“Quyết định không đúng, Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân”
(Dân trí) - “Trước đây điều 4 không quy định rõ trách nhiệm của Đảng thì lần sửa đổi Hiến pháp này đưa vào và nhấn mạnh Đảng phải gắn bó, phục vụ nhân dân. Nếu như quyết định không đúng, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, dân tộc”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chia sẻ với báo chí về những điểm mới trong Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua sáng nay (Ảnh: Việt Hưng)
Với 97,59% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Hiến pháp sửa đổi, sự đồng thuận đó nói lên điều gì, thưa ông?
Bản Hiến pháp này là cả quá trình làm việc rất công phu, nghiêm túc và đã phát huy được trí tuệ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Có thể nói đây là ý chí nguyện vọng của toàn thể nhân dân, của đại biểu Quốc hội. Tỷ lệ phiếu đã phản ánh sự đồng thuận, thống nhất về quy định của Hiến pháp sửa đổi.
Cử tri rất kỳ vọng vào lá phiếu của mỗi đại biểu Quốc hội khi họ đưa ra các quyết định trên nghị trường. Vậy ông nghĩ thế nào khi còn 2 đại biểu không biểu quyết thông qua Hiến pháp mới?
Điều đó thể hiện chính kiến, quyền của đại biểu Quốc hội. Không thể áp đặt và nói rằng 100% đại biểu phải thông qua Hiến pháp sửa đổi. Tôi nghĩ đây là chuyện bình thường trong xã hội hiện nay.
Nhiều người đánh giá một trong những điểm mới nhất trong Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua là nhấn mạnh quyền con người, thưa ông?
Riêng bố cục (đưa chương về quyền con người lên ví trị sau chương chế độ chính trị) mới đã thể hiện tầm quan trọng, vị trí của chương về quyền con người. Hơn nữa, tên chương cũng đã có sự thay đổi, trước đây là quyền nghĩa vụ cơ bản công dân, còn bây giờ là quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản công dân. Điều đó khẳng định Nhà nước cam kết để bảo đảm, bảo vệ, tôn trọng quyền con người, quyền công dân đúng như những công ước quốc tế mà nước ta đã là thành viên và đây cũng là thành quả của hơn 30 năm đổi mới của sự phát triển của đất nước.
Có thể nói trong chương này rất nhiều điều khoản làm rõ quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền đó. Trường hợp hạn chế đến quyền con người, quyền công dân thì phải do Hiến pháp, luật định trong những trường hợp thật cần thiết, vì những lý do rất cụ thể.
Thực tế nhiều quy định như quyền biểu tình quy định rất rõ trong các bản Hiến pháp của Việt Nam nhưng vẫn chưa được thể hiện bằng những đạo luật cụ thể. Như ông nói đến những điểm nhấn ở chương về quyền con người trong Hiến pháp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, vậy làm cách nào quy định cụ thể đó được thực hiện triệt để trong cuộc sống?
Quyền tự do dân chủ lập hội biểu tình không chỉ quy định trong Hiến pháp lần này mà cả các bản Hiến pháp trước đây cũng có. Để triển khai cái đó, tới đây phải ban hành luật để quy định rõ điều kiện, thủ tục trình tự để công dân thực hiện quyền và quyền đó là quyền hiến định.
Trước đây, có rất nhiều băn khoăn về điều 4 trong Hiến pháp. Vậy bản Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua có gì mới trong điều này thưa ông?
Hiến pháp sửa đổi lần này vẫn tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động của cả dân tộc. Hiến pháp khẳng định vị trí lãnh đạo Nhà nước xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng điều quan trọng hơn cử tri và đại biểu Quốc hội mong muốn là phải xác định rõ trách nhiệm của Đảng so với bản Hiến pháp trước đây.
Trước đây, trong điều 4 không nói rõ trách nhiệm của Đảng thì lần này Hiến pháp sửa đổi đã đưa vào và nhấn mạnh Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân. Đảng phải phục vụ nhân dân, phải chịu sự giám sát của nhân dân và phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Bởi vì Đảng lãnh đạo nhà nước xã hội thì phải chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo đó nhưng sự lãnh đạo đó bằng cụ thể là những quyết định của mình. Nếu như quyết định không đúng, quyết định ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân thì Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân và trước dân tộc. Đó là những điểm rất mới.
Với tư cách thành viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, ông còn băn khoăn, tiếc nuối điều gì khi chưa đưa vào trong dự thảo lần này, chẳng hạn như quy định Hội đồng Hiến pháp đã đưa vào dự thảo nhưng sau đó lại đưa ra?
Chúng ta đang triển khai chủ trương, chính sách rất lớn - đó là kiểm soát quyền lực. Ở điều 2 trong Hiến pháp lần này nói quyền lực Nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp để bảo đảm quyền lực của nhân dân được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, hiệu quả.
Trong Hiến pháp lần này theo đề nghị của đại biểu Quốc hội và cử tri cần phải ghi rõ vào chương hiệu lực Hiến pháp một điều khoản nói về trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao các cơ quan khác nhà nước và trách nhiệm toàn dân trong việc bảo vệ Hiến pháp bảo đảm tính nghiêm minh, tôn trọng Hiến pháp theo tư tưởng nhà nước pháp quyền. Đấy là điều thể hiện tinh thần kiểm soát quyền lực.
Như tôi đã nói nguyên tắc từ đầu, nếu vấn đề gì chưa có sự đồng thuận cao, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm mặc dù biết đó là một phương tiện cần thiết thì vẫn phải tiếp tục nghiên cứu.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong (ghi)