1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Rừng bị tàn phá sau bão có nguy cơ thành củi vì... chờ thủ tục

(Dân trí) - Những rừng cây nguyên liệu nát tan sau bão số 10 rất cần giải cứu tức thời, nhưng nếu thực hiện đúng như văn bản chỉ đạo của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh thì hẳn rừng sẽ thành củi, hàng trăm tỷ đồng của nhà nước và nhân dân có nguy cơ mất trắng.

Muốn "gỡ gạc chút đỉnh" cũng phải chờ

Hơn 10 ngày sau cơn bão số 10 đi qua, cả gia đình ông Dương Văn Minh, xóm 2, xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh như muốn quỵ ngã khi 20ha rừng keo nguyên liệu mà gia đình nhận khoán từ Khu bảo tồn Thiên nhiên (KBTTN) Kẻ Gỗ đã và sắp đến kỳ khai thác bị gió bão quật đổ hoàn toàn.

Là người đàn ông rắn rỏi, nhưng nhắc đến rừng keo, khuôn mặt ông Minh buồn bã, nước mắt như muốn tuôn trào. Vợ ông Minh nhìn chồng thương xót nói rằng, từ sau bão đi qua mái đầu của ông Minh đã bạc thêm phân nửa.

“Mắt trắng, mất hết rồi chú ạ. Hôm bão đi qua được mấy tiếng, cha con chèo thuyền vào, nhìn rừng mà chết lặng. Tất cả đổ nát, tan hoang như có bom vừa ném xuống” – giọng ông Minh nghẹn ngào.

Ông Minh và đứa cháu lấy thuyền dẫn tôi cùng với ông Dương Kim Sửu, Trưởng ban lâm nghiệp xã Cẩm Minh và một cán bộ thuộc KBTTN Kẻ Gỗ vào khu vực rừng trồng của gia đình và các hộ dân nằm trong lưu vực hồ Sông Rác.

Một góc khu rừng của ông Minh bị bão số 10 quần nát, gãy đổ hoàn toàn.
Một góc khu rừng của ông Minh bị bão số 10 quần nát, gãy đổ hoàn toàn.

Ông Minh nhẩm tính, trừ tất cả chi phí, 20ha rừng của ông nếu không gặp bão, khi thu hoạch sẽ giúp gia đình thu về hơn 1 tỷ đồng. Để có được số tiền đó gia đình ông đã bỏ công sức, mồ hôi và cả nước mắt trong suốt 8 năm ròng.

Thu gom để gỡ gạc phần nào là điều mà gia đình ông Minh muốn thực hiện ngay sau khi bão số 10 đi qua. Nhưng, đã hơn 10 ngày, dù rất nóng ruột vì cây gãy đổ đang dần khô héo, nhưng gia đình ông Minh vẫn chưa thể tiến hành thu gom. Hàng trăm triệu đồng buộc phải bỏ mặc, nằm trơ trọi với nắng mưa.

Sau hơn 10 ngày ông Minh vẫn phải bỏ mặc số cây gãy đổ trị giá hàng trăm triệu đồng nằm trơ trọi với nắng mưa.
Sau hơn 10 ngày ông Minh vẫn phải bỏ mặc số cây gãy đổ trị giá hàng trăm triệu đồng nằm trơ trọi với nắng mưa.

Tình cảnh của ông Minh cũng là tình cảnh chung của bà con nhận khoán rừng trồng từ BQL KBTTN Kẻ Gỗ nói riêng và trên toàn tỉnh Hà Tĩnh nói chung.

Một lãnh đạo của KBTTN Kẻ Gỗ cho hay, trong số 6.200 ha rừng trồng giao khoán cho khoảng 700 hộ là cán bộ, công nhân viên và người dân thuộc nhiều xã của các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà bị ảnh hưởng, thì có 1.800 ha thiệt hại trên 70%, giá trị thiệt hại hơn 120 tỷ đồng. Mặc dù vậy, theo vị này, hiện người dân chưa thể thu gom cây đổ để gỡ gạc.


Ông Dương Kim Sửu, một hàng xóm của ông Minh, đồng thời là Trưởng ban lâm nghiệp xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên xót xa trước rừng keo tràm đến ngày thu hoạch bị bão quật đổ hoàn toàn.

Ông Dương Kim Sửu, một hàng xóm của ông Minh, đồng thời là Trưởng ban lâm nghiệp xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên xót xa trước rừng keo tràm đến ngày thu hoạch bị bão quật đổ hoàn toàn.

Lý do theo vị lãnh đạo này cho biết, công văn chỉ đạo của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh ban hành ngày 20/9/2017 gửi các BQL rừng phòng hộ, đặc dụng, các công ty lâm nghiệp, Chi cục và các Hạt kiểm lâm trên địa bàn về việc triển khai giám sát tận thu rừng bị thiệt hại sau bão số 10 đang gây quá nhiều rào cản trong việc thu gom cây của người dân và chủ rừng.

Cụ thể, nội dung công văn nêu: “Đối với diện tích rừng bị thiệt hại, số cây còn lại không đủ tiêu chí thành rừng, đề nghị các đơn vị khẩn trương kiểm tra, lập biên bản xác minh cụ thể đến từng lô, thành phần xác minh gồm đại diện chủ đầu tư; hộ nhận khoán (nếu có); cơ quan có liên quan đến quản lý rừng tại địa phương theo sự phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện (Ban Phòng chống lụt bão, Ban phòng chống cháy rừng, Hạt kiểm lâm, cơ quan tài chính cùng cấp…); Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có rừng trồng và các thành phần khác có liên quan; tổng hợp hồ sơ gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được kiểm tra, đề xuất hướng xử lý…”.


Công văn chỉ đạo của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh khiến người nhận khoán rừng trồng bị thiệt hại sau bão số 10 bức xúc.

Công văn chỉ đạo của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh khiến người nhận khoán rừng trồng bị thiệt hại sau bão số 10 bức xúc.

Theo vị này, người dân và chủ rừng thiệt hại quá nặng nề. Số cây gãy đổ như keo tràm cần được tận thu ngay, bởi nắng hanh này chỉ độ 10 ngày là đã bắt đầu khô, lâu hơn nữa là phải bỏ. Nhưng như nội dung công văn này là quá cứng nhắc, quá phiền hà với người dân. Nếu làm đúng theo chỉ đạo có khi mất đến vài tháng, cây bị đổ khi đó đã biến thành củi.

“Phải thật nhanh và chỉ cần một đoàn kiểm tra xác nhận, chịu trách nhiệm trước tỉnh về xác nhận của mình để tạo điều kiện cho bà con thu gom. Đằng này Sở NN&PTNT còn bắt báo cáo về ở để sở đi kiểm tra lần nữa. Có số liệu báo cáo về rồi thì nhân lực của sở ở đâu để cùng lúc đi kiểm tra trên toàn tỉnh. Hoàn toàn phi lí” – vị này bức xúc cho biết.

Đề xuất giải cứu

Quá sốt ruột, lo hàng ngàn ha cây lâm nghiệp bị bão tàn phá biến thành củi, cả chủ rừng và người dân nhận khoán tại Hà Tĩnh đã có những kiến nghị khẩn cấp tới lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Quang Châu, Phó trưởng BQL KBTTN Kẻ Gỗ kiến nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh cho thực hiện theo hình thức, với diện tích rừng trồng phòng hộ bị đổ, gãy do bão đề nghị cho các hộ tận thu ngay những cây đổ, gãy; Ban sẽ chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về công tác giám sát trong quá trình tận thu và đảm bảo công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Quá trình tận thu, nếu cần thiết ban và người dân sẽ ghi lại bằng hình ảnh để có cơ sở đối chứng.

Song song với việc các hộ tận thu Ban sẽ hoàn thiện hồ sơ thanh lý rừng và hồ sơ tận thu theo đúng quy định của Nhà nước.

Ông Nguyễn Quang Châu - Phó ban quản lí KBTTN Kẻ Gỗ nêu kiến nghị, bỏ bớt thủ tục, cho dân tận thu ngay để vớt vát phần nào thiệt hại.
Ông Nguyễn Quang Châu - Phó ban quản lí KBTTN Kẻ Gỗ nêu kiến nghị, bỏ bớt thủ tục, cho dân tận thu ngay để vớt vát phần nào thiệt hại.

“Chúng tôi mong tỉnh chấp thuận cho thực hiện theo phương án nêu trên. Cả người dân và nhà nước cùng có lợi. Còn nếu vẫn triển khai theo công văn chỉ đạo rất mất thời gian, tốn kém cả nhân lực, khi hoàn tất hồ sơ thì cây cũng đã hỏng giảm giá trị hoặc phát vứt bỏ”- ông Châu nói.

Trong khi đó, ông Dương Kim Sửu, Trưởng ban lâm nghiệp xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên kiến nghị, nếu các đoàn của huyện, của tỉnh chưa về kiểm tra, kiểm đếm được với người dân, thì cho người dân thực hiện theo hình thức, đối với cây bị gãy, cho người dân tận thu phần thân trên của cây; đối với cây đổ bật gốc cho người dân cưa lấy thân cây, để gốc lại làm chứng.

“Làm như thế người dân vừa thu gom được cây, trong khi nhà nước vẫn đảm báo chính xác diện tích thu gom, không lo kẻ xấu lợi dụng để phá rừng”- ông Sửu nói.

Những kiến nghị của người dân trồng rừng Hà Tĩnh nhằm giúp họ giải cứu ngay diện tích rừng bị bão số 10 tàn phá là rất thỏa đáng. Người dân đang chờ quyết sách kịp thời của lãnh đạo tỉnh này.

Văn Dũng