Quy hoạch Hà Nội “ứng xử” thế nào đến yếu tố văn hóa?
(Dân trí) - Chúng ta nên ứng xử như thế nào với sông Tô Lịch, nơi lưu lại dấu tích Hà Nội xưa? Quy hoạch phát triển Hà Nội sẽ như thế nào nếu chưa có quy hoạch bảo tồn?... nhà sử học Dương Trung Quốc lo lắng khi góp ý về quy hoạch Hà Nội.
Nên có quy hoạch bảo tồn trước khi có quy hoạch phát triển Hà Nội
Chưa thấy nhắc đến việc khôi phục lại sông Tô Lịch
Giao thông đường thuỷ từng là lợi thế rất mạnh của Hà Nội. Nếu đọc lại các tư liệu lịch sử thì thấy, Hà Nội chủ yếu đi bằng đường sông, còn đường bộ sử dụng bằng phương tiện vận tải 4 bánh thực ra chỉ có từ thời Pháp.
Dự thảo muốn phục hồi và phát huy lại năng lực vận tải đường sông trong nội đô cũng như từ Hà Nội đến các địa phương khác. Đó là mặt tốt và đó như là một cách để bảo tồn và phát huy những cái đã có.
Nhưng chúng tôi cũng đưa ra một câu hỏi: Chúng ta nên ứng xử như thế nào với sông Tô Lịch hiện nay. Có thể nói một trong những dáng vẻ cổ xưa nhất của Hà Nội là dòng sông Tô Lịch, bên cạnh con sông Hồng hùng vĩ, như một chiến tuyến để bảo vệ cho Hà Nội từ hướng bắc.
Sông Tô Lịch tạo ra một dáng vẻ rất đẹp trong lòng Hà Nội. quy hoạch của Hà Nội xưa cũng phụ thuộc vào con sông này. Khi người Pháp đô thị hoá làm mất đi một phần con sông này. Sau này họ cũng thấy một sai lầm là đã phá thành Hà Nội và lấp mất một phần sông Tô Lịch.
Tuy rằng đến nay việc khôi phục lại một phần con sông là bất khả thi, nhưng trong tầm nhìn xa, nhất là khi chúng ta có điều kiện, thì cần tìm một hình thức nào đó để phục hồi lại nguyên vẹn dòng sông Tô Lịch. Cải tạo lại con sông vừa chỉnh trang lại đô thị, vừa tôn vinh, lưu dấu lại được các dấu tích.
Hàn Quốc đã có bài học đối với thành phố Seoul khi họ lấp đi một dòng sông cổ giữa lòng thành phố để phát triển đô thị. Và sau đó nửa thế kỷ, khi có điều kiện, họ lại phục hồi lại con sông đó, nó là điểm nhấn của đô thị Seoul hiện đại.
Tuy nhiên, trong quy hoạch Hà Nội mở rộng hầu như không nhắc gì đến con sông Tô Lịch.
Nên có quy hoạch bảo tồn trước
Thành cổ Hà Nội đã bị phá một cách cơ bản, chủ yếu do nhu cầu phát triển đô thị của người Pháp ở cuối thế kỷ thứ 19 và sau này, nhưng còn để lại hai dấu tích quan trọng nhất là thành cửa Bắc và kỳ đài (cột cờ).
Một phần thành trước vẫn còn và nằm trên địa bàn của Hà Nội, hiện nay đang nóng bỏng ý kiến của dư luận xã hội trong việc quy hoạch về giao thông, kéo dài đường Văn Cao, chúng ta đã phá thành đó.
Bởi vậy, dự án quy hoạch thủ đô nên đưa ra những gợi ý, trước mắt là bảo tồn, sau này là phát huy. Hay nói cách khác là giảm thiểu tối đa việc xâm phạm vào những di sản.
Một vấn đề hết sức quan trọng mà giới sử học từ lâu đã nêu ra là, chúng ta cần có một quy hoạch bảo tồn, quy hoạch khảo cổ học trước khi có quy hoạch phát triển Hà Nội.
Điển hình là chúng ta lúng túng trong việc xây nhà Quốc hội do chưa có quy hoạch khảo cổ học. Ở Hà Nội đào đâu cũng thấy công trình khảo cổ. Đó là mối đe doạ cho các nhà xây dựng, e ngại rằng các di sản sẽ kìm chân các nhà xây dựng.
Vì thế, nếu có một quy hoạch bảo tồn trên cơ sở thăm dò và khảo sát về khảo cổ học cũng như các di tích cổ, chúng ta có thể đưa ra được những phương án tối ưu, để bảo đảm vẫn phát triển tối đa, nhưng đồng thời cũng bảo tồn được tối đa các di sản.
Cần chú ý đến văn hóa đô thị
Chúng ta đã làm nhiều quy hoạch, nếu nhìn lại mà nói, không phải không có tác dụng, nhưng rõ ràng, chưa bao giờ nó được thực hiện một cách hoàn thiện.
Không phải là các bản quy hoạch đó yếu kém, mà chủ yếu do việc thực thi quy hoạch không tốt. Mặt khác, có những dự báo chúng ta không lường trước được. Ví dụ như giao thông, các nhà quy hoạch không lường trước nó lại phát triển mạnh mẽ đến thế, sự bùng nổ của giao thông cá nhân đã làm các nhà quản lý lúng túng.
Quy hoạch hạ tầng phải đi đôi với quy hoạch thượng tầng, trong thượng tầng đó có pháp luật, giáo dục và cuối cùng là con người. Một dự án quy hoạch có tốt có hay đến bao nhiêu đi chăng nữa thì quan trọng nhất vẫn là những người thực hiện nó, đó là người dân, nhà lãnh đạo Hà Nội.
Khi con người có văn hóa cho đô thị rồi, thì chính họ là người giúp sức cho việc thực hiện quy hoạch. Nhưng trước khi con người tự giác, thì phải có hành lang pháp lý.
Mở rộng Hà Nội, thì nguy cơ bị nông thôn hóa đô thị là rất lớn. Chừng nào không có văn hóa đô thị, tức là không có cái ruột bên trong, thì không có cái vỏ nào có thể vừa được. Nếu không thay đổi quản lý, không thúc đẩy quá trình hình thành văn hóa đô thị, thì mọi quy hoạch đều ở trên giấy chứ chưa nói đến khó khăn về kinh tế, vật chất…
Lan Hương (ghi)