Quốc hội thảo luận về hoạt động của các cơ quan tư pháp, thanh tra

Hoài Thu

(Dân trí) - Báo cáo của các cơ quan tư pháp, thanh tra được trình trước Quốc hội. Chánh án, Viện trưởng VKSNDTC, Bộ trưởng Công an, Tư pháp và Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ giải trình những vấn đề liên quan.

Ngày 21/11, Quốc hội dành trọn một ngày để nghe và thảo luận về báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp, thanh tra.

Những báo cáo này sẽ được trình bày trước Quốc hội đầu giờ sáng cùng ngày.

Theo đó, Bộ trưởng Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023; Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2023 của Viện trưởng;

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác của Tòa án nhân dân năm 2023; Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2023; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Quốc hội thảo luận về hoạt động của các cơ quan tư pháp, thanh tra - 1

Các đại biểu Quốc hội dự kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (Ảnh: Phạm Thắng).

Các báo cáo thẩm tra về những nội dung này sẽ do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày.

Sau đó, toàn bộ thời gian còn lại của phiên làm việc buổi sáng và buổi chiều 21/11 được dành để đại biểu Quốc hội thảo luận về các báo cáo tư pháp, thanh tra.

Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Trong báo cáo về công tác tòa án, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu án kinh tế, tham nhũng, chức vụ năm 2023 tăng 583 vụ với 1.261 bị cáo, xét xử tăng 571 vụ với 831 bị cáo, so với năm 2022.

Trong đó, các tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 747 vụ với 1.800 bị cáo phạm các tội về tham nhũng, xét xử 562 vụ với 1.207 bị cáo (tăng 170 vụ với 401 bị cáo; xét xử tăng 152 vụ với 262 bị cáo).

Quốc hội thảo luận về hoạt động của các cơ quan tư pháp, thanh tra - 2

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình (Ảnh: Phạm Thắng).

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhận định tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc tịch thu tài sản do phạm tội mà có cũng được chú trọng. Số liệu cho thấy năm qua, các tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản 216 vụ với 761 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ với số tiền và tài sản trên 1.859 tỷ đồng.

"Có 163 vụ với 631 bị cáo đã khắc phục hậu quả nộp lại tài sản đã chiếm đoạt trên 490 tỷ đồng", theo thống kê của Tòa tối cao.

"Số vụ nhận hối lộ năm 2022 được phát hiện 32 vụ, năm 2023 tăng lên 143 vụ (tăng gần 347%), số người nhận hối lộ cũng tăng hơn 592%, từ 90 đối tượng lên 623 đối tượng", là thống kê được đề cập trong báo cáo về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 gửi Quốc hội. Báo cáo do Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, thay mặt Chính phủ ký.

Bộ trưởng Công an nhận định công tác phát hiện, điều tra án kinh tế, tham nhũng tiếp tục đạt được kết quả quan trọng, có dấu ấn lan tỏa, cảnh tỉnh, răn đe.

"Hành vi tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực được phát hiện, điều tra xử lý nghiêm với phương châm "xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt", theo Đại tướng Tô Lâm.

Quốc hội thảo luận về hoạt động của các cơ quan tư pháp, thanh tra - 3

Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an (Ảnh: Phạm Thắng).

Người đứng đầu ngành Công an cũng nhấn mạnh, các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo được đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý.

Ông dẫn chứng những vụ án điển hình như vụ Tập đoàn FLC; Tân Hoàng Minh; Vạn Thịnh Phát, Công ty Việt Á; Công ty AIC...

Báo cáo của Chính phủ nêu số liệu từ ngày 1/10/2022 đến ngày 30/9/2023, các cơ quan đã phát hiện 5.715 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 11,69%), 793 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ (nhiều hơn 51,63%).

Trong phụ lục chi tiết đi kèm, Chính phủ đưa ra so sánh trong năm 2022 và 2023, số đối tượng phạm tội về tham nhũng, chức vụ được phát hiện tăng từ 1.017 đối tượng năm 2022 lên 2.002 đối tượng năm 2023 (tăng gần 97%).

Đáng lưu ý, số vụ nhận hối lộ năm 2022 được phát hiện 32 vụ, năm 2023 tăng lên 143 vụ (tăng gần 347%); số người nhận hối lộ cũng tăng hơn 592%, từ 90 đối tượng lên 623 đối tượng.

Trong báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2023, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu có bước tiến mới, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác với hơn 37.000 lượt cán bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng (tăng 86,4% so với năm 2022).

Quốc hội thảo luận về hoạt động của các cơ quan tư pháp, thanh tra - 4

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong (Ảnh: Phạm Thắng).

Bên cạnh đó, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được thực hiện nghiêm túc.

Từ 8/2/2022 đến 30/4/2023, các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của hơn 13.000 người, xử lý 54 người do không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm (xóa tên khỏi danh sách ứng cử; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, cách chức…).

Cũng theo đánh giá của Chính phủ, năm 2023, việc quy trách nhiệm chính trị của người đứng đầu để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực quản lý được thực hiện có hiệu quả.

Theo báo cáo, có 39 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng (tăng 105,2% so với năm 2022).

Trong số này, có 11 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 28 người bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức.