Ra đời trong đại dịch, "ATM gạo" cam kết phục vụ đến... hết năm

(Dân trí) - "Cây ATM gạo" đặc biệt này không phân biệt người nhận, ai có nhu cầu đều có thể đến lấy gạo, và đặc biệt cam kết trước mắt sẽ phục vụ người dân đến hết năm nay.

Sáng 18/4, tại tổ 16, khóm Bình Đức 5, phường Bình Đức, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, “cây ATM gạo” đầu tiên của tỉnh chính thức đi vào hoạt động nhằm đưa những “hạt gạo nghĩa tình” đến với những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong thời dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Văn Vẹn, nhà ở khóm Bình Đức 5, phường Bình Đức - một trong những người đến xếp hàng nhận gạo sớm nhất - xúc động chia sẻ, nhà có 2 vợ chồng già gần 90 tuổi, trước đây ông đi bán vé số, bà ở nhà nấu cơm. Từ khi xuất hiện dịch bệnh, nhà nước tạm ngưng phát hành vé số, ông bà sống nhờ vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của bà con xung quanh. Nay có cái máy phát gạo miễn phí này ông rất vui và phấn khởi vì nó sẽ giúp ông và nhiều bà con nghèo khác vơi đi phần nào khó khăn trong thời điểm hiện nay.

Ra đời trong đại dịch, ATM gạo cam kết phục vụ đến... hết năm - 1

Người dân đến nhận gạo miễn phí tại "cây ATM gạo" nghĩa tình tại phường Bình Đức, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Đang cẩn thận đặt túi gạo vừa nhận được vào giỏ chiếc xe đạp “cà tàng”, chị Hồ Thị Mai, nhà ở tổ 10, phường Bình Đức 5, tâm sự, hai vợ chồng chị làm công nhân ở một cơ sở nhỏ, do dịch bệnh nên cơ sở phải tạm nghỉ, 2 vợ chồng mất việc làm nên cuộc sống rất khó khăn. Giờ có máy phát gạo tự động này, gia đình chị sẽ “cầm cự” được chờ qua dịch bệnh sẽ đi kiếm việc làm lại.

Anh Lê Hải Tùng, chủ nhân mô hình “ATM gạo” miễn phí đầu tiên tại tỉnh An Giang chia sẻ: "Tôi thấy mô hình này triển khai ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Hội và nhiều tỉnh thành khác rất thiết thực, mang lại hiệu ứng xã hội rất tốt; đặc biệt, mô hình này giúp được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, tôi đã nảy sinh suy nghĩ triển khai mô hình này ở An Giang nhằm góp một phần nhỏ bé của mình cùng với cả nước và tỉnh An Giang chung tay đẩy lùi dịch bệnh".

Ra đời trong đại dịch, ATM gạo cam kết phục vụ đến... hết năm - 2

Anh Lê Hải Tùng, chủ nhân mô hình “ATM gạo” miễn phí đầu tiên tại tỉnh An Giang chở các bao gạo tiếp thêm vào máy.

Nghĩ là làm, anh Tùng đã liên hệ với đơn vị chế tạo “ATM gạo” đầu tiện tại thành phố Hồ Chí Minh đặt mua 1 máy với giá 30 triệu đồng. Sau đó, để giảm chi phí, anh Tùng tự lái xe tải của gia đình lên tận TPHCM chở máy về An Giang và cho lắp đặt ngay tại cửa hàng mua bán xe cơ giới của gia đình, thuộc tổ 16, khóm Bình Đức 5, phường Bình Đức, TP Long Xuyên.

Theo anh Tùng, “ATM gạo” được cài đặt tự động ở các chế độ từ 1,5 đến 2kg gạo/lần. Thời gian nhận gạo, sáng từ 8h đến 10h, chiều từ 14h đến 16h tất cả các ngày trong tuần.

Ra đời trong đại dịch, ATM gạo cam kết phục vụ đến... hết năm - 3

Những người bạn đồng hành cùng với anh Lê Hải Tùng tiếp thêm gạo vào máy ATM cấp phát miễn phí cho bà con nghèo.

Do máy được cài đặt chương trình nhận diện bằng vân tay, nên người đến nhận gạo chỉ cần chạm tay vào nút tròn được thiết kế ở ngay phía trên bục nhận gạo thì gạo sẽ tự động chảy ra.

Mặt khác, người dân khi đến nhận gạo phải xếp hàng đúng cự ly theo các vị trí đã vẽ sẵn, đồng thời phải mang khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch rửa tay khô (được bố trí tại bàn nhận túi đựng gạo), nếu ai không tuân thủ các quy định trên thì máy sẽ ngừng hoạt động.

Ra đời trong đại dịch, ATM gạo cam kết phục vụ đến... hết năm - 4
Ra đời trong đại dịch, ATM gạo cam kết phục vụ đến... hết năm - 5

“ATM gạo” này sẽ phát gạo miễn phí cho tất cả người dân có nhu cầu, không phân biệt thành phần, khu vực sinh sống, mỗi lần nhận sẽ được từ 1,5 đến 2kg gạo. Hiện nguồn gạo để cung cấp cho máy vận hành do gia đình và bạn bè thân quen của anh ủng hộ. Trước mắt, gia đình cam kết sẽ duy trình mô hình "AMT gạo" miễn phí này ít nhất trong vòng một năm, để có thể giúp đỡ được thật nhiều bà con nghèo trên địa bàn tỉnh An Giang”- anh Tùng khẳng định.

Ra đời trong đại dịch, ATM gạo cam kết phục vụ đến... hết năm - 6

Những hạt gạo nghĩa tình sẽ giúp người nghèo vượt qua mùa dịch bệnh

Nhận xét về mô hình "ATM gạo" của anh Lê Hải Tùng, ông Nguyễn Tiếc Hùng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang cho biết, Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang rất ủng hộ những mô hình thiện nguyện mang tính cộng đồng của các tổ chức, cá nhân nhằm hỗ trợ, chăm lo cho người nghèo gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Về phía Mặt trận, thời gian tới sẽ tiếp tục vận động các Mạnh Thường Quân cùng chung tay hỗ trợ gạo cho mô hình này, để cây “ATM gạo” miễn phí này có thể duy trì lâu nhất có thể.

Bên cạnh đó, phía chính quyền thành phố Long Xuyên và Ủy ban nhân dân phường Bình Đức cũng đã tích cực hỗ trợ anh Tùng trong việc bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, tiến hành làm mái che ở khu vực phát gạo nhằm đảm bảo sức khỏe cho bà con nhân dân khi đến nhận gạo.

Hạt gạo thơm thảo

"Làn sóng ATM gạo" đang lan tỏa đến khắp mọi miền đất nước trong những ngày đại dịch khó khăn. Sáng nay, chương trình “ATM gạo miễn phí” do Quận đoàn Ngô Quyền (TP Hải Phòng) phối hợp với doanh nghiệp cũng đã được triển khai trước tòa nhà CPN (đường Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền).

Ra đời trong đại dịch, ATM gạo cam kết phục vụ đến... hết năm - 7

Cây "ATM gạo" miễn phí đầu tiên tại Hải Phòng

Ra đời trong đại dịch, ATM gạo cam kết phục vụ đến... hết năm - 8

Thông điệp của chương trình là “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Theo Phó Bí thư Quận đoàn Ngô Quyền Nguyễn Long Khánh, mỗi người khó khăn khi đến đây sẽ nhận được 3kg gạo miễn phí trong một ngày. Gạo được phát 2 lần/ngày, sáng từ 9h30 - 11h30, chiều từ 13h30 - 17 giờ. Nguồn gạo được quyên góp từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm.

Chương trình dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 30/4 hoặc lâu hơn, tùy theo diễn biến dịch bệnh. Trong quá trình phát gạo, để bảo đảm trật tự và an toàn phòng dịch, Ban tổ chức chương trình tổ chức điểm gửi xe, phát phiếu gạo, yêu cầu người dân xếp hàng giãn cách 2m. Mọi người dân đều phải đo thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào lấy gạo.

Ra đời trong đại dịch, ATM gạo cam kết phục vụ đến... hết năm - 9

Với những người dân nghèo, đây là những hạt gạo thơm thảo động viên họ vượt qua khó khăn

Ra đời trong đại dịch, ATM gạo cam kết phục vụ đến... hết năm - 10

Đã có khoảng 200 lượt người nhận gạo tại cây "ATM gạo" trong sáng nay

Bà Trần Thị Lan (60 tuổi, ở Lê Lợi, quận Ngô Quyền) cho biết, đại dịch Covid-19 khiến gia đình bà gặp nhiều khó khăn do bà không có việc làm ổn định, con cháu đều đi làm ăn xa. “Tuy 3kg không phải là nhiều nhưng giữa lúc khó khăn, dịch bệnh thì món quà này đối với chúng tôi chính là sự sẻ chia, đùm bọc, động viên… rất đáng quý”, bà Lan chia sẻ.

Ra đời trong đại dịch, ATM gạo cam kết phục vụ đến... hết năm - 11

Người dân khi đến lấy gạo đều phải tuân thủ qui định phòng chống Covid-19

Còn theo ông Nguyễn Văn Tuấn (67 tuổi, ở Đông Khê, Ngô Quyền) thì đây là những hạt gạo thơm thảo, ấm tình người đối với những người có hoàn cảnh khó khăn như ông.

Theo Quận đoàn Ngô Quyền, dự kiến mỗi ngày sẽ có khoảng 1 tấn gạo được phát miễn phí.

Người chờ nhận gạo xếp hàng dài cả cây số

Ngày 18/4, sau 6 ngày triển khai máy "ATM gạo nghĩa tình" tại Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vẫn có hàng trăm người nghèo xếp hàng dài suốt tuyến phố để được nhận gạo.

Người dân xếp hàng dài hàng cây số chờ nhận gạo

Tuy lượng người rất đông song ai cũng xếp hàng trật tự, đảm bảo giãn cách 2m, không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy. 

Do số lượng người đến nhận gạo ngày càng đông, có nhiều người nghèo vượt hàng chục cây số từ các huyện vùng xa như: Ea Súp, Ea H’leo, M’Đrắk… đến trung tâm thành phố nhận gạo rất vất vả nên ban tổ chức đã quyết định triển khai hàng loạt máy "ATM gạo" tại nhiều địa phương để giúp được thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn.

Ra đời trong đại dịch, ATM gạo cam kết phục vụ đến... hết năm - 12

Chỉ trong vòng 6 ngày hoạt động, ban tổ chức đã triển khai tổng cộng 10 cây "ATM gạo" tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông

Sau "ATM gạo" tại Buôn Ma Thuột, ngày 17/4, máy phát gạo miễn phí khác được mở tại Trung tâm văn hóa huyện Krông Pắk. Rất đông người dân nghèo, người dân tộc đồng bào dân tộc thiểu số đã đến nhận gạo.

Ông Nguyễn Văn Dần (74 tuổi) cho biết, gia đình chủ yếu làm nông và đời sống chật vật, khi nghe tin từ UBND xã báo sẽ phát gạo cho người nghèo nên ông đã đến để nhận và cảm thấy rất vui mừng vì được hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn này.

Ra đời trong đại dịch, ATM gạo cam kết phục vụ đến... hết năm - 13

Nguời nghèo cảm kích trước tấm lòng của các nhà hảo tâm.

Anh Phạm Thanh Tuấn - Giám đốc phụ trách Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột - cho biết, sau 4 ngày hoạt động đã nhận được trên 50 tấn gạo và mỗi ngày phát cho 1.000 suất cho người nghèo khó khăn. “Để nhiều người nghèo được nhận gạo chúng tôi quyết định sẽ triển khai thêm 9 "ATM gạo" tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Đắk Nông”, anh Tuấn chia sẻ.

Các điểm phát gạo mới gồm: huyện Krông Pắk (hoạt động ngày 17/4), huyện Ea Hleo, M’Đrắk, thị xã Buôn Hồ (hoạt động vào ngày 19/4). Tại Đắk Nông, “ATM gạo” đầu tiên sẽ hoạt động vào ngày 18/4 tại địa bàn huyện Cư Jut và tiếp tục được triển khai tại huyện Đắk Mil.

Ra đời trong đại dịch, ATM gạo cam kết phục vụ đến... hết năm - 14
Người đến nhận gạo xếp hàng ngay ngắn, trật tự

Minh Anh - An Nhiên - Thúy Diễm