Quốc hội trình 6 luật mới

(Dân trí) - Hôm qua 1/11, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về 6 dự án luật: Luật khiếu nại, tố cáo, Luật Công nghệ thông tin, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Bất động sản…

Sửa đổi Luật khiếu nại, tố cáo để phù hợp yêu cầu WTO

 

Về cơ bản, Luật khiếu nại, tố cáo đã đáp ứng một phần các yêu cầu của WTO về giải quyết khiếu kiện hành chính. Tuy nhiên, cơ chế giải quyết khiếu nại còn một số điểm chưa phù hợp, nhất là việc quy định người khiếu nại nếu lựa chọn khiếu nại lên cơ quan hành chính cấp trên thì không được khởi kiện tại Tòa án.

 

Để khắc phục các hạn chế, phù hợp hơn nữa với yêu cầu của WTO Luật khiếu nại, tố cáo cần phải sửa đổi, bổ sung những vấn đề sau đây: Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung cơ chế giải quyết khiếu nại nhằm tạo điều kiện cho người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án, nếu không đồng ý với quyết định của cơ quan hành chính; Thứ  hai, bổ sung các quy định cho phép Luật sư tư vấn, giúp đỡ người khiếu nại thực hiện quyền khiếu nại và bổ sung quyền của người khiếu nại, người bị khiếu nại; Thứ ba, bổ sung các quy định liên quan đến quyết định giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết khiếu nại. Từ những yêu cầu trên đây, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo là cần thiết.

 

Luật Công nghệ thông tin: Đòi hỏi của hội nhập!

 

Đến nay, trên 50% các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ và 80% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có trang tin điện tử (website), cung cấp thông tin về chính sách, thủ tục hành chính, 100% các trường đại học, cao đẳng và hầu hết các trường phổ thông trung học đã được kết nối Intemet.

 

Tuy nhiên, sự phát triển công nghệ thông tin của Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội, chưa tự khẳng định được vị trí là ngành kinh tế mũi nhọn và động lực thúc đẩy nền kinh tế của ta hướng đến kinh tế tri thức. Việc đầu tư cho công nghệ thông tin còn dàn trải và kém hiệu quả. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam còn yếu. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nhất là quản lý hành chính của các cơ quan nhà nước còn chậm, chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

 

Việc ban hành Luật Công nghệ thông tin là rất cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý cơ bản điều chỉnh ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để từng bước phát triển kinh tế tri thức, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

 

Mặt khác, việc ban hành Luật Công nghệ thông tin nhằm tạo sự đồng bộ với các quy định trong các đạo luật có liên quan đồng thời tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các cam kết quốc tế với ASEAN, APEC, WTO...

 

Luật Doanh nghiệp: Mở rộng cửa với nhà đầu tư nước ngoài

 

Về dự án Luật doanh nghiệp, báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế và ngân sách QH cho thấy, dự luật đã có bước hoàn thiện rất căn bản, sửa đổi 112 điều (trong đó sửa đổi cơ bản 25 điều), bổ sung mới 10 điều, bỏ 3 điều.

 

So với pháp luật hiện hành, nội dung dự án Luật lần này đã có nhiều đổi mới: Luật sẽ điều chỉnh và áp dụng thống nhất cho các loại hình DN không phân biệt thành phần kinh tế.

 

Thời hạn kết thúc quá trình chuyển đổi Cty nhà nước thành Cty TNHH hoặc Cty cổ phần cũng được xác định cụ thể (chậm nhất 4 năm).

 

Luật sẽ cho phép một cá nhân được quyền thành lập Cty TNHH, thay vì ít nhất phải có hai người như hiện nay. Việc khống chế mức sở hữu đối với đầu tư nước ngoài trong các DN "nội" sẽ được bãi bỏ, trừ các ngành nghề hạn chế kinh doanh. Các nhà đầu tư nước ngoài được quyền tự chủ lựa chọn loại hình DN để kinh doanh, không bị bắt buộc phải sử dụng duy nhất hình thức Cty TNHH như hiện nay...

 

Luật Đầu tư: Xóa bỏ mọi phân biệt đối xử!

 

Luật Đầu tư xẽ được xây dựng theo hướng thể chế hoá đầy đủ hơn quan điểm và chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế nhiều thành phần. Phương thức quản lý và điều hành sẽ đổi mới căn bản theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch về thủ tục hành chính. Các nhà đầu tư sẽ được khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện tốt nhất về môi trường đầu tư, xoá bỏ sự phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư và đảm bảo thống nhất quản lý mọi loại hình đầu tư, mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư.

 

Luật Đầu tư chung kế thừa Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, có điều chỉnh, bổ sung và phát triển cho phù hợp với điều kiện mới. Do đó, Luật đầu tư chỉ điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, bao gồm cả đầu tư của Nhà nước vào sản xuất, cung ứng sản phẩm và dịch vụ công ích, đầu tư thông qua Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước là hợp lý. Còn việc đầu tư từ nguồn vốn nhà nước không nhằm mục đích kinh doanh thì điều chỉnh ở văn bản pháp luật khác. Trong văn bản đó sẽ quy định chi tiết, thể hiện vai trò và trách nhiệm  của nhà nước với tư cách là người sở hữu vốn đầu tư vì mục đích chung, không chỉ mang tính kinh tế mà phải tính đến cả yếu tố chính trị, an ninh, xã hội.

 

Luật Đấu thầu: Thống nhất trong chi tiêu vốn nhà nước

 

Dự án Luật Đấu thầu trình Quốc tại kỳ họp lần này đã sửa đổi hầu hết các điều, bổ sung mới 23 điều, bỏ 4 điều và điều chỉnh lại bố cục của Dự án Luật.

 

Đấu thầu nói chung, đặc biệt là đấu thầu trong lĩnh vực sử dụng nguồn vốn Nhà nước luôn là vấn đề bức xúc trong nhiều năm qua, nhưng quản lý hoạt động này mới chỉ qua các nghị định, quy chế của Chính phủ. Gần đây, một số Luật có đề cập đến hoạt động đấu thầu như: Luật Xây dựng, Luật Thương mại, Luật Dầu khí… nhưng mới dừng ở những quy định rất chung, không đồng bộ, thiếu chặt chẽ. Việc xây dựng Luật Đấu thầu để bao quát một cách tổng thể, minh bạch, tập trung và cụ thể hơn là một chủ trương đúng đắn.

 

Việc nâng cấp pháp lệnh đấu thầu thành Luật Đấu thầu dự kiến được ban hành trong năm 2005.

 

Luật Bất động sản: Tạo khung pháp lý ổn định

 

Dụ thảo Luật Kinh doanh bất động sản bao gồm 7 chương, 70 điều.

 

Luật Kinh doanh bất động sản xây dựng trên tinh thần: Chủ động phát triển vững chắc thị trường bất động sản bao gồm cả quyền sử dụng đất, có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng và kinh doanh nhà theo hướng dẫn và quản lý của nhà nước; từng bước mở thị trường bất động sản cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia đầu tư.

 

Theo đó, môi trường pháp lý đầy đủ và đồng bộ sẽ được chú trọng để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, đảm bảo công khai, minh bạch. Các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế sẽ được tạo điều kiện tham gia thị trường bất động sản.

 

Hàng hoá bất động sản, nhất là nhà ở và các cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ nhiều hơn; góp phần bình ổn thị trường theo quy luật cung cầu và thực hiện chính sách xã hội.

 

Hiệu lực quản lý nhà nước, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản, quyền và nghĩa vụ của tổ chức và cá nhân hoạt động kinh doanh bất động sản được nâng cao.

 

Luật cũng phân định rõ quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đồng thời thực hiện cải cách hành chính.

 

Đức Hoà - Hồng Hạnh