"Rất cần lắp đặt hệ thống tự động cảnh báo sạt lở đất, đá"
(Dân trí) - Để phát huy tối đa hiệu quả phòng, chống lũ quét và sạt lở đất đá ở miền núi, cần tiến hành xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai tự động theo thời gian thực dựa trên các dữ liệu quan trắc liên tục.
Liên quan đến việc lần đầu tiên Việt Nam tiến hành lắp đặt thí điểm công trình cảnh báo tự động sạt trượt đất đá ở xã Bản Khoang, huyện Sa Pa (Lào Cai), phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT), Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT.
15 tỉnh miền núi phía Bắc có 850 điểm sạt lở đất, đá
- Thời gian gần đây, khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc thường chịu ảnh hưởng của mưa lũ lớn cục bộ gây lũ quét, sạt lở đất, thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của người dân. Tổng cục PCTT đã có những hành động cụ thể gì để phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai ở khu vực này, thưa ông?
Theo nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang hoàn thiện xây dựng bộ bản đồ hiện trạng (22 tỉnh) và phân vùng (15 tỉnh) nguy cơ trượt lở đất đá cho các tỉnh trên toàn quốc (theo kế hoạch 37 tỉnh). Hiện tại, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang tiếp tục triển khai xây dựng các bản đồ với tỷ lệ nhỏ hơn (1/10.000) cho khoảng 200 xã có nguy cơ cao làm cơ sở lắp đặt các trạm cảnh báo trên cơ sở số liệu đã khảo sát, đo đạc lập bản đồ tỷ lệ lớn cho các tỉnh.
Từ năm 2016 đến 2018, Tổng cục PCTT đã cử các đoàn công tác kỹ thuật đi khảo sát thực tế tại 15 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, xác định được danh mục 535 điểm đã từng xảy ra lũ quét và 850 điểm xảy ra sạt lở đất, đá trong thời gian từ 2001-2017, trong đó Lào Cai và Sơn La là hai tỉnh đã xảy ra số vụ lũ quét nhiều nhất. Tổng cục đã chuyển giao tài liệu, đề nghị các cấp chính quyền tham khảo thông tin điều tra để gắn biển cảnh báo phù hợp giúp người dân có biện pháp phòng, tránh.
Tuy nhiên, để phát huy tối đa hiệu quả phòng, chống lũ quét và sạt trượt đất đá tại khu vực này, cần tiến hành xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai theo thời gian thực dựa trên các dữ liệu quan trắc liên tục; việc này cần nguồn đầu tư rất lớn. Năm 2019, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã xây dựng xong chủ trương đầu tư “Dự án lắp đặt thử nghiệm thiết bị giám sát, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại một số vị trí có nguy cơ cao”, hiện dự án đang được Bộ Kế hoạch - Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn để triển khai.
Trong thời gian qua, nhiều địa phương ở khu vực miền núi phía Bắc (như Hòa Bình, Sơn La, Hòa Bình Yên Bái,. Lào Cai, Quảng Ninh,…) đã tích cực tìm nguồn hỗ trợ quốc tế để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, triển khai xây dựng các hệ thống cảnh báo thiên tai, trong đó Hệ thống cảnh báo sớm trượt lở dạng dòng bùn đất, đá theo thời gian thực được lắp đặt tại tỉnh Lào Cai là một trong các công trình thử nghiệm, lần đầu tiên được lắp đặt tại Việt Nam.
- Ông đánh giá như thế nào về công trình thí điểm cảnh báo sớm trượt lở dòng bùn đất, đá ở xã Bản Khoang, Sa Pa, Lào Cai mà Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản phối hợp với Cục Bảo tồn Đất và Nước của Đài Loan lắp đặt hồi tháng 9/2019?
- Trong tháng 11/2019, Lãnh đạo Tổng cục PCTT đã trực tiếp đi kiểm tra thực địa công trình tại xã Bản Khoang, huyện Sa Pa (Lào Cai), bước đầu cho thấy hệ thống gồm nhiều thiết bị hiện đại, tiên tiến, được vận hành tự động hóa theo thời gian thực, tất cả các dữ liệu được thu nhận và xử lý tại chỗ qua Trung tâm xử lý số liệu.
Về mặt kỹ thuật, do đây là mô hình thí điểm nên cần thêm thời gian để theo dõi, giám sát trong quá trình vận hành và điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Hệ thống cần hoàn thiện để phù hợp hơn
- Như ông nói thì công trình thí điểm này vẫn tiếp tục phải điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam. Vậy cụ thể đó là gì, thưa ông?
- Hệ thống cần được tiếp tục hoàn thiện một số hạng mục để đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả.
Về căng kế và thiết bị cảm biến: vị trí lắp đặt một số căng kế và thiết bị cảm biến quá gần khu dân cư sẽ không đảm bảo thời gian để người dân vùng ảnh hưởng di chuyển đến vị trí an toàn khi hệ thống phát tín hiệu cảnh báo; đồng thời, nếu trong tương lai xảy ra lũ bùn đá tương tự năm 2013 thì khả năng cao các thiết bị này sẽ bị phá hủy và hệ thống sẽ không hoạt động. Do vậy, cần xem xét lắp đặt bổ sung căng kế trên suối chính và các suối nhánh phía thượng lưu và trung lưu của lưu vực.
Về các trạm đo mưa: các trạm đo mưa thuộc hệ thống chưa bao quát toàn lưu vực. Do vậy, cần xem xét lắp đặt thêm trạm đo mưa tại thượng lưu, nơi phát sinh trượt lở và dòng bùn đá.
Về hệ thống loa phát thanh: hệ thống chỉ lắp đặt 1 loa phát tín hiệu, lắp đặt xa khu dân cư và âm lượng loa quá bé, chưa gây được sự chú ý của người dân khi xảy ra sự cố. Do vậy, cần tăng số lượng, âm lượng loa với tín hiệu cảnh báo phù hợp, đặc biệt cần lắp đặt tại vị trí gần khu vực dân sinh sống để mở rộng tối đa phạm vi cảnh báo của hệ thống; cần tính toán kỹ khoảng cách phù hợp giữa loa đến khu dân cư đảm bảo đủ thời gian người dân di chuyển khi nhận tín hiệu cảnh báo.
Về camera theo dõi: hệ thống camera theo dõi hiện chưa bao quát các vị trí xung yếu trên lưu vực. Do vậy, Cần rà soát, bổ sung các camera theo dõi các vị trí có cảm biến dây để hỗ trợ phát thông tin cảnh báo chính xác hoặc can thiệp cắt tín hiệu cảnh báo nếu căng kế bị đứt do các nguyên nhân khách quan khác.
Về chuyển giao công nghệ và hướng dẫn người dân: công tác chuyển giao công nghệ cảnh báo sớm thiên tai lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở đất phải đảm bảo phát huy hiệu quả các tính năng kỹ thuật của Hệ thống, đặc biệt là phải phù hợp với đặc trưng lũ bùn đá và điều kiện quản lý vận hành của địa phương.
Do vậy, cần tổ chức chuyển giao công nghệ và hướng dẫn vận hành để Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Tỉnh Lào Cai chủ động sử dụng phục vụ công tác điều hành ứng phó thiên tai trên địa bàn; Cần tổ chức hướng dẫn để người dân hiểu rõ quy trình vận hành hệ thống; thông báo phạm vi hoạt động của hệ thống, lấy ý kiến góp ý nâng cao hiệu quả, khả năng cảnh báo của hệ thống.
Về công tác đảm bảo an toàn: cần lắp đặt rào chắn để đảm bảo an toàn hoạt động của thiết bị lắp ngoài trời và an toàn cho người dân và vật nuôi quanh khu vực lắp đặt thiết bị; ngoài ra, cần tiếp tục lấy ý kiến góp ý của người dân để hoàn thiện hệ thống.
Trên cơ sở vận hành thời kỳ đầu, các đơn vị quản lý và vận hành hệ thống cần tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình để làm sao vừa cảnh báo nhanh chóng kịp, chính xác thời tới người dân nhưng phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam. Tổng cục PCTT tin tưởng, sau khi hoàn thiện, hệ thống sẽ phát huy hiệu quả trong công tác cảnh báo sớm thiên tai.
- Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Dương (thực hiện)