1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gia Lai:

Rừng bị phá liên tục, cả làng bức xúc vây bắt lâm tặc

(Dân trí) - Bức xúc trước việc lâm tặc liên tục ngang nhiên chở gỗ qua làng mà không gặp bất kì trở ngại nào, hàng trăm thanh niên Bahnar làng Kon Sơ Lă (Hà Tây, Chư Păh, Gia Lai) đã phục kích bắt giữ 2 xe gỗ lậu.

Tiếng kẻng giữ rừng

Sau một đêm thức trắng không ngủ vì được làng giao nhiệm vụ canh gác ở làng cũ, đến khoảng 5h sáng ngày 18/4, 6 thanh niên làng Kon Sơ Lă phát hiện 2 chiếc xe chở gỗ lậu chuẩn bị đi vào làng mới. Ngay lập tức, nhóm thanh niên canh gác liền gọi điện cho thanh niên trong làng. Nhận được điện thoại, một thanh niên lập tức chạy ra nhà rông đánh kẻng báo động.

Nghe tiếng kẻng, cả dân làng Kon Sơ Lă vùng dậy, bắt đầu “dàn trận” bao vây phục kích 2 xe gỗ lậu. Khi 2 chiếc xe vào tới khu vực gần nhà rông của làng thì phải dừng xe vì bị hàng trăm thanh niên khỏe mạnh bao vây. Lúc này, thanh niên trong làng yêu cầu tài xế lái xe vào khu vực trước cửa nhà rông. Trước sức mạnh đoàn kết của người dân làng Kon Sơ Lă, tài xế 2 xe tải chở gỗ lậu đã phải chở gỗ vào hạ toàn bộ số gỗ xuống sân.

Lợi dụng lúc dân làng đang kiểm gỗ, tài xế liền lao vội lên xe và nổ máy bỏ trốn.

Sau khi kiểm được 10 cây gỗ tròn (khoảng 8m3 gỗ) với đường kính mỗi cây khoảng trên 50cm trở lên, người dân đã báo cáo lên lãnh đạo xã để giải quyết. 

Đến 10h cùng ngày, một thầy giáo đang dạy học tại trường Tiểu học Hà Tây đã đến nhận là chủ nhân số gỗ trên, đưa 5 triệu đồng ra để xin chuộc gỗ về. Tuy nhiên, dân làng không đồng ý.

Số gỗ thanh niên làng Kon Sơ Lă bắt được trên xe chở lậu đi qua làng
Số gỗ thanh niên làng Kon Sơ Lă bắt được trên xe chở lậu đi qua làng

Trao đổi với PV Dân trí, các thanh niên làng Kon Sơ Lă bức xúc cho biết, trước đây lâm tặc hay vận chuyển gỗ bằng đường sông, nhưng vài tháng trở lại đây, khi một trạm gác của Hạt Kiểm lâm Chư Păh được xây dựng ở con đường mòn từ rừng ra làng Kon Sơ Lă cũ thì lâm tặc đã vận chuyển gỗ qua đường này. Đều đặn, cứ khoảng 2-3 ngày, những xe tải lại chở đầy gỗ qua làng vào lúc 2-3h sáng mà không gặp bất kì trở ngại nào.

“Có hôm, có kiểm lâm trực gác ở trên trạm nhưng xe vẫn chạy qua mà không ai làm gì. Làng mình bức xúc lắm nhưng không làm gì được vì lúc 2-3h sáng thì dân làng đang ngủ, tập trung làng rất khó. Hôm vừa rồi do xe đi muộn nên làng đã vây bắt được”, một thanh niên cho biết.

Gỗ người dân phát hiện được trên lúc đi tuần tra đã được lâm tặc xẻ vuông vức
Gỗ người dân phát hiện được trên lúc đi tuần tra đã được lâm tặc xẻ vuông vức

Sau khi bắt được số gỗ trên, thanh niên trong làng đã thay nhau canh, quyết giữ bằng được tang vật.

Ông Yưuh- Trưởng thôn Kon Sơ Lă - cho biết, làng Kon Sơ Lă có 107 hộ, gần 600 nhân khẩu. Khu rừng mà nhóm lâm tặc vừa phá là do UBND huyện Chư Păh giao cho xã quản lý, sau đó xã giao cho thôn hơn 900ha. Sau khi được giao rừng hơn 4 tháng nay, thôn đã cử một tổ 12 người thường xuyên lên rừng tuần tra. Lần nào tổ đi tuần tra cũng phát hiện lâm tặc đang ngang nhiên phá rừng. “Người ta phá rừng nhiều lắm, lần nào tổ tuần tra cũng phát hiện người ta đang phá rừng. Khi mình nói thì người ta chửi lại mình”, ông Yưuh kể.

Một cây gỗ lớn khác bị đốn hạ
Một cây gỗ lớn khác bị đốn hạ

Ông Yưuh cho biết thêm, trước đây, lâm tặc vận chuyển gỗ qua đường khác, nhưng từ khi một con đường được mở đi qua làng Kon Sơ Lă cũ để vào làng mới, lâm tặc thấy thuận tiện nên đã vận chuyển theo đường này. “Xe chở gỗ đi qua trạm kiểm lâm mà không thấy cán bộ nói gì, có người trực ở trạm mà người ta vẫn chở gỗ qua. Dân làng mình thấy vậy bức xúc lắm nên mới quyết tâm vây bắt xe gỗ”, ông Yưuh bức xúc.

Dân nói có, kiểm lâm nói không!

Không chỉ người dân làng Kon Sơ Lă khẳng định tình trạng phá rừng nơi đây đang trở thành vấn nạn mà cả ông Đinh Sứk- Chủ tịch UBND xã Hà Tây- cũng thừa nhận khu rừng giáp ranh huyện Chư Păh (Gia Lai) với huyện Kon Rẫy (Kon Tum) đang bị lâm tặc phá rất nhiều.

“Lâm tặc phá rừng rất nhiều, người ta chủ yếu vận chuyển bằng đường sông, còn qua địa bàn xã thì ít. Lực lượng mình không thể phục bắt được, vì địa hình hiểm trở, khu vực đó lại không có sóng để liên lạc với nhau nên mình làm không nổi”, ông Sứk bày tỏ.

Trước sự việc trên, bản thân ông Sứk vừa thấy bất lực vừa bức xúc: “Tôi đã nhiều lần báo cáo với cấp huyện rồi chứ có phải không nói đâu”.

Một cây gỗ lớn khác bị đốn hạ
Một cây gỗ khác mới bị chặt hạ, nhựa vẫn còn tươi nhưng Hạt trưởng Kiểm lâm nói không có chuyện phá rừng!

Theo người dân nơi đây, sau khi được giao bảo vệ rừng, họ thường xuyên đi tuần tra và phát hiện lâm tặc phá rừng nhưng họ không dám làm gì. Bởi lâm tặc có hung khí nguy hiểm, còn người dân cùng lắm cũng chỉ có dao, rựa, cuốc, xẻng nên đành ngậm ngùi quay về báo cáo.

Là kiểm lâm nhưng ông Cư cho rằng trách nhiệm rừng bị phá thuộc về UBND xã Hà Tây
Là kiểm lâm nhưng ông Cư cho rằng trách nhiệm rừng bị phá thuộc về UBND xã Hà Tây

Trước sự việc trên, ông Nguyễn Ngọc Cư- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Chư Păh - cho biết, khu vực rừng bị phá trên có khả năng là do thuộc sự quản lý của Rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh hoặc của UBND xã Hà Tây. Sau khi nhận tin báo, Hạt đã cử 2 cán bộ của Hạt đi kiểm tra nhưng do gấp quá nên hôm đi không mang theo bản đồ và máy định vị nên chưa xác định được khu vực rừng trên do bên nào quản lý (!?).

Là kiểm lâm nhưng ông Cư cho rằng trách nhiệm rừng bị phá thuộc về UBND xã Hà Tây
Nhiều phần ngọn cây gỗ sau khi bị chặt hạ gặp nước lũ nên bị cuốn trôi về khu vực dòng suối chảy qua làng Kon Sơ Lă.

Theo ông Cư, nếu rừng thuộc UBND xã Hà Tây quản lý thì xã phải chịu trách nhiệm với UBND huyện. Ông Cư cũng bác bỏ thông tin khu rừng trên đang bị tàn phá rất nhiều: “Người dân phản ánh thế, nhưng kiểm lâm viên nói không có, chỉ có lẻ tẻ vài chiếc xe honda chở gỗ thôi. Xã Hà Tây không hề báo cáo chuyện phá rừng cho chúng tôi nên chúng tôi không biết. Anh em đi kiểm tra liên tục nhưng không có”.

Khi PV đề cập đến hình ảnh và clip lâm tặc phá rừng ở khu vực trên và những xe tải chở gỗ lậu qua làng mà người dân cung cấp thì ông Cư trả lời: “Thông tin đó, tôi sẽ điều tra lại rồi trả lời sau”.

Thiên Thư