Rao bán cây sưa cổ thụ 50 tỷ đồng để trùng tu di tích
Dư luận đang xôn xao về việc một cây sưa hơn 200 năm tuổi (đình Đông Cốc, xã Hà Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh) được rao bán với giá 50 tỷ đồng. Cũng có những người đã đánh tiếng hỏi mua, thậm chí, có người đặt cọc ngay 200 triệu đồng giữ chỗ.
Những người dân sống quanh khu vực cho rằng BQL di tích đã lén lút rao bán cây, vì họ thấy nhiều đoàn khách vẫn âm thầm vào xem cây, định giá.
Long đong số phận cây sưa cổ thụ
Là một trong 3 cây sưa nằm trong khuôn viên đình Đông Cốc - di tích lịch sử và nghệ thuật cấp quốc gia đã được xếp hạng từ năm 1992. Một cây 400 năm tuổi có tán rộng ôm kín một phần mái đình, đường kính 3 người ôm; một cây sưa khoảng 50 năm tuổi, và cây sưa 200 tuổi là cây được rao bán 50 tỷ.
Cây sưa bị rao bán nằm ngay sát cửa đình được người dân cho biết đã được rao bán từ cuối năm 2012. Từ đó tới nay có rất nhiều đoàn khách đã về thôn để xem cây và định giá. Không nhưng thế, người ta còn thực hiện khoan thăm dò 2 mũi để kiểm tra tình trạng “sức khỏe” của cây. Được biết, đã có một người tên Hải ở huyện Tiên Du (Bắc Ninh) đặt cọc 200 triệu đồng để giữ chỗ mua cây.
Có người còn cho biết, cách đây chưa lâu, một cây sưa ở đình cũng bị kẻ gian cưa trộm. Song, quần chúng nhân dân kịp thời phát hiện nên cây chưa bị đốn hạ. Tuy vậy, kẻ trộm cũng đã kịp cưa trụi cành lá. Được thể, BQL di tích đã cho đào cây sưa này lên, sau khi bàn tán, BQL quyết định đem bán với giá 350 triệu đồng. Số tiền này được BQL đưa vào để tu sửa lại đình.
Trao đổi với phóng viên về thông tin trên, ông Nguyễn Văn Ngư (trưởng thôn Đông Cốc) cho biết, sự việc bắt nguồn từ năm ngoái khi nhiều người dân của thôn đề xuất ý định bán cây sưa cổ thụ 200 tuổi này để lấy tiền trùng tu lại ngôi đình cũng như xây dựng một số công trình công cộng của thôn, xây dựng nông thôn mới.
Ông Ngư cũng khẳng định là có chuyện rao bán cây sưa cổ thụ, việc đó đã được các vị bô lão trong thôn đồng ý, BQL đình Đông Cốc thực hiện. Nhưng hiện giờ do có nhiều vấn đề nên đã không còn rao bán nữa và cây sưa vẫn nguyên vẹn. Về số tiền 200 triệu đồng đặt cọc, ông cho hay đã trả lại cho người đặt cọc.
Tuy nhiên, trong bản “Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2013” của thôn Đông Cốc, được lập ngày 30/6/2013, phần thu chi vẫn có ghi rõ: Tiền đặt cọc cây sưa là 200 triệu đồng. Chưa kể, người dân tại đây cho biết vẫn thấy những đoàn khách về đây hỏi mua cây. Giờ khắp nơi đều rộ lộ tin đồn “cụ sưa” cổ thụ vẫn được âm thầm rao bán.
Không được phép bán cây cổ thụ trong di tích
Cho đến nay, cây sưa hơn 200 tuổi vẫn còn yên vị ngay sát cổng đình Đông Cốc. Nhưng những thông tin xung quanh vẫn gây xôn xao dư luận và khiến người dân lo lắng cây sưa sẽ bị biến mất bất cứ lúc nào.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Xuân Bắc (Trưởng phòng Văn hóa huyện Thuận Thành) xác nhận, năm 2012, xã Hà Mãn có đơn gửi các sở, ngành xin được bán cây sưa trên để trùng tu đình. Trong tháng 11/2012, ông Bắc đã cùng cán bộ xuống địa bàn kiểm tra và đề nghị dừng việc rao bán cây, không cho bán khi biết có đơn vị về đặt cọc 200 triệu đồng để mua sưa.
Theo ông Bắc, những cây sưa cổ thụ nằm trong khuôn viên đình Đông Cốc thuộc sở hữu của BQL Di tích đình. Tuy nhiên, đây là di tích quốc gia nên việc khai thác tài sản trong di tích phải được sự cho phép của cấp Bộ. Ông Bắc và ông Hiến cũng không hay biết việc một cây sưa đã được bán giá 350 triệu đồng.
Như vậy, việc BQL đình Đông Cốc tự ý bán cây sưa với giá 350 triệu đồng là sai quy định của pháp luật. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuế (67 tuổi, thủ từ Đình Đông Cốc) khẳng định, trước nay việc tu sửa đình phần lớn phụ thuộc vào kinh phí từ tiền bán sưa. BQL di tích đình Đông Cốc cũng như các cụ cao niên trong làng đều cho rằng cây là tài sản của đình, việc mua bán, người dân thôn Đông Cốc có thể tự quyết.
Theo ban quản lý đình, vào năm 2007, đình Đông Cốc đã từng được trùng tu cũng dựa trên nguồn kinh phí từ việc bán sưa. Một cây sưa có tuổi đời 300 năm đã được bán với giá khoảng 1,2 tỷ đồng.
Như vậy, cho đến thời điểm này cây sưa 200 năm tuổi vẫn chưa được bảo vệ khi người trong cuộc vẫn chưa hiểu những hệ lụy từ việc bán đi những cây cổ thụ vốn gắn chặt với lịch sử của di tích.
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường, cho rằng: “Bản thân cây cổ thụ cũng là một di tích. Trong khi ở nhiều nơi người ta đang tìm mọi cách để bảo vệ cây cổ thụ (chẳng hạn như vinh danh cây di sản) thì ở đây người ta lại coi di sản như nguồn thu nhập để khai thác”.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, trong tất cả các hồ sơ di tích, không hề có danh sách cây cối để bảo vệ. Trừ những di tích như cây đa Tân Trào… rất hiếm gặp. Điều này khiến nhiều người chưa ý thức được giá trị của những cây cổ thụ trong quần thể di tích.
Ở nhiều nơi người ta tự cho rằng, việc bán cây không gây ảnh hưởng tới di tích hay cây cối là tài sản của dân làng, của BQL di tích do nhân dân bầu ra nên muốn mua bán như thế nào đều do làng tự quyết.
GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa cũng đã từng có ý kiến tương tự, cây cổ thụ là một di sản gắn với những công trình tín ngưỡng, nhất là đình chùa miếu mạo. Bởi mỗi công trình được khởi dựng nên phải mất hàng trăm năm mới có thể tạo thành những cây cổ thụ bổ sung vào cảnh quan di tích. Cho nên, dù cây có nằm sát cạnh hoặc xa một chút nhưng vẫn trong cùng không gian di tích thì vẫn cần phải giữ.
Việc giữ lại một cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi trong di tích sẽ có giá trị hơn nhiều số tiền bán cây. Giữ lại cây là giữ để lại cho con cháu một di sản vô giá. Số phận cây cổ thụ của ngôi đình Đông Cốc gặp nhiều long đong vì giá trị vật chất khổng lồ của nó. Song những người dân và BQL di tích cần hiểu rằng việc bán cây trong di tích là trái với quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn một lần nữa nhắc lại ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường: “Trong hầu hết các hồ sơ di tích, không hề có danh sách cây cối để bảo vệ”. Vậy thì việc cần làm ngay là các cơ quan có trách nhiệm cần rà soát, lập hồ sơ bảo vệ các cây cổ thụ trong di tích trước khi quá muộn.
Theo Tùng Liên
An ninh thủ đô