Rốt ráo chuẩn bị chở người rời "điểm nóng" Covid-19 phía Nam
(Dân trí) - Theo Cục Hàng không, phương án tổ chức chuyến bay phải được các địa phương tiếp nhận đồng ý về số lượng và hành trình di chuyển. Với đường bộ, xe chở người về từ vùng dịch phải có thẻ nhận diện.
Khách phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2
Sáng nay (18/7), Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không, cảng hàng không tạo điều kiện vận chuyển người dân từ TPHCM và các tỉnh phía Nam về địa phương.
Kế hoạch này được thực hiện theo ý kiến chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc các tỉnh, thành phố tạo mọi điều kiện thuận lợi tiếp nhận người lao động, người dân từ TPHCM và các tỉnh, thành phố phía Nam trở về địa phương, bảo đảm các quy định về phòng chống dịch, trên cơ sở đồng ý tiếp nhận người dân hồi hương của một số tỉnh, thành phố.
Cục trưởng Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam làm việc với các địa phương, các tổ chức được ủy quyền lập kế hoạch thực hiện các chuyến bay từ TPHCM và các cảng hàng không khu vực phía Nam về các tỉnh, thành phố trên toàn quốc trên cở sở trọn gói; báo cáo Cục Hàng không Việt Nam các chuyến bay trên các đường bay đang được yêu cầu dừng khai thác hoặc vượt quá lượng tải.
"Phương án tổ chức chuyến bay phải được sự đồng ý của các địa phương tiếp nhận bao gồm số lượng, hành trình di chuyển từ cảng hàng không đến nơi tiếp nhận, phương án giám sát theo hành trình di chuyển..." - Cục trưởng Đinh Việt Thắng nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không, toàn bộ hành khách phải bảo đảm có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-Cov-2 theo phương pháp RT-PCR trong vòng 3 ngày hoặc xét nghiệm nhanh âm tính với SARS-CoV-2. Chi phí chuyến bay theo thống nhất giữa địa phương với hãng hàng không hoặc trực tiếp giữa hãng hàng không và người dân có nhu cầu trên cơ sở khung giá vận chuyển nội địa.
Cục Hàng không cũng yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn tổ chức các điểm xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 tại các cảng hàng không, sân bay khu vực phía Nam (nơi có điều kiện) để hỗ trợ hành khách trong việc xét nghiệm; phân các khu vực làm thủ tục, phòng chờ (đối với điểm xuất phát) và khu vực lấy hành lý, khu vực đến (đối với riêng biệt từng chuyến bay để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Đường bộ: Xe chở người khỏi vùng dịch phải có thẻ nhận diện
Liên quan tới việc chở khách rời vùng dịch Covid-19 tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, một số địa phương như Hà Tĩnh, Đà Nẵng đang lập phương án tiếp nhận trở về quê nhà, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cũng có văn bản đề nghị Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng kế hoạch huy động phương tiện, lái xe đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh để sẵn sàng thực hiện vận chuyển khi được Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của địa phương yêu cầu.
"Báo cáo BCĐ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của địa phương khi xây dựng phương án vận chuyển phải có sự tham gia của cơ quan gồm: Y tế, bộ đội, công an, giao thông vận tải và cơ quan khác có liên quan tại địa phương để đảm bảo an toàn và phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Phương án vận chuyển cụ thể sẽ do BCĐ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hai địa phương thống nhất, quyết định" - ông Huyện nêu rõ.
Đặc biệt, Tổng cục trưởng TCĐB yêu cầu báo cáo BCĐ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 địa phương để hướng dẫn đơn vị vận tải tham gia vận chuyển phải đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế; thực hiện cấp Thẻ nhận diện cho phương tiện theo hướng dẫn của Tổng cục ĐBVN, trong đó ghi rõ: "THẺ NHẬN DIỆN CHO PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN NGƯỜI VỀ TỪ VÙNG DỊCH".
Tổng cục này cũng đề nghị các Sở GTVT chỉ đạo đơn vị vận tải hướng dẫn lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách như: Thực hiện nghiêm ngặt thông điệp 5K trong suốt hành trình, có giấy xét nghiệm Covid-19 (âm tính) còn hiệu lực; chuẩn bị đầy đủ đồ ăn, nước uống và đồ dùng cá nhân, thuốc men để hạn chế dừng đỗ dọc đường; chỉ được dừng đỗ dọc đường để giải quyết nhu cầu vệ sinh cá nhân hoặc trong một số trường hợp khẩn cấp.
Thực hiện khử khuẩn toàn bộ phương tiện trước và ngay sau khi kết thúc hành trình; yêu cầu lái xe phải tuân thủ nghiêm và điều khiển phương tiện theo đúng thời gian, hành trình vận chuyển, dừng đỗ đúng điểm đã thông báo.
Các doanh nghiệp yêu cầu lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách đi xe từ vùng dịch phải thực hiện khai báo y tế, tuân thủ việc cách ly y tế theo quy định của Bộ Y tế và theo yêu cầu về phòng, chống dịch của địa phương nơi đi, nơi đến; trong quá trình vận chuyển phải có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ hành khách đi xe, không được thực hiện đón, trả khách dọc đường.
Đơn vị kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của phương tiện, lái xe thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình; yêu cầu đơn vị vận tải, lái xe phải cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về bảo đảm phương tiện, lái xe hoạt động theo đúng hành trình và phương án vận chuyển.
Các doanh nghiệp vận tải phải thông báo cho các Sở GTVT trên hành trình của phương tiện đi qua để phối hợp kiểm tra, giám sát. Thực hiện theo dõi, kiểm soát chặt chẽ hành trình của phương tiện tham gia vận chuyển trên hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.