1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Rải tiền thật khi đưa tang

Khoảng 8h ngày 2/7, một đoàn xe đưa tang từ ấp Thuận Phú 1, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) hướng về nghĩa trang thị xã Đồng Xoài đã rải khá nhiều tiền thật trên suốt một đoạn đường dài.

 
Rải tiền thật khi đưa tang
Tiền thật mệnh giá 1.000 đồng và tiền vàng mã vương vãi trên đường ĐT 741, xã Thuận Phú (Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) - Ảnh: B.LIÊM

 

Theo phản ảnh của nhiều người dân dọc các tuyến đường ĐT741, đường Phú Riềng Đỏ, những người thân của người quá cố cầm trong tay từng nắm giấy vàng mã cùng tiền giấy thật có mệnh giá 1.000 đồng do Ngân hàng Nhà nước VN phát hành, rải suốt lộ trình hơn 15km, nhiều nhất là ở đoạn đường khu vực trung tâm thị xã Đồng Xoài.

 

Thấy tiền giấy thật vương vãi trên đường, người đi đường, nhất là trẻ em, nháo nhào tranh nhau nhặt bất chấp xe cộ qua lại. Một người dân bức xúc: “Nhiều người đói rách không có miếng ăn, đằng này lại mang tiền quốc gia quăng bừa bãi trên đường”.

 

Cùng ngày, một lãnh đạo Công an xã Thuận Phú cho biết: “Việc rải tiền thật trên đường đưa tang không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, người tham gia giao thông. Công an xã đã nhiều lần tuyên truyền, vận động người dân trong xã không được rải vàng mã, đặc biệt tiền thật khi đưa tang nhưng có người vẫn không chấp hành. Sắp tới công an xã họp dân tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, nếu gia đình nào vi phạm sẽ có hình thức xử lý nghiêm theo quy định”.

 

Đại tá Hoàng Văn Huệ - Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước  - cũng cho biết sẽ chỉ đạo Công an huyện Đồng Phú kiểm tra, nếu đúng sẽ mời đến công an làm việc, nhắc nhở.

 

Cấm rải tiền trên đường đưa tang

 

Việc rải tiền thật trong các đám tang rõ ràng là hành vi bị pháp luật cấm đoán. Điểm e, điều 10 thông tư 04 ngày 21/1/2011 của Bộ VH-TT&DL (quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội) quy định: “Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang”. Thế nhưng hành vi này phải bị xử lý thế nào thì còn có nhiều ý kiến khác nhau. Có người nói “không xử phạt hành chính được vì không có quy định”. Song cũng có người cho rằng có thể căn cứ vào khoản 2 điều 18 nghị định 75 ngày 12/7/2010 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa) để phạt tiền từ 1-3 triệu đồng. Ý kiến này không nêu rõ theo điểm nào trong khi khoản 2 điều 18 nghị định trên có đến bốn điểm ứng với nhiều hành vi vi phạm khác nhau.

 

Điểm a, khoản 2 điều 18 nghị định 75 nêu: phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi “Tổ chức hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức khác có tính chất mê tín dị đoan”. Có thể người cho rằng “phạt được” đã xếp hành vi rải tiền thật trong đám tang thuộc về “các hình thức khác có tính chất mê tín dị đoan”. Tuy nhiên pháp luật thì phải rõ ràng, tránh tình trạng vận dụng tùy tiện dễ gây phản ứng. Chính vì thế, tôi nghĩ Bộ VH-TT&DL nên có hướng dẫn thêm để các địa phương có cơ sở pháp lý thực hiện thống nhất, nhất là khi hành vi rải tiền không phải là chuyện cá biệt của một vài người.

 

Luật sư TRẦN THỊ MIỀN

 

Theo Bùi Liêm

 Tuổi trẻ