1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Rào cản trong việc khôi phục quần thể hổ ở Việt Nam

Thế Kha

(Dân trí) - Việt Nam có đủ khả năng và nguồn lực để giúp phục hồi quần thể hổ bằng việc chấm dứt buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp và loại bỏ các trang trại hổ.

Theo thông tin từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), quần thể hổ hoang dã đang suy giảm ở tất cả các quốc gia có hổ phân bố ở lục địa Đông Nam Á. Các quốc gia có ít hổ hơn so với năm 2010 - thời điểm đề ra mục tiêu toàn cầu tăng gấp đôi số hổ hoang dã trên thế giới đến năm 2022. Một trong những nguyên nhân hàng đầu của sự suy giảm này là nạn săn trộm hổ để buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp.

Trong 25 năm qua, một số nghiên cứu cho thấy hổ đã tuyệt chủng về mặt sinh thái ở Campuchia, Lào và Việt Nam; đồng thời số lượng hổ đã giảm đáng kể ở Malaysia, Myanmar và mức giảm thấp hơn ở Thái Lan.

Rào cản trong việc khôi phục quần thể hổ ở Việt Nam - 1

17 cá thể hộ được cảnh sát bắt giữ vào sáng ngày 4/8 tại xã Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An (Ảnh: Bạn đọc cung cấp).

Bẫy dây là mối đe dọa lớn nhất với quần thể hổ

Bẫy dây là mối đe dọa lớn nhất đối với loài hổ ở Đông Nam Á. Ước tính có tới hơn chục triệu bẫy dây đang được giăng mắc ở khắp các khu bảo tồn tại Campuchia, Lào và Việt Nam và một dấu hiệu cho thấy những gì còn lại của khu vực phải đối mặt nếu không có hành động mạnh mẽ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng này.

Bất chấp sự suy giảm chung về số lượng hổ trong khu vực, vẫn có những tín hiệu lạc quan từ những câu chuyện thành công. Ví dụ, các cuộc tuần tra chống săn trộm do các thành viên cộng đồng người bản địa dẫn đầu tại Khu bảo tồn Belum Temengor của Malaysia đã góp phần giảm 94% số bẫy dây kể từ năm 2017.

Tại Vườn quốc gia Pù Mát, Việt Nam, lực lượng tuần tra cũng đã gỡ bỏ 4.655 bẫy trong hai năm 2018-2019, giảm 53% số bẫy và 71% số lán trại của thợ săn trong vườn quốc gia.

Và ở Thái Lan, hổ đang phân  bố rải rác từ Khu bảo tồn Động vật hoang dã Huai Kha Khaeng đến các khu bảo tồn khác nhờ các biện pháp quản lý và kết nối khu bảo tồn được thực hiện quyết liệt.

Các mối đe dọa lớn khác bao gồm mất môi trường sống do phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác gỗ bất hợp pháp, phát triển nông nghiệp, và buôn bán bất hợp pháp hổ và các bộ phận của hổ. Thống kê cho thấy, với khoảng 1.004 cá thể hổ đã bị thu giữ từ năm 2000-2018 ở Đông Nam Á, cùng khoảng 8.000 cá thể hổ đang bị nuôi nhốt ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam, tiếp tục xói mòn các nỗ lực thực thi pháp luật và thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ hổ.

Rào cản trong việc khôi phục quần thể hổ ở Việt Nam - 2

17 cá thể hổ được nuôi nhốt ở 2 nhà dân ở Nghệ An (Ảnh: N.D).

thể đóng góp vào công cuộc khôi phục loài hổ

Tổng cục Môi trường cho rằng, Việt Nam có thể đóng góp vào nỗ lực chung của khu vực trong việc cứu hổ hoang dã bằng việc tăng cường các giải pháp kiểm soát nạn buôn bán và tiêu thụ hổ bất hợp pháp.

Việt Nam có đủ khả năng và nguồn lực để giúp phục hồi quần thể hổ ở Đông Nam Á bằng việc chấm dứt buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp hổ ở Việt Nam; loại bỏ các trang trại hổ hiện đang gây ảnh hưởng tiêu cực tới các nỗ lực giảm cầu đối với các sản phẩm từ hổ.

"Mặc dù dấu vết về hổ tại Việt Nam trong tự nhiên gần như không thấy, nhưng Việt Nam vẫn đang  và có thể đóng góp vào công cuộc khôi phục loài hổ ở Đông Nam Á thông qua các nỗ lực đang triển khai như bảo vệ và khôi phục các sinh cảnh và hệ thú mồi của hổ, chấm dứt việc nuôi nhốt hổ không vì mục đích bảo tồn và giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm của chúng"- bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) cho hay.

Theo bà Nhàn, Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của các tổ chức bảo tồn và mong đợi nhận được các đóng góp nhiều hơn nữa để giúp Việt Nam thực hiện được các cam kết ngắn hạn là trở thành nơi an toàn cho loài hổ trở lại, tiến tới thực hiện việc tái thả hổ về tự nhiên để tăng quần thể hổ ở Đông Dương.

Thực tế, nhiều biện pháp đã được áp dụng thành công ở các nước khác. Trong đó, Ấn Độ đang áp dụng các quy chuẩn tốt nhất trong quản lý các khu bảo tồn hổ. Nước này đã công bố 14 khu được phê duyệt theo quy chuẩn CA|TS - một công cụ bảo tồn đặt ra các tiêu chuẩn để quản lý các loài mục tiêu và tiến độ đánh giá. Hiện có hơn 100 khu đạt CA|TS trên toàn cầu, chiếm hơn 70% quần thể hổ toàn cầu, bao gồm các địa điểm được đăng ký ở Bangladesh, Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Nepal và Nga.

Tổng cục Môi trường cho rằng thế giới và cộng đồng bảo tồn trông đợi Việt Nam và các nước láng giềng cho hổ không gian sống an toàn và sớm đưa chúng trở lại nơi chúng từng sinh sống.

2 nhà dân ở Nghệ An nuôi 17 cá thể hổ

Như Dân trí phản ánh, sáng 4/8, lực lượng cảnh sát đã ập vào một nhà dân tại xã Đô Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An), bắt giữ một vụ nuôi nhốt hổ trái phép lớn chưa từng có tại xã này.

Bước đầu, công an đã thu giữ khoảng 17 cá thể hổ trưởng thành, có trọng lượng lớn còn sống được nuôi nhốt trong chuồng trại của 2 nhà dân. Hiện chưa rõ chủng loại những cá thể hổ bị nuôi nhốt này thuộc loại nào, mức độ quý hiếm và nguy hiểm ra sao.

Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, cơ quan chức năng đã điều nhiều xe cẩu đưa 17 cá thể hổ này đến Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm, huyện Diễn Châu (Nghệ An) để nhờ chăm sóc hộ trong thời gian chờ phục vụ công tác điều tra, làm rõ.