Quốc hội bàn thảo việc lập Quỹ Phòng thủ dân sự

Lê Hoa

(Dân trí) - Dự án Luật Phòng thủ dân sự được Quốc hội thảo luận dự kiến xoay quanh nội dung đáng chú ý liên quan lập Quỹ Phòng thủ dân sự, biện pháp khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trong phòng thủ dân sự...

Theo chương trình nghị sự, chiều 24/5, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.

Báo cáo này đã được gửi tới các đại biểu Quốc hội từ ngày 22/5, trong đó nêu rõ quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiều vấn đề còn ý kiến khác nhau.

Về Quỹ Phòng thủ dân sự, do còn nhiều ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xây dựng 2 phương án xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội và các ĐBQH tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách.

Quốc hội bàn thảo việc lập Quỹ Phòng thủ dân sự - 1

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng, giải trình một số vấn đề liên quan đến dự án Luật Phòng thủ dân sự tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV (Ảnh: Phạm Thắng).

Phương án 1 giữ quy định về Quỹ Phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung cho phù hợp.

Lập luận cho phương án này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Quỹ thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc; được sử dụng trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước không đáp ứng kịp thời, trong khi yêu cầu tài lực khi có sự cố, thảm họa xảy ra rất lớn, cấp thiết và rất khẩn trương để góp phần hạn chế ảnh hưởng của sự cố, thảm họa.

Hiện nay có nhiều dạng sự cố, thảm họa hiện không có nguồn quỹ để sử dụng khi xảy ra. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nếu có Quỹ Phòng thủ dân sự sẽ có ngay nguồn lực để thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp làm giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra.

Phương án 1 được 27 Đoàn ĐBQH, 2 Ủy ban, 9 ý kiến tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách lựa chọn.

Phương án 2 quy định: "Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng quyết định thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa".

Phương án này cho rằng Quỹ Phòng thủ dân sự chưa làm rõ được khả năng tài chính độc lập, vì nhiệm vụ chi của Quỹ trong một số trường hợp có thể trùng với nhiệm vụ chi của Ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, hiệu quả của Quỹ này sẽ không cao vì khi xảy ra thiên tai sẽ cần kinh phí rất lớn, nên nếu để số dư ở mức nhỏ sẽ không đáp ứng được yêu cầu, nếu dư Quỹ lớn sẽ lãng phí vì không thường xuyên sử dụng, việc khắc phục thiên tai vẫn phải sử dụng ngân sách.

Ngoài ra, việc điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa phòng thủ dân sự để tạo nguồn cho Quỹ Phòng thủ dân sự là không hợp lý. Việc hình thành Quỹ này sẽ dẫn đến tồn tại nhiều loại quỹ khác nhau.

Do đó, việc thành lập Quỹ là không cần thiết và chưa phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước.

Phương án này được 17 đoàn, 1 Ủy ban và 5 ý kiến tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách chọn.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo dự án Luật và cơ quan chủ trì thẩm tra tán thành với Phương án 1, song cũng còn nhiều ý kiến khác nhau nên vẫn trình 2 phương án.

Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH tại kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý quy định về Quỹ Phòng thủ dân sự cho phù hợp.

Ngoài nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn giải trình nhiều vấn đề liên quan biện pháp khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trong phòng thủ dân sự; thẩm quyền chỉ đạo, chỉ huy trong các cấp độ phòng thủ dân sự; thẩm quyền điều động, huy động lực lượng, phương tiện; các biện pháp được áp dụng khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố...

Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện gồm 7 chương, 57 điều. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, dự thảo  lần này được bổ sung 4 điều, bỏ 15 điều và chỉnh sửa nội dung, kỹ thuật lập pháp ở 46 điều.

Đây là một trong 8 dự án luật dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Theo chương trình kỳ họp, trong sáng nay, Quốc hội sẽ nghe báo cáo, thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu, trước khi Quốc hội thảo luận hội trường.

Buổi chiều, Quốc hội nghe tờ trình và thẩm tra về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022; việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận.