1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Rừng bị “bức tử”, voi hung hăng kéo nhau về “quậy” dân

(Dân trí) - Mấy ngày qua, voi rừng hung hăng phá hoại hoa màu của dân tại xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. Các biện pháp xua đuổi truyền thống hầu như không còn hiệu quả...

Một căn chòi rẫy của người dân xã Đắk Drông bị voi rừng quần nát vào cuối tháng 11
Một căn chòi rẫy của người dân xã Đắk Drông bị voi rừng quần nát vào cuối tháng 11.

Hoa màu “nát như tương”, dân bức xúc

Theo UBND xã Đắk Drông, khoảng 3 tháng nay do voi rừng kéo về nương rẫy phá hoại nhiều diện tích hoa màu, cây trồng ngắn ngày có giá trị kinh tế nên người dân địa phương vô cùng bức xúc. Hàng ngày vào khoảng 21h đến 4h ngày hôm sau, voi rừng di chuyển sâu vào các vùng canh tác hoa màu như: mía, khoai, sắn… để kiếm ăn, phá nát cây trồng rồi bỏ đi.

Theo Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, voi rừng đang phá hoại mùa màng tại xã Đắk Drông có 3 cá thể, gồm 1 voi đực, 1 voi cái và 1 voi con di chuyển từ vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn qua tỉnh Đắk Nông để kiếm ăn. Trong khi đó, người dân địa phương cho biết, voi đực chỉ xuất hiện vài lần rồi mất tăm, hàng đêm chỉ thấy voi mẹ và voi con phá hoại hoa màu.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Đắk Drông cho biết địa bàn xã Đắk Drông chỉ cách cách Vườn quốc gia Yok Đôn hơn 10km nên hàng năm đều có voi kéo về phá hoại nương rẫy. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã Đắk Drông cho hay không năm nào voi rừng lại phá hoại nhiều nông sản của người dân địa phương như năm nay.

Mía của người dân bị voi giẫm nát từng vạt lớn.
Mía của người dân bị voi giẫm nát từng vạt lớn.

Thống kê chưa đầy đủ, hiện voi rừng đã phá tung 2 căn nhà gỗ kiên cố, 7-8 chòi rẫy cùng nhiều diện tích hoa màu có giá trị kinh tế. Trong đó, cây mía của người dân đang vào vụ thu hoạch bị voi rừng phá “nát như tương”. Việc hoa màu bị voi rừng dẫm đạp, nghiền nát gây thiệt hại nặng nề về kinh tế đã khiến người dân ở thôn 20, xã Đắk Drông rất bức xúc.

 Theo kết quả khảo sát và kiểm định thống kê sinh học của nhóm tác giả nghiên cứu Trường ĐH Tây Nguyên, năm 2009, số lượng voi hoang dã tại Đắk Lắk có khoảng 80-110 cá thể đang sinh sống. Phạm vi phân bố gồm: huyện Buôn Đôn; huyện Ea Súp và huyện Ea H’Leo. Tuy nhiên, mới đây, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk khẳng định, hiện nay ở Đắk Lắk có khoảng 5 đàn voi rừng với khoảng 60 đến 70 cá thể sinh sống. Các đàn voi rừng thường xuyên di chuyển, kiếm ăn ở vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn và các vùng phụ cận.

“Không những ăn hết 30kg gạo, voi rừng còn phá tan căn nhà gỗ của 3 mẹ con tôi. May mà mẹ con tôi chạy kịp sang ẩn nấp ở bên nhà hàng xóm, nếu chậm chân chắc là bị voi quật chết trong nhà rồi”, chị Hoàng Thị Ánh (thôn 20) một trong 2 hộ dân bị voi rừng phá nhà bàng hoàng kể.

Trong khi đó, gia đình ông Sầm Văn Dũng (trú thôn 20, xã Đắk Drông) trầm ngâm cho biết voi rừng đã phá nát của gia đình ông hơn 1 ha mía, 2 ha ngô đang chuẩn bị cho thu hoạch, ước tính thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Một số hộ khác ở thôn 20 cũng bị voi phá hoại nhiều diện tích nông sản.

Chủ tịch UBND xã Đắk Drông Trần Văn Thành cho biết thêm: “Một số hộ bị voi phá thiệt hại rất nặng nên bức xúc ra xã trình báo. Hiện chúng tôi đã báo cáo UBND huyện, huyện cũng đã đề nghị với tỉnh nhưng hiện nay chưa thấy cơ quan chuyên môn vào hỗ trợ xua đuổi voi rừng”.

Voi “nhờn” với việc xua đuổi truyền thống

Sau khi có voi rừng xuất hiện, người dân thôn 20, xã Đắk Drông đã dùng lửa, các dụng cụ tạo âm thanh lớn như xoong, nồi, trống, mõ… để xua đuổi, nhưng ban đầu voi rừng có bỏ đi, càng lâu voi rừng tỏ ra “nhờn” với các âm thanh này nên việc xua đuổi không hiệu quả.

Theo phản ánh của người dân, nhiều ngày qua voi rừng xuất hiện với tần xuất nhiều hơn, hung hăng hơn khi rượt đuổi thục mạng một số người dân địa phương. “Hiện chúng tôi đang tăng cường việc tuyên truyền, vận động bà con không được làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của voi rừng. Chúng tôi không có cách nào hơn để xua đuổi voi được”, Chủ tịch UBND xã Đắk Drông nói.

Căn nhà của chị Hoàng Thị Ánh (thôn 20) trở thành đống đổ nát sau khi bị voi phá tan tành.
Căn nhà của chị Hoàng Thị Ánh (thôn 20) trở thành đống đổ nát sau khi bị voi phá tan tành.

Trong khi đó, ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết Trung tâm vừa nhận được thông tin có voi rừng kéo về phá hoại nương rẫy tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. Hiện Trung tâm đang liên hệ với Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông và sẽ cử cán bộ sang tỉnh Đắk Nông để hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc xua đuổi voi rừng.

Việc voi rừng thường xuyên kéo ra các vùng dân cư để kiếm ăn được các chuyên gia đánh giá là xuất phát từ việc rừng bị chặt phá “vô tội vạ” đã ảnh hưởng đến hành lang di chuyển, thu hẹp không gian sống của voi. Voi kéo ra những khu vực gần bìa rừng là để kiếm thức ăn, nơi trước kia vốn là “nhà” của chúng, nay bị con người nghiễm nhiên bao chiếm, trồng lên các loại hoa màu mà chúng ưa thích.

Người dân thức trắng đêm xua đuổi voi rừng.
Người dân thức trắng đêm xua đuổi voi rừng.

Trước đó, vào cuối tháng 9/2013, đàn voi rừng hơn 20 cá thể đã kéo ra thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) để kiếm ăn khiến hàng trăm hộ dân được một phen “thót tim”. Trước đó nữa, voi rừng cũng đã phá nát gần 60 hoa màu của người dân tại các xã Krông Na, huyện Buôn Đôn và xã Ia Rvê, Ia J’lơi thuộc huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.
 

 Con người xâm phạm 70-80% vùng cư trú của voi

PGS.TS Bảo Huy, Trường Đại học Tây Nguyên, Chủ nhiệm Dự án Bảo tồn voi Đắk Lắk được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt năm 2010, cho biết, bản chất đầu tiên, ngày xưa đây là vùng rừng của voi, con người chặt đi nên bây giờ theo tập quán voi tìm về. Nếu voi trở về thường xuyên, người dân nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng những loại cây trồng mà voi không ưa thích. Bên cạnh đó, trong việc phòng chống, chính quyền địa phương cần có bản đồ quy hoạch vùng voi về, để từ đó có biện pháp xua đuổi hiệu quả, tránh mâu thuẫn giữa voi và người.

Thời gian gần đây vùng Buôn Đôn, Ea Súp của tỉnh Đắk Lắk và Cư Jút của tỉnh Đắk Nông thường xuyên có voi rừng kéo về phá hoại nương rẫy của người dân. Vậy theo PGS.TS đâu là nguyên nhân sâu xa của thực trạng trên?

Nguyên nhân sâu xa thì rõ ràng là voi mất nơi sinh sống và hành lang di chuyển của nó. Dĩ nhiên thức ăn của voi ở trong rừng là chính, nhưng một số cây trồng do con người trồng đôi khi voi vẫn thích hơn vì ở trong rừng không có. Do đó, khi voi ăn quen rồi thì nó thích quay về, đó là đặc điểm của voi.

Ngay cả thế giới người ra cũng khuyến cáo, nếu trong vùng có voi xuất hiện theo hành lang của nó thì Nhà nước phải có cơ chế hỗ trợ cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nếu muốn giảm xung đột giữa voi và người. Đó là trồng những thứ mà voi không ưa thích.

Thưa PGS.TS tốc độ mất rừng như hiện nay đã ảnh hưởng như thế nào đến môi trường sống, hành lang di chuyển của voi rừng?

Bây giờ thì cực kỳ nguy cấp. Hiện nay rừng khộp từ Cư Jút kéo ra mảng Vườn quốc gia Yok Đôn rồi kéo lên Ea Súp, thì chỉ còn lại rừng Vườn quốc gia Yok Đôn, còn ở Cư Jút thì không còn gì, ở Ea Súp hiện nay đã chuyển đổi cao su rất nhiều, hoặc một số các công trình thủy lợi, thủy điện.

Do vậy nếu muốn bảo tồn voi, vấn đề duy trì hành lang di chuyển cho voi rừng là điều đặc biệt khẩn cấp. Vì hành lang di chuyển, vùng di chuyển của voi rất rộng, có thể năm nay voi xuất hiện ở Cư Jút, nhưng sang năm voi sẽ xuất hiện ở Ia Rvê. Hiện nay, theo tôi dự báo, con người đã xâm phạm từ 70 đến 80% các vùng cư trú của voi đối vùng ngoài Vườn quốc gia Yok Đôn.

Xin cảm ơn PGS.TS!

Viết Hảo