1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quy định về lễ tang cán bộ: “Chỉnh” rồi vẫn không xuôi

(Dân trí)- Dù gỡ bỏ quy định “cấm rắc vàng mã”, “cấm để ô cửa kính trên nắp quan tài” nhưng văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 105 về việc tổ chức lễ tang cán bộ của Bộ VH-TT&DL ban hành mới đây vẫn vướng vì “đá” quy định có giá trị pháp lý cao hơn.

Hôm nay, ngày 28/2/2013, Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp có văn bản thông báo kết quả kiểm tra Công văn số 242 (ngày 22/1/20913) của Bộ VH-TT&DL làm rõ một số nội dung tại Nghị định 105 về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.

Công văn 242 đã đưa ra các quy phạm quy định về vòng hoa luân chuyển; hướng dẫn cụ thể về việc rắc vàng mã và các loại tiền Việt, ngoại tệ… Cục kiểm tra văn bản nêu quan điểm, về hình thức, theo quy định, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng phải được thể hiện bằng hình thức Thông tư. Những văn bản không được ban hành bằng hình thức Thông tư phải được hủy bỏ.

Dựa vào căn cứ này, Cục Kiểm tra văn bản cho rằng, Công văn 242 phải được hủy bỏ.
Quy định “cấm để ô cửa kính trên nắp quan tài” đã được gỡ bỏ
Quy định “cấm để ô cửa kính trên nắp quan tài” đã được gỡ bỏ

Về nội dung, đối chiếu với Nghị định 105, cơ quan kiểm tra cho rằng, Công văn 242 có một số điểm không phù hợp. Cụ thể, Nghị định 105 quy định rõ về số lượng vòng hoa luân chuyển; các đoàn đến viếng không được mang vòng hoa; không rắc vàng mã trong quá trình đưa tang từ nhà tang lễ hoặc gia đình tới nơi an táng…

Trong khi đó, nội dung của Công văn số 242 lại thể hiện quan điểm “mềm” hơn như: các đối tượng khác như cá nhân, thân nhân của người từ trần có thể dùng vòng hoa hoặc lẵng hoa, bó hoa viếng tại các lễ tang cán bộ; chỉ “hạn chế việc rắc vàng mã” và “khuyến khích không rắc vàng mã”.

“Nếu đối chiếu ở khía cạnh, Nghị định 105 là căn cứ pháp lý để Công văn số 242 làm rõ một số nội dung, chúng tôi thấy công văn này có nội dung khác với quy định của Chính phủ tại Nghị định 105. Tuy nhiên, khi đối chiếu với Thông báo Kết luận số 19 của Bộ Chính trị, chúng tôi lại thấy nội dung Công văn 242 đã tiếp cận gần hơn, phù hợp hơn với các định hướng của Kết luận 19” – Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản Lê Hồng Sơn cho biết.

Cụ thể, tại Kết luận 19, sau khi đồng ý với nhiều điểm của Đề án quy định tổ chức lễ tang cán bộ, Bộ Chính trị đã khẳng định, đối với các yêu cầu về đảm bảo vệ sinh môi trường, không để thi hài quá 48 giờ, không lắp ô kính trên nắp áo quan, không rắc vàng mã trên đường tới nơi an táng… “cần quy định thực hiện từng bước, với từng đối tượng, có tính tập quán của từng địa phương”.

Nội dung của Nghị định 105 theo đó không thể hiện định hướng thực hiện từng bước, từng đối tượng, từng địa phương của Bộ Chính trị. Ngược lại, Cục trưởng Lê Hồng Sơn cho rằng, Nghị định này đã quy định một cách cứng nhắc, có tính khẳng định kiểu “cấm” lắp ô kính trên nắp quan tài, không rắc, đốt vàng mã, ban tổ chức tang lễ chuẩn bị 6 vòng hoa, 30 vòng hoa luân chuyển…

Ông Sơn cũng “phê” một số nội dung của Nghị định thể hiện sự vụng về về mặt kỹ thuật khi xác lập quy phạm pháp luật theo thẩm quyền của Chính phủ, dễ gây sự hiểu nhầm là Chính phủ trực tiếp giao thẩm quyền, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân cấp cao của Đảng và Nhà nước như “giao trách nhiệm cho Ban Chấp hành TƯ, Quốc hội, Chủ tịch nước… thông báo về lễ quốc tang”, quy định “Trưởng ban lễ tang nhà nước là Tổng Bí thư”…

Chỉ ra tất cả những điểm còn bất hợp lý đó, Cục Trưởng Cục kiểm tra văn bản đề nghị Bộ VH-TT&DL tự kiểm tra, hủy bỏ Công văn 242 và nghiên cứu điều chỉnh các quy định của Chính phủ cho phù hợp với chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị tại Kết luận 19 để đảm bảo tính hợp pháp, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các quy chuẩn của Đảng, Nhà nước về việc tổ chức lễ tang cán bộ.

P.Thảo