1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quy định về giá trông giữ xe chỉ để làm cảnh

(Dân trí) - Phí giữ xe tại TPHCM từ trước Tết đến nay đã tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với quy định. Không chỉ khổ vì phí dịch vụ tăng, nhiều người còn lâm vào cảnh “khóc mếu” vì loay hoay mãi mới tìm được chỗ giữ xe khi vào khu trung tâm quận 1.

Giữ xe theo giờ

 

Trong khi lưu lượng người ra vào trung tâm quận 1 lớn, mà khu vực này lại thiếu bãi giữ xe trầm trọng, nhiều người rất “phiền toái” khi muốn có chỗ “cất” xe thuận tiện.

 

Gửi xe máy ở chung cư Ngô Đức Kế, lề đường Nguyễn Siêu, Tôn Thất Thiệp, nhà sách Nguyễn Huệ hay hầm giữ xe trên đường Lê Thánh Tông (đoạn sát trụ sở UBND TPHCM) ai cũng có thể nhận được câu tra vấn không dễ chịu tí nào từ phía những nhân viên giữ xe ở đây như: “Anh, chị đi đâu?”, “Đi lâu không?”.

 

Thực tế thì những người nào không biết cách trả lời, có thể bị từ chối giữ xe ngay tức khắc hay nếu có nhận thì cũng bị vặn vẹo đủ kiểu. Gửi xe máy ở Bưu điện Trung tâm thành phố, chung cư Ngô Đức Kế hay nhà sách Nguyễn Huệ, nếu khách hàng nói đi đâu đó ngoài các địa chỉ này, chắc chắn nhân viên giữ xe sẽ không nhận.

 

Giá giữ xe phổ biến tại khu vực trung tâm quận 1 là 1.500 đồng/lượt đối với xe đạp và 3.000 đồng/lượt đối với xe máy. Mức giá này cao hơn gấp rưỡi so với mức quy của UBND TPHCM. Tuy nhiên, còn rất nhiều điểm “nóng” giá giữ xe được “đôn” lên rất cao, khoảng 4.000 đồng - 5.000 đồng/lượt đối với xe máy.

 

Điều đáng nói ở đây là nhiều điểm gửi xe đã tự “làm giá” khiến phí giữ xe máy được tính theo giờ gửi. Tại các bãi giữ xe vỉa hè trên đường Tôn Thất Thiệp hay góc đường Nguyễn Siêu - Hai Bà Trưng, nếu gửi trong vòng 20 - 30 phút, phí gửi xe được tính là 4.000 đồng/lượt. Nhưng nếu khách hàng đi quá thời gian trên, mức phí sẽ bị “chặt đẹp” là 5.000 đồng/lượt. Địa điểm này không giữ xe nào quá một buổi.

 

Không chỉ ở khu vực trung tâm thành phố, tại Chợ Lớn (quận 6), chợ Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận) phí giữ xe máy cũng ở ngưỡng 3.000 đồng/lượt (chưa kể phí giữ mũ bảo hiểm).

 

Phí giữ xe đạp, xe máy tăng mạnh, tài xế của những ô tô con cũng không né được tình trạng “đội giá” tại các bãi đậu xe. Được biết, tiền phí tại các bãi đậu xe trên đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi (quận 1) cũng tăng gấp đôi so với quy định, từ mức 5.000 đồng lên 10.000 đồng.

 

Quy định về giá trông giữ xe chỉ để làm cảnh - 1

Nhiều nơi, phí trông xe máy đã lên mức 3.000 đến 5.000 đồng/lượt (ảnh: Nguyên Tuấn)

 

Và những rắc rối

 

“Căng thẳng” nhất hiện nay là các điểm giữ xe quanh khu vực chợ Bến Thành. Ngoài những nỗi khổ vì phí gửi xe đắt đỏ, nhiều người còn gặp những phiền toái do thái độ phục vụ của các nhân viên giữ xe ở đây. Bạn Xuân Nam, sinh viên trường ĐH Hoa Sen, bức xúc kể: “Tôi suýt bị nhân viên giữ xe gần cổng chợ hành hung”. Lý do là khi thắc mắc tiền gửi xe quá cao, với mức giá 5.000 đồng (gồm cả tiền giữ mũ bảo hiểm), Nam đã bị hai nhân viên giữ xe mắng xa xả và “tiễn” bằng câu “lần sau đừng dẫn xác tới đây”.

 

Vào những ngày cuối tuần, muốn xem ca nhạc tại Nhà Văn hoá Thanh Niên, các bạn trẻ phải đi trước 18h tối đế chiếm chỗ gửi xe ngay tại địa điểm này do các bãi giữ xe nhanh chóng chật kín do lượng khách quá đông. Nếu chậm chân, nhiều người phải chạy xuống đường Nguyễn Du cách cả cây số mới có chỗ gửi.

 

Bưu điện Trung tâm thành phố không có nhà giữ xe, khách phải gửi tạm xe trên vỉa hè trước cổng vào bưu điện. Tuy nhiên, địa chỉ này chỉ giữ xe từ 5h sáng đến 5h chiều. Nếu quá giờ này mà không lấy thì nhân viên giữ xe sẽ “cất tạm” những chiếc xe máy vào trong nhà kho bưu điện chờ sáng hôm sau trả. Chị Thủy, nhân viên văn phòng, từng chịu phen hốt hoảng khi ra khỏi bưu điện thì bãi giữ xe không thấy người và xe đâu cả. Hỏi ra mới biết xe đã bị “giam” do chị ra trễ giờ quy định. Thế là chị phải đi taxi về nhà.

 

Trong khi đó, cánh tài xế rất “ngán” đi vào khu vực quận 1. Theo họ, chính quyền thành phố quy định cấm đậu ô tô trên nhiều các ngả đường khiến việc đậu xe trả khách gặp rất nhiều trở ngại. Anh Đức Hoà, tài xế cho giám đốc một doanh nghiệp kể, nhiều lúc chở sếp về nhà trên đường Hai Bà Trưng, nhưng lại không dám dừng trước cửa nhà do đó là phần đường cấm xe con đậu.

 

Nhiều lái xe lâm vào cảnh khó xử vì khi trả khách, nếu phải mở máy liên tục thì hao phí mà nếu tắt máy thì có thể bị cảnh sát giao thông phạt bất cứ lúc nào, anh Hoà cho biết thêm.

 

Được biết, từ hơn một năm nay, UBND TPHCM đã phê duyệt kế hooạch xây dựng 8 hầm ngầm đậu xe tại một số công viên và tuyến đường nằm ở trung tâm thành phố như Công viên Lê Văn Tám, Công viên 23/9, đường Lê Thánh Tông, Nguyễn Du…Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một công trình nào khởi công do chủ đầu tư đang tìm nguồn tài trợ và thống nhất phương án xây dựng. Chưa có bãi đậu xe mới, người dân sẽ còn “loay hoay” tìm chỗ gửi xe khi vào trung tâm thành phố và theo đó, phí giữ xe tiếp tục giữ mức cao. 

 

Thành phố Đà Nẵng sau Tết, tại các chợ lớn như chợ Cồn, chợ Hàn, các bãi giữ xe tư nhân dọc siêu thị Big C... bảng niêm yết giá vé mới toanh ghi rõ giá một lượt xe đạp 500 đồng, một lượt xe máy 1.000 đồng nhưng bảng giá chẳng khác nào chỉ để làm cảnh khi các chủ bãi không ngại hô giá từ 2.000-3.000/ lượt giữ xe máy.

 

Nhiều người lặng thinh móc ví trả tiền cho qua khỏi phải kỳ kèo với người trông xe “mồm năm miệng mười” nhưng cũng không ít người bất bình lên tiếng: “Lấy 3000 đồng thì để bảng giá 1.000 đồng làm gì”. Cánh giữ xe đáp ngay: “Ừ thì thế mà không phải thế. Xuân mà chị”.

 

Nón bảo hiểm móc hờ trên ghi đông xe cũng chả thấy nhà xe ghi số hay dặn trước, cứ mỗi chiếc khách phải trả thêm 1.000-2.000 đồng tuỳ nơi.

 

Còn tại Nghệ An, những ngày bình thường, trước Tết Mậu Tý giá vé giữ xe tại Quảng Trường Hồ Chí Minh, TP Vinh chỉ 1.000 đồng/xe máy, 500 đồng/xe đạp. Thế nhưng sau Tết giá vé tại đây tăng đột biến khiến nhiều khách tham quan kêu trời: 3.000đồng/xe máy, 2.000đồng/xe đạp.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Xuân Ngũ - Phó trưởng ban quản lý Quảng trường cho biết: "Chúng tôi đã niêm yết giá 1.000 đồng/xe máy, 500 đồng/xe đạp. Một số người hợp đồng thuê trông giữ xe tại đây tự ý tăng giá chúng tôi chưa nắm rõ. Nhưng nếu có việc tăng giá thì chúng tôi sẽ đình chỉ không cho thuê nữa... Riêng giá vé vào Quảng trường chúng tôi làm sẵn vé, có ghi số tiền trong vé và có dấu đỏ hẳn hoi”.

 

Theo lời ông Ngũ giới thiệu, chúng tôi có mặt tại bãi gửi xe số 1. Giá vé xe máy chúng tôi được người trông giữ "hô" là 3.000 đồng. Khi chúng tôi hỏi tại sao giá trông xe lại tăng quá như vậy? thì nhận được câu trả lời: Do giá cả thì trường tăng nên họ cũng tăng theo, không thì lấy gì mà ăn. Chiếc vé giữ xe chúng tôi cầm trên tay không có dấu đỏ, hay giá niêm yết nào cả. 

 

Có lẽ Hà Tĩnh là nơi hiếm hoi mà PV Dân trí  được chứng kiến cả chủ và khách đều hài lòng về giá giữ xe.

 

Như hàng chục ngàn lượt tín đồ khác, đầu năm mới gia đình anh Trần Hữu Nam, xóm Mới xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh cùng những người thân đã về cầu lễ tại chùa Hương Tích, (Can Lộc, Hà Tĩnh), địa chỉ số 1 thu hút khách thập phương hành hương lễ lộc đầu xuân, tham quan vãn cảnh.

 

Sau chuyến đi anh Nam bày tỏ hài lòng về tất cả các dịch vụ ở đây, trong đó có giá vé. Đang rất mệt mỏi sau chuyến leo hơn 5km đường núi anh Nam cho biết: Cả gia đình tôi và một số người thân đi chung một xe 15 chỗ. Trước khi đi có lo lắng về chỗ đậu xe vì năm ngoái lượng xe quá đông. Năm nay việc trông giữ xe được bố trí rất cẩn thận. Xe gửi an toàn, xong đại lễ đi dạo cảnh thoải mái hết cả ngày nhưng quay lại người trông xe vẫn vui vẻ với giá 15.000 đồng. Nói chung giá như thế là được”.

 

Với giá vé gửi xe máy là 5.000 đồng nhiều khách thập phương cũng bày tỏ sự hài lòng vì như họ lý giải là giá rửa xe máy trong dịp tết cũng đã lên đến 10.000 đồng rồi.

 

Tại một số điểm văn hóa có tiếng khác như: Đền Củi, (huyện Nghi Xuân), đền Đức thánh Lê Khôi (huyện Thạch Hà), đền Bà Hải (huyện Kỳ Anh)... phí trông giữ xe máy từ 7-10 ngàn đồng/chiếc, phí ôtô từ 15-20ngàn/chiếc. 

 

Nguyên Tuấn - Nguyễn Duy - Văn Dũng - Khánh Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm