Quỹ Trăng xanh gieo mầm xanh trên những đồi trọc
(Dân trí) - Từ năm 2021 đến nay, quỹ Trăng xanh thuộc Tập đoàn Bách Việt cùng Đoàn Thanh niên tỉnh Bắc Giang đã gieo xuống những vùng đất trống, đồi trọc ở các huyện Việt Yên, Lục Ngạn, Yên Dũng, Sơn Động hàng nghìn cây xanh.
Những năm trở lại đây, các tác động của biến đổi khí hậu trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ, nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, trở thành một trong những thách thức lớn đối với nhân loại. Với đường bờ biển dài, Việt Nam nằm trong số những quốc gia được đánh giá là chịu tác động nặng nề của mối đe dọa này.
Mầm xanh hy vọng
Xuất phát từ tình yêu thiên nhiên, mong muốn những vùng đất trống đồi trọc sẽ được tái sinh bởi màu xanh của rừng trong tương lai, nhiều bạn trẻ tại Bắc Giang đã tình nguyện góp công sức cùng các tình nguyện viên của quỹ Trăng xanh tổ chức các chiến dịch trồng cây, phủ xanh, lấp đồi trọc.
Dự án trồng rừng như một lá chắn, giảm thiểu sự biến đổi khí hậu đồng thời giúp thanh niên nông thôn lập nghiệp, có thêm nguồn thu nhập từ việc trồng cây.
Dự án mang tính nhân văn, hướng tới sự phát triển cộng đồng bền vững, gắn hiệu quả trồng rừng với lợi ích người dân, để người dân được tham gia tích cực vào quá trình chăm sóc và bảo vệ rừng. Từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi tập thể, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường sinh thái và môi trường sống xung quanh.
Phút nghỉ tay bên hố trồng cây, chị Dương Thị Bền - Bí thư Đoàn xã Phú Nhuận, huyện Lục Ngạn chia sẻ: "Công việc này không thể làm riêng lẻ mà cần có sự chung tay. Chúng tôi kết hợp với tình nguyện viên của quỹ Trăng xanh chia làm các đội, mỗi đội 10 -15 người trồng tại các điểm đồi trọc. Dụng cụ trồng rừng khá đơn giản, mỗi người cầm theo chiếc cuốc nhỏ rồi việc ai nấy làm, phối hợp nhịp nhàng, nhìn trước ngó sau để không bị sót cây và giữ được khoảng cách đồng đều giữa các cây với nhau".
Tính từ năm 2021, đại diện quỹ Trăng xanh cho biết đã đồng hành cùng tuổi trẻ và người dân Bắc Giang gieo xuống những mảnh đất trống, đồi trọc tại các huyện Việt Yên, Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Dũng hơn 60.000 cây thông, cây keo và cây bạch đàn nhằm phủ xanh đất trống đồi trọc, hỗ trợ thanh niên lập nghiệp.
"Việc quỹ Trăng xanh kết hợp với Tỉnh đoàn Bắc Giang trong các hoạt động trồng cây cũng thể hiện sự cam kết với cộng đồng, vì sự phát triển bền vững của môi trường. Đồng thời, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức trong việc giữ gìn môi trường, trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh từ mỗi cá nhân, cộng đồng và xã hội", đại diện quỹ Trăng xanh chia sẻ.
Trồng rừng gắn với bảo vệ môi trường và hỗ trợ thanh niên lập nghiệp
Đại diện quỹ Trăng xanh chia sẻ, các chương trình Tết trồng cây, Rừng cây thanh niên lập nghiệp… có ý nghĩa rất lớn, góp phần đạt các mục tiêu kép trong phát triển bền vững.
Các chương trình nhằm nâng cao tác dụng phòng hộ khu vực đầu nguồn, giảm sự tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, giảm xói mòn rửa trôi đất trong canh tác nông lâm nghiệp, tạo thêm cảnh quan môi trường và phòng hộ sản xuất nông nghiệp, hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân theo hướng phát triển bền vững.
"Việc thực hiện chương trình sẽ góp phần thay đổi tư duy, nhận thức, từ đó tạo thói quen, ý thức tự giác trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh từ mỗi người dân, hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp", đại diện quỹ Trăng xanh nói.
Anh Hoàng Văn Phong, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang được nhận tài trợ 5.000 cây giống từ quỹ Trăng xanh chia sẻ: "Tôi bắt đầu nhận hỗ trợ cây xanh từ tháng 3/2021. Số lượng 5.000 cây trồng trên diện tích 3ha. Vườn cây là kế sinh nhai của gia đình tôi lúc này. Cây hiện tại đang phát triển tốt, dự kiến có thể khai thác trong 2 năm nữa".
Đại diện quỹ Trăng xanh cho biết, gia đình anh Phong thuộc hộ nghèo. Anh là trụ cột trong gia đình 5 người. Việc hỗ trợ cây giống cho anh Phong lập nghiệp cũng như các trường hợp tương tự cũng là một việc làm tử tế của quỹ Trăng xanh trong việc đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế. Điều này cũng góp phần nâng cao ý thức của thanh thiếu niên trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế rừng bền vững.