về công tác chỉ đạo, điều hành và an ninh rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thì Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông là đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa. Đơn vị này được giao quản lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 17.000 ha diện tích rừng, nằm trên địa bàn 4 xã: Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng và Lũng Cao, của huyện Bá Thước.

Rừng đặc dụng bị khai thác
Rừng đặc dụng bị khai thác

Nhà nước đã ban hành khá đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng các quy định, chế tài đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, cháy rừng và chống người thi hành công vụ; có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành; sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng thể; các dự án đầu tư cho công tác bảo vệ rừng và phát triển vốn rừng đang triển khai thực hiện có hiệu quả…

Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra an ninh rừng của chủ rừng nhà nước Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông từ ngày 5 - 12/6 trên 8 tuyến cho thấy tình hình an ninh rừng tại Khu bảo tồn này "có vấn đề".

Ông Võ Minh Khoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cũng cho biết, trong 8 tuyến mà lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra thì 7 tuyến có vấn đề.

Hàng chục cây gỗ bị đốn hạ
Hàng chục cây gỗ bị đốn hạ

Trước đó, sau khi báo Dân trí thông tin, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Bá Thước tham mưu cho UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra. Sau đó, đơn vị này đã có báo cáo gửi các cơ quan báo chí và báo cáo Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng như Chủ tịch UBND tỉnh. Báo cáo nêu có tổng cộng 11 cây gỗ từ nhóm 2 đến nhóm 7 bị đổ gãy, lốc gốc, khai thác. Trong đó chỉ có 4 cây bị khai thác trái phép từ năm 2014 đến đầu năm 2016 với khối lượng 6m3 gỗ tròn. Báo cáo còn cho biết, tình trạng khai thác là nhỏ lẻ (!?).

Trong đợt kiểm tra này, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 8 tuyến rừng của chủ rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Kết quả tổng số gỗ bị khai thác trái phép tại đây lên đến gần 65m3.

Kết luận của đoàn kiểm tra chỉ rõ, việc kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc ở cơ sở của lãnh đạo được phụ trách tuyến chưa được thường xuyên, công tác kiểm tra không thể hiện bằng văn bản. Công tác chỉ đạo điều hành của đơn vị còn chưa quyết liệt, sâu sát, việc nắm bắt thông tin cơ sở còn hạn chế nên dẫn đến an ninh rừng ở các tuyến phụ trách vẫn còn mất ổn định. Tình trạng khai thác gỗ trái phép vẫn còn xảy ra nhưng không kịp thời phát hiện hoặc có phát hiện nhưng còn chậm…

An ninh rừng mất ổn định
An ninh rừng mất ổn định

Về an ninh rừng trên diện tích được giao đang còn mất ổn định, tình trạng khai thác lâm sản vẫn còn xảy ra cụ thể tại các Tiểu khu nên trên nhưng kiểm lâm tiểu khu còn chậm phát hiện; không đưa ra được các giải pháp ngăn chặn kịp thời, chưa phối hợp kịp thời với chính quyền sở tại, thôn bản để tổ chức họp dân phát giác, tố giác đối tượng vi phạm.

Tại buổi làm việc với phóng viên Dân trí, ông Lê Thế Sự - Giám đốc kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông khẳng định, ngoài tuyến số 1, tại các tuyến khác không có hiện tượng khai thác rừng trái phép (?).

Ông Sự biện minh, quá trình bảo vệ rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông còn gặp nhiều khó khăn khi diện tích quản lý rộng, dân cư sống trong vùng lõi đông với 9 thôn và khoảng 2.000 nhân khẩu/500 hộ. Trong khi cả đơn vị chỉ có 33 biên chế nên không thể quán xuyến hết được.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề nêu trên.

Duy Tuyên