1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Rừng bị tàn phá sau bão: Đề xuất trao quyền tự quyết cho chủ rừng

(Dân trí) - Sau gần một ngày họp bàn, liên Sở NN&PTNT và Tài chính tỉnh Hà Tĩnh đã thống nhất kiến nghị tỉnh trao quyền tự quyết cho chủ rừng trong việc thu gom cây lâm nghiệp gãy đổ sau bão số 10 để cứu hàng trăm tỷ đồng.

Cuộc họp tìm phương án “giải cứu” hàng ngàn ha lâm sản, chủ yếu keo tràm nguyên liệu gãy đổ tại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được hai Sở NN&PTNT và Tài chính tỉnh Hà Tĩnh tổ chức từ sáng ngày 28/9. Nhiều chủ rừng, trong đó có đại diện BQL Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Kẻ Gỗ cùng tham dự, phát biểu tại cuộc họp này.

Trao đổi với PV Dân trí về kết quả nội dung cuộc làm việc nêu trên, ông Nguyễn Bá Thịnh, PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh thông tin, các bên tham dự cuộc họp đã đi đến thống nhất là tạo điều kiện thuận lợi ở mức cao nhất để chủ rừng và người dân nhận khoán trồng rừng tiến hành ngay việc thu gom cây đổ do bão số 10 gây ra.

"Chúng tôi thống nhất trao quyền tự quyết, nhưng phải đảm bảo quy định của nhà nước cho chủ rừng trong quá trình thu gom, khai thác cây dõ bão gây ra" - ông Thịnh nói.

Một khu rừng trồng phòng hộ của KBTTN Kẻ Gỗ tại xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh bị bão quật đổ nát, chờ giải cứu.
Một khu rừng trồng phòng hộ của KBTTN Kẻ Gỗ tại xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh bị bão quật đổ nát, chờ giải cứu.

Cụ thể, theo ông Thịnh, đối với rừng phòng hộ mà người dân nhận khoán tự bỏ vốn trồng, chỉ cần đoàn kiểm tra cấp huyện đánh giá xong là cho tận thu ngay mà không cần phải lập phương án khai thác. Trong vòng 12 tháng sau khi tận thu khai thác, chủ rừng phải buộc người dân nhận khoán phải trồng lại rừng.

Đối với rừng trồng phòng hộ bằng vốn ngân sách, cuộc họp thống nhất 2 phương án. Trường hợp rừng bị thiệt hại mà số cây còn lại được đoàn kiểm tra đánh giá không đủ tiêu chí thì cho chủ rừng tiến hành chặt toàn bộ cây (chặt đại trà). Song song quá trình chặt chủ rừng phải lập hồ sơ thanh lí rừng theo quy định. Trong hồ sơ phải thể hiện đầy đủ diện tích, khối lượng, quy trình tổ chức thu gom, giá trị thu được, chính sách hưởng lợi. Chủ rừng cũng phải cho trồng lại rừng trong 12 tháng tiếp theo.

Cơ quan chức trách như kiểm lâm địa bàn, chính quyền địa phương có trách nhiệm phối hợp chủ rừng tăng cường giám sát quản lí quá trình thu gom cây cũng như tái trồng rừng. Nếu xẩy ra vi phạm thì chủ rừng và các bên liên quan phải tự chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và pháp luật.

Trường hợp rừng bị thiệt hại mà số cây còn lại vẫn đủ tiêu chí thành rừng, cuộc họp thống nhất để nguyên hiện trạng, chủ rừng và cơ quan chức trách tiến hành lập hồ sơ, chụp ảnh hiện trường, trình thẩm định phê duyệt đến từng khoảnh, từng cây cụ thể như Thông tư 21/2016 của Bộ NN&PTNT quy định về khai thác chính và tận dụng, tận thu lâm sản. Sau khi được cơ quan thẩm quyền phê duyệt mới được tiến hành thu gom cây để tránh tình trạng lợi dụng thu gom để khai thác rừng trái phép.

Người trồng rừng tại xã Cẩm Minh đang rất mong chờ quyết sách của tỉnh Hà Tĩnh để họ có thể tận thu, gỡ gạc phần nào khi những rừng keo của họ bị gãy đổ.
Người trồng rừng tại xã Cẩm Minh đang rất mong chờ quyết sách của tỉnh Hà Tĩnh để họ có thể tận thu, gỡ gạc phần nào khi những rừng keo của họ bị gãy đổ.

Một vấn đề khác mà cuộc họp quyết tâm triển khai, nhận được sự đồng lòng của các chủ rừng, đó là các cơ quan chức trách phải chủ động bố trí cán bộ tham gia các đoàn kiểm tra. Hồ sơ dưới trình lên, số lượng dù ít, có thể 5, 10 hay vài chục ha là cán bộ phải đi ngay để xác lập hồ sơ, giải quyết nhanh nhất cho chủ rừng để tiến hành thu gom, khai thác cây.

Ông Thịnh cho biết, các phương án này được trình ngay cho UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Được biết, cơn bão số 10 khiến hơn 20.000 ha rừng trồng phòng hộ của Hà Tĩnh bị thiệt hại với các mức độ khác nhau, thiệt hại ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng, trong đó Khu BTTN Kẻ Gỗ thiệt hại hơn 6.200 ha, ước hơn 120 tỷ đồng.

Văn Dũng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm