1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Tĩnh:

Rừng bị tàn phá sau bão có nguy cơ thành củi: Họp khẩn tìm giải pháp

(Dân trí) - Sáng nay, 28/9, trước những rào cản khiến chủ rừng và người dân nhận khoán chưa thể thu gom, khiến cây lâm nghiệp gãy đổ tại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng có nguy cơ thành củi, có thể gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, liên sở NN&PTNT và Tài chính tỉnh Hà Tĩnh sẽ họp khẩn để thống nhất phương án trình UBND tỉnh quyết định.

Thông tin trên được ông Nguyễn Bá Thịnh, PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh thông tin trong cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí vào tối qua, 27/9.

Ông Thịnh thừa nhận, những phản ánh của Dân trí về sự lo lắng, sốt ruột, thậm chí là bức xúc của chủ rừng và người dân về hàng ngàn ha cây lâm nghiệp ở rừng trồng phòng hộ bị bão số 10 quật đổ có nguy cơ trở thành củi là hoàn toàn chính xác, và đó cũng là nỗi lo chung của các cơ quan chức trách.

Ông Nguyễn Bá Thịnh
Ông Nguyễn Bá Thịnh

“Ai cũng mong muốn cho chủ rừng, bà con nhận khoán được thu gom ngay, bởi đúng là cây gãy đổ để lâu sẽ hỏng, giảm giá trị, lãng phí lâm sản như báo thông tin”- ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, đối với rừng sản xuất mà người dân tự bỏ vốn đầu tư thì không vấn đề gì, người dân có quyền thu gom, khai thác theo phương án của mình. Nhưng đối với rừng phòng hộ, hay rừng đặc dụng, nếu chiếu theo Thông tư 21/2016 của Bộ NN&PTNT quy định về khai thác chính và tận dụng, tận thu lâm sản và Thông tư 18/2013 của Bộ Tài chính về hướng dẫn trình tự thủ tục thanh lí rừng trồng, nếu cho triển khai thu gom ngay là quá nhạy cảm, dễ xảy ra sai sót.

“Nếu đồng ý một cái cho chủ rừng và dân thu gom, tận thu ngay, mà không quản lí, giám sát chặt chẽ thì việc tận thu, khai thác sẽ rất dễ nảy sinh yếu tố phức tạp. Chỉ cần một con đường vận chuyển được mở, hay chỉ sơ hở chút là xảy ra việc lợi dụng thu gom, tận thu lâm sản để chặt phá và khai thác rừng trái phép. Ngoài ra, nếu không chặt chẽ hồ sơ cũng rất dễ nảy sinh tiêu cực, vì đây là vốn nhà nước bỏ ra. Thế nên sau khi thảo luận về chuyên môn thì Sở thống nhất chỉ đạo phải làm đúng trình tự, thủ tục”- ông Thịnh nói.

Phóng viên nhắc lại những lo lắng, sự sốt ruột của chủ rừng và người dân về các thủ tục hành chính sẽ khiến cây gãy đổ, nhất là đối với keo tràm bị thời tiết nắng nóng, khô hanh làm hỏng, khó xuất bán; ông Thịnh cho biết, trong quá trình triển khai sẽ không cứng nhắc về vấn đề này. Và nội dung này ông Thịnh cho biết, hai sở NN&PTNT và Tài chính Hà Tĩnh sẽ đưa ra bàn thảo tại cuộc họp được tổ chức vào sáng nay, 28/9, tại trụ sở Sở NN&PTNT tỉnh.

“Tinh thần chung là hai sở sẽ họp bàn làm thế nào vừa đảm bảo các quy định của nhà nước, vừa tạo mọi thuận để chủ rừng, người dân thu gom, tận thu ngay các diện tích rừng bị thiệt hại do bão. Nhất quyết không để xảy ra tình trạng lâm sản bị hỏng mới tiến hành thu gom gây thiệt hại cho nhà nước, chủ rừng và nhân dân” – ông Thịnh nói.

Người dân nhận khoán rừng trồng phòng hộ thuộc BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ rất muốn được tận thu ngay rừng cây bị bão sô 10 quật gãy đổ này để gỡ gạc phần nào thiệt hại.
Người dân nhận khoán rừng trồng phòng hộ thuộc BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ rất muốn được tận thu ngay rừng cây bị bão sô 10 quật gãy đổ này để gỡ gạc phần nào thiệt hại.

Ghi nhận các phương án thu gom, khai thác mà chủ rừng và người dân nhận khoán rừng trồng chịu thiệt hại nặng nề của địa phương nêu ra trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng”, tuy nhiên, PGĐ Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết sở không thể quyết định được. Sở NN&PTNT chỉ có thể đề xuất, thẩm quyền quyết định là của UBND tỉnh.

Văn Dũng