Thượng tướng Nguyễn Tân Cương lý giải việc nên có Quỹ phòng thủ dân sự
(Dân trí) - Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị nên có một Quỹ phòng thủ dân sự thành lập ngay từ lúc đầu để có nguồn lực.
Chiều 14/2, sau khi nghe các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã có giải trình, làm rõ một số vấn đề.
Trong đó, về việc thành lập Quỹ phòng thủ dân sự trước hay sau khi xảy ra thảm họa, sự cố, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương bày tỏ nghiêng về phương án 1 (có Quỹ phòng thủ dân sự như Chính phủ trình).
Ông cho rằng việc thành lập Quỹ phòng thủ dân sự là cần thiết, phù hợp với Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự.
Hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực; khi đã xảy ra sự cố, thảm họa thì hậu quả rất lớn. Do đó, nếu có sẵn một nguồn lực trong tay thì khi sự cố, thảm họa xảy ra, chúng ta có ngay nguồn lực đó để sử dụng, từ đó sẽ giải quyết được những vấn đề cấp thiết. Trong quá trình xử lý thảm họa sự cố vẫn tiếp tục huy động tiếp các nguồn lực từ bên ngoài.
Dẫn chứng về thảm họa động đất vừa xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương cho rằng, một thảm họa lớn như vậy nếu không có nguồn được ngay lúc đầu thì rất khó để có thể giải quyết và đáp ứng được ngay. Các quốc gia, các tổ chức quốc tế viện trợ cũng phải mất một thời gian chứ không thể đáp ứng ngay được.
Do vậy, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương đề nghị nên có một Quỹ phòng thủ dân sự thành lập ngay từ lúc đầu để có nguồn lực, còn việc sử dụng như thế nào thì cần phải có quy chế minh bạch.
2 loại ý kiến khác nhau về Quỹ phòng thủ dân sự
Tại cuộc họp chiều 14/2, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về Quỹ phòng thủ dân sự đang có 2 loại ý kiến.
Thứ nhất đề nghị có Quỹ phòng thủ dân sự như Chính phủ trình để chủ động trong nguồn lực ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh…
Ngược lại, loại ý kiến thứ hai đề nghị bỏ quy định về Quỹ phòng thủ dân sự bởi nhiệm vụ chi của quỹ này có thể trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách; hiệu quả không cao vì khi xảy ra thiên tai sẽ cần kinh phí rất lớn. Vì thế nếu để số dư ở mức nhỏ sẽ không đáp ứng được yêu cầu, nếu dư quỹ lớn sẽ lãng phí vì không thường xuyên sử dụng.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị không quy định Quỹ phòng thủ dân sự, mà thiết kế phương án linh hoạt hơn về việc hình thành quỹ trong trường hợp thật sự cần thiết.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh xây dựng 2 phương án xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Phương án 1 giữ quy định về Quỹ phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình; phương án 2 sửa điểm b khoản 2 điều 43, quy định trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng quyết định thành lập quỹ theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố.
Ông Lê Tấn Tới cho rằng việc chỉnh sửa này xuất phát từ kinh nghiệm của việc thành lập Quỹ vaccine thời gian qua, thể hiện sự linh hoạt trong huy động kịp thời nguồn lực cho các tình huống đặc biệt cấp bách.
Góp ý về việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh thống nhất cần lập Quỹ phòng thủ dân sự và cho rằng nguồn vốn căn bản cho quỹ cần ưu tiên trong 10% ngân sách dự phòng của các địa phương.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng đồng tình với việc duy trì Quỹ phòng thủ dân sự và đề nghị giữ hai phương án trong dự thảo luật để tiếp tục thảo luận, cho ý kiến, trong đó mỗi phương án cần có giải trình cụ thể.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đồng tình với phương án 2 của dự án luật, tức là khi cần thì Chính phủ thành lập quỹ.
Ông Định đề nghị rà soát kỹ các luật khác, thận trọng để đảm bảo tính đồng bộ. Đồng thời đề nghị Thường vụ Quốc hội cân nhắc những nội dung còn ý kiến khác nhau giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo thì có thể xin ý kiến Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, sau đó hoàn chỉnh. Trước khi trình Quốc hội thì lấy ý kiến của Chính phủ và đề nghị Bộ Tư pháp giúp Chính phủ có văn bản trả lời cụ thể.