1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Rà soát loạt công trình giao thông trong mùa mưa bão ở TPHCM

Tâm Linh

(Dân trí) - Để bảo vệ người và phương tiện tham gia giao thông mùa mưa bão, cơ quan giao thông và các địa phương triển khai nhiều biện pháp đối với công trình cầu, đường, cây xanh, bảng quảng cáo...

Nhằm đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông và an toàn chất lượng công trình, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM có văn bản đề nghị UBND TP Thủ Đức, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan triển khai nhiều biện pháp.

Đối với công trình đường, Sở GTVT đề nghị kiểm tra, xử lý ngay các vị trí mặt đường hư hỏng, trũng, đọng nước bằng các giải pháp: đo cao độ mặt đường để làm cơ sở đắp bù bê tông nhựa, tạo độ dốc vuốt về hầm ga, bổ sung tấm đan rãnh bằng bê tông hoặc gạch tự chèn chịu lực tạo độ dốc dọc... nhằm cho nước thoát nhanh xuống hầm ga.

Rà soát loạt công trình giao thông trong mùa mưa bão ở TPHCM - 1

Đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh được cải tạo có độ dốc đổ về tấm đan rãnh thoát nước xuống hầm ga, khiến con đường không còn tình trạng ngập (Ảnh: Nguyễn Quang).

Các mặt đường hư hỏng gây mất an toàn giao thông cần được sửa chữa ngay. Trong trường hợp các vị trí hư hỏng chưa được khắc phục, sở yêu cầu phải có biện pháp cảnh báo cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Cụ thể, cơ quan giao thông và đơn vị thi công phải quây hàng rào, đặt biển báo, đèn cảnh báo; sơn lại vạch sơn đường, thay thế biển báo bị mờ, mất tác dụng cảnh báo; bỏ nhánh cây che khuất biển báo, đèn tín hiệu giao thông, đèn chiếu sáng công cộng...

Đối với công trình cầu, các cây cầu yếu, không đồng bộ tải trọng và bắc qua các tuyến giao thông đường thủy trọng yếu cần được kiểm tra kết cấu, bộ phận chính của cầu, tình trạng của kết cấu gồm: kết cấu móng, mố trụ, kết cấu nhịp… để sửa chữa, gia cố đảm bảo an toàn giao thông suốt quá trình khai thác cầu.

Đặc biệt cầu trên các tuyến đường có mật độ giao thông lớn như Võ Trần Chí, quốc lộ 1, quốc lộ 22... cần được kiểm tra, vệ sinh khe co giãn đảm bảo khả năng làm việc tối ưu của khe co giãn; đồng thời vệ sinh mặt cầu, hệ thống thu nước trên cầu, không để đọng nước trên cầu.

Cơ quan chức năng cũng vận động giải tỏa, xử lý nghiêm tình trạng buôn bán lấn chiếm gầm cầu, xâm hại phạm vi bảo vệ, hành lang an toàn công trình cầu, hầm đường bộ trên địa bàn quản lý.

Rà soát loạt công trình giao thông trong mùa mưa bão ở TPHCM - 2

Chợ tự phát chiếm dụng bên hông cầu Chợ Cầu, quận 12, ô dù che khuất tầm nhìn xe chạy và biển báo giao thông, mùa mưa bão các vật thể có thể bị thổi bay ra đường (Ảnh: Hoàng Hướng).

Cơ quan quản lý giao thông cần phối hợp các đơn vị quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, viễn thông) để xử lý dây điện, cáp viễn thông treo không đúng quy định, đảm bảo được thu gọn, mỹ quan, không ảnh hưởng đến chất lượng và bảo trì công trình cầu.

Các cầu trên sông chưa có hệ thống trụ chống va hoặc chưa bố trí biển báo đường thủy đúng theo quy định thì phải được tổ chức lắp đặt đầy đủ hệ thống biển báo trên cầu, phân luồng giao thông thủy nhằm tăng cường cảnh báo và hướng dẫn tàu thuyền lưu thông an toàn.

Đối với hệ thống bảng quang báo, camera, tín hiệu giao thông sẽ được rà soát các thiết bị đóng cắt, bảo vệ, hệ thống nối đất và các điểm có nguy cơ rò điện cao của hệ thống, nhằm kịp thời phát hiện và ngăn ngừa, phòng tránh nguy cơ, tuyệt đối không để gây ra sự cố rò điện, gây tai nạn cho người dân và đảm bảo hoạt động ổn định của hệ thống.

Ngoài ra, đối với các biển hiệu, trụ bảng quảng cáo, cơ quan giao thông yêu cầu các doanh nghiệp quảng cáo ngoài trời trên địa bàn quản lý tổ chức kiểm tra, rà soát mức độ an toàn chịu lực của công trình; đồng thời thực hiện ngay các biện pháp gia cố, giằng chống, sửa chữa.

Rà soát loạt công trình giao thông trong mùa mưa bão ở TPHCM - 3

Bảng quảng cáo ngoài trời bị đổ sập trong cơn dông chiều 10/8/2018 trên quốc lộ 1A (phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TPHCM) gây chết người (Ảnh: Đình Thảo).

Sở GTVT cũng đề nghị Ban Quản lý đường sắt đô thị, Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị rà soát tiến độ thực hiện của các dự án.

Các đơn vị yêu cầu nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thi công, gia cố rào chắn công trình, hoàn trả mặt đường đảm bảo chất lượng, lưu thông êm thuận sau khi thi công xong, tuân thủ các quy định đào và tái lập mặt đường trên địa bàn thành phố.

Sở GTVT cũng đề nghị Sở Xây dựng chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP khẩn trương kiểm tra, xử lý nhánh cây che khuất đèn tín hiệu giao thông, biển báo, đèn chiếu sáng; các vị trí đèn chiếu sáng tắt hoặc không đủ độ sáng gây mất an toàn giao thông.

Các cống thoát nước sẽ được thường xuyên kiểm tra, nạo vét đảm bảo thoát nước nhanh. Đối với các tuyến đường không có hệ thống thoát nước phải thực hiện dẫn dòng thoát nước, khơi thông rãnh để thoát nước, không để đọng nước, tràn nước trên mặt đường gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Đồng thời, các cơ quan giao thông khẩn trương triển khai sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên công trình đường bộ theo kế hoạch bảo trì công trình đã được thông qua; lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, phát hiện xử lý kịp thời các hư hỏng, sự cố liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nhằm đảm bảo an toàn giao thông và chất lượng công trình.

Bên cạnh đó, khi có sự cố bất cập xảy ra người dân có thể gọi đến tổng đài tiếp nhận thông tin phản ánh về hạ tầng kỹ thuật 1022, đường dây nóng của Thanh tra Sở Giao thông vận tải: (028) 38.300.701.

Hiện TPHCM còn 13 tuyến đường trục chính có thể bị ngập do mưa, gồm: Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp); Đặng Thị Rành, Bạch Đằng (quận Bình Thạnh); Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, quốc lộ 1A (TP Thủ Đức); Phan Anh, Hồ Học Lãm (quận Bình Tân).

Bên cạnh đó, thành phố cũng còn 6 tuyến đường ngập do triều cường, gồm: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (quận 7); Lê Văn Lương, Đào Sư Tích (huyện Nhà Bè); quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) và Nguyễn Văn Hưởng (TP Thủ Đức).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm