Giải đáp băn khoăn của đại biểu Quốc hội về phòng thủ dân sự
(Dân trí) - Bộ Quốc phòng giải đáp thắc mắc, băn khoăn của đại biểu Quốc hội về khái nhiệm phòng thủ dân sự và khẳng định việc phân cấp độ phòng thủ dân sự theo địa giới hành chính là hợp lý.
Theo chương trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, chiều 9/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Sau đó, Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Làm rõ khái niệm phòng thủ dân sự
Bộ Quốc phòng vừa có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận ở Tổ về dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Theo đó, có ý kiến của đại biểu Quốc hội còn băn khoăn về khái niệm phòng thủ dân sự trong dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.
Bộ Quốc phòng khẳng định, khái niệm "phòng thủ dân sự" trong dự thảo Luật Phòng thủ dân sự kế thừa của Luật Quốc phòng và tiếp thu có chọn lọc pháp luật thế giới về phòng thủ dân sự, bảo đảm phù hợp với thực tiễn; đồng thời, thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Cụ thể, Luật Quốc phòng năm 2018 quy định: "Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân."
Chính vì thế, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự định nghĩa: "Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân".
Như vậy, so với Luật Quốc phòng chỉ bổ sung thêm nội dung "khắc phục hậu quả chiến tranh".
Theo cơ quan soạn thảo, nội hàm khái niệm "phòng thủ dân sự" như trên thể hiện ở ba nội dung cơ bản sau đây:
Thứ nhất, phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh;
Thứ hai, phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh;
Thứ ba, bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.
Phân cấp độ phòng thủ dân sự theo địa giới hành chính là hợp lý
Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự quy định: Cấp độ phòng thủ dân sự là hoạt động của chính quyền, lực lượng tham gia phòng thủ dân sự và người dân, các biện pháp được áp dụng và các nguồn lực cần huy động trong việc ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố do thiên nhiên hoặc con người gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường trên một khu vực nhất định và khả năng lan sang các khu vực khác.
Về phân chia cấp độ phòng thủ dân sự, dự thảo luật đã căn cứ quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 2, Điều 5 và Điều 6 của Luật này để phân chia, quy định rõ cấp độ phòng thủ dân sự thành 4 cấp như sau:
Phòng thủ dân sự cấp độ 1 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trên một khu vực nhất định trong phạm vi địa bàn cấp huyện, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, không có khả năng lan sang địa phương khác;
Phòng thủ dân sự cấp độ 2 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trên một khu vực nhất định trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh, không có khả năng lan sang địa phương khác;
Phòng thủ dân sự cấp độ 3 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trên địa bàn một hoặc một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có khả năng lan rộng;
Phòng thủ dân sự cấp độ 4 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trong tình trạng khẩn cấp.
Thảo luận tại tổ về dự án luật, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng việc phân loại cấp độ phòng thủ dân sự là vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, không nên chỉ dựa trên phạm vi địa giới hành chính.
Giải đáp băn khoăn của đại biểu, Bộ Quốc phòng khẳng định việc xác định cấp độ phòng thủ dân sự căn cứ vào thông tin về các dạng thảm họa, sự cố xảy ra trên địa bàn (phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng của thảm họa, sự cố; diễn biến, khả năng gây thiệt hại và thiệt hại của thảm họa, sự cố); đặc điểm địa lý tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa bàn chịu ảnh hưởng của thảm họa, sự cố và khả năng ứng phó với thảm họa, sự cố của chính quyền địa phương, lực lượng phòng thủ dân sự và người dân tham gia ứng phó với thảm họa, sự cố.
Người hoặc cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm đánh giá mức độ rủi ro về thảm họa, sự cố làm cơ sở để quyết định ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3 tương ứng trên địa bàn quản lý.
"Như vậy, với những tiêu chí mang tính chủ quan, khách quan nêu trên đã bảo đảm tính bao quát, đầy đủ cho việc xác định cấp độ phòng thủ dân sự của các cấp chính quyền địa phương trong việc ứng phó với các thảm họa, sự cố"- Bộ Quốc phòng cho hay.
Cơ quan này ví dụ: Thảm họa, sự cố xảy ra trên địa bàn của một xã, UBND cấp huyện phải kịp thời ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 1 và triển khai các biện pháp ứng phó tương ứng đồng thời báo cáo tình hình, diễn biến của thảm họa, sự cố lên cấp trên.
UBND cấp tỉnh nhanh chóng chỉ đạo cấp huyện ứng phó với thảm họa, sự cố và có những biện pháp hỗ trợ phù hợp. Trong quá trình ứng phó, nếu vượt quá khả năng ứng phó của cấp huyện, thảm họa, sự cố có nguy cơ gây thiệt hại và khả năng lan rộng ra địa bàn toàn huyện hoặc sang huyện khác trong phạm vi tỉnh, UBND cấp tỉnh kịp thời ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 2.
Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của cấp tỉnh, thảm họa, sự cố có nguy cơ gây thiệt hại và khả năng lan rộng ra địa bàn toàn tỉnh hoặc một số tỉnh khác thì Thủ tướng Chính phủ ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 3 đồng thời áp dụng các biện pháp thích hợp để ứng phó với thảm họa, sự cố.
Thông tin thêm việc này, cơ quan soạn thảo phân tích, việc phân cấp độ phòng thủ dân sự theo địa giới hành chính là hợp lý. Cấp độ phòng thủ dân sự là hoạt động của các cấp chính quyền, lực lượng phòng thủ dân sự và người dân trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố do thiên nhiên hoặc con người gây thiệt hại về người, tài sản môi trường. Cấp độ phòng thủ dân sự mang tính chủ quan.
Mặc dù tính chất, mức độ của thảm họa, sự cố có rất nguy hiểm bao nhiêu đi chăng nữa nhưng chỉ diễn ra trên địa bàn một xã thì không thể áp dụng các biện pháp hạn chế trong cả tỉnh hoặc cả nước được.
Hơn nữa, việc phân cấp độ phòng thủ dân sự theo địa giới hành chính để các cấp chính quyền chủ động trong việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục với thảm họa, sự cố.