1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Thanh Hóa:

Rào chắn “hố tử thần”, vận động người dân tạm di tản

(Dân trí) - Liên quan đến hố tử thần “khổng lồ” xuất hiện tại thôn 2, xã Qúy Lộc, huyện Yên Định, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tới khảo sát hiện trường để có hướng xử lý bước đầu, giúp người dân yên tâm.


Ghi nhận của phóng viên Dân trí vào chiều ngày 28/10, hàng trăm người dân xã Qúy Lộc cùng nhiều người dân ở các xã lân cận vẫn hiếu kỳ tập trung quanh khu vực hiện trường “hố tử thần” để chứng kiến hiện tượng lạ này. Nhiều người cố tình tiếp cận sát miệng hố để có thể nhìn xuống phía dưới, rất nguy hiểm.

Tại hiện trường sụt lún, gần như toàn bộ phần diện tích đất vườn trước của gia đình ông Dương Đình Hiền đã sụt thành một hố sâu và phía trên mép hố có những đoạn sụt xuống so với mặt vườn cũ khoảng 20 - 30cm.

Phía dưới đáy hố có nước đục ngầu nhưng không có hiện tượng của dòng chảy hay sủi bọt. Nhiều người dân hiếu kỳ lấy dây cột vào hòn đá hay ném cây xuống dưới hố để xem hiện tượng.

Hiện tượng sụt lún đã tạm thời dừng lại.
Hiện tượng sụt lún đã tạm thời dừng lại.

Theo báo cáo của UBND xã Qúy Lộc, ngay sau khi nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, chính quyền địa phương đã huy động toàn bộ lực lượng công an xã cùng dân quân tự vệ đến hiện trường để bảo vệ, đồng thời ngăn người dân không tiếp cận sát mép hố.

Được biết, xung quanh khu vực hiện trường có 8 hộ dân có nguy cơ ảnh hưởng bởi hiện tượng sụt lún. Hiện nhiều hộ dân đã di dời gia súc, gia cầm và tài sản đến nhà hàng xóm để phòng bất trắc.

Anh Trịnh Đình Nghị, xóm 2, xã Qúy Lộc cho biết, ngay sau khi hiện tượng sụt lún xảy ra, gia đình anh đã di chuyển toàn bộ tài sản và vật nuôi trong nhà đi sang nhà hàng xóm gửi. Gia đình anh cũng rất lo lắng khi căn nhà mới làm hết 300 triệu lại nằm cạnh hố sụt lún.

Nhiều người dân đứng sát mép hố sụt lún rất nguy hiểm.
Nhiều người dân đứng sát mép hố sụt lún rất nguy hiểm.

Một số hộ dân quanh nơi xuất hiện hố sâu đã di dời tài sản đi nơi khác.
Một số hộ dân quanh nơi xuất hiện hố sâu đã di dời tài sản đi nơi khác.

Cũng theo anh Nghị cho biết, thời điểm làm nhà năm 2013, khi đào móng anh không phát hiện có gì bất thường phía dưới. Hiện căn nhà của gia đình anh có hiện tượng nứt tường ở gác xép và gian lồi.

Cũng trong chiều ngày 28/10, đoàn công tác của các Sở, ban ngành tỉnh Thanh Hóa đã có mặt tại hiện trường để khảo sát và có buổi làm việc với chính quyền địa phương cùng gia đình ông Dương Đình Hiền.

Tại buổi làm việc, ông Lê Minh Thông - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa - cho biết: “Nếu nước dưới đáy hố sụt lún dừng; theo dõi dòng chảy xem giếng nước, nhất là giếng khơi của các hộ xung quanh có bị tụt không, nước có bị đục không, nếu không mở rộng, không có dòng chảy, giếng của dân không mất nước thì nó là một hiện tượng bình thường… Nên để 1 - 2 ngày để xem diễn biến thế nào”.

Ông Thông đề nghị chính quyền địa phương trước mắt cần rào chắn lại để người dân không đến gần rất nguy hiểm cho tính mạng. Đồng thời động viên người dân bình tĩnh, yên tâm. Chính quyền địa phương nắm thông tin, diễn biến và đặc biệt là đảm bảo công tác an ninh, trật tự.

“Hiện tại Sở đã nhận được báo cáo của huyện và đã tham mưu cho UBND tỉnh. Đồng thời, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã liên lạc với Viện Vật lý ứng dụng để trao đổi cụ thể. Để đánh giá đúng bản chất hiện tượng thì cần phải có các chuyên gia”, ông Thông cho biết thêm.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Minh Châu, cũng đã có ý kiến chỉ đạo chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi và khoanh rộng vùng bảo vệ. “Qua trao đổi cũng thống nhất đây là một dạng cát-tơ liên quan đến địa hình ở khu vực này. Cũng nên theo dõi một vài hôm, sau khi báo cáo UBND tỉnh có hướng chỉ đạo và có thể mời các chuyên gia có chuyên môn sâu về hiện tượng này để đưa ra hướng khắc phục triệt để”, ông Châu cho biết.

Ông Lê Tiến Dũng - Phó đoàn trưởng Đoàn Mỏ - Địa chất tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Qua khảo sát ban đầu xác định đây là một hố sụt cát-tơ ở phạm vi, quy mô nhỏ, theo chiều thẳng đứng. Có hiện tượng sủi bọt, nhưng đây là hiện tượng sụt đất đi ngược chiều với dòng nước, nước thì sồi lên mà đất thì chìm xuống dưới, không có hiện tượng phun nước. Thứ hai nữa là không có hiện tượng nước bị tụt mất đi, điều đó khẳng định quy mô ở đây không lớn”.

“Đây là một hiện tượng lạ thông thường: lạ đối với người dân, nhưng với người làm địa chất thì là hiện tượng sụt thông thường, bà con cũng không phải hoang mang về việc này”, ông Dũng nhấn mạnh.

Các ngành chức năng cho biết sẽ để theo dõi thêm mới đưa ra hướng xử lý cụ thể.
Các ngành chức năng cho biết sẽ để theo dõi thêm mới đưa ra hướng xử lý cụ thể.

Ông cũng thống nhất ý kiến theo dõi thêm, nếu ổn định thì việc san lấp tạo mặt bằng tự nhiên để sinh hoạt bình thường thì cũng không có gì là lạ. Đây là một hoạt động địa chất bình thường.

Về phía huyện Yên Định, ông Nguyễn Đăng Nhượng - Phó Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo trực tiếp chính quyền địa phương cần tiến hành các biện pháp rào chắn, thay dây ngăn đơn giản bằng cây luồng. Đồng thời bố trí lực lượng công an túc trực 24/24 để phòng người lạ đến không biết đi vào chỗ nguy hiểm. Chính quyền địa phương phải mắc bóng điện, hoặc chuẩn bị đèn chiếu sáng quanh hiện trường. Đồng thời động viên những hộ dân quanh hiện trường tạm thời sơ tán người, tài sản để phòng những diễn biến bất thường. Thường xuyên quan sát tình hình và báo cáo kịp thời về UBND huyện.

Duy Tuyên