“Quên” mất lao động người khuyết tật là lãng phí lớn

(Dân trí) - Theo tiến sĩ Gyorgy Sziraczki, Trưởng đại diện Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam thì lực lượng lao động là người khuyết tật (NKT) có thể đóng góp 3% GDP cho đất nước. Nhưng ở Việt Nam lại “quên mất” lực lượng lao động này.

NKT có thể đóng góp 3% GDP

Ngày 14/12, tại chương trình Cà phê Sáng với chủ đề “Thúc đẩy NKT hòa nhập - phát triển doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ILO và Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) tổ chức, tiến sĩ Gyorgy Sziraczki nhận định: “ILO ước tính Việt Nam mất 3% GDP vì người khuyết tật phải đứng ngoài thị trường lao động. Đó là một sự lãng phí tiềm năng rất lớn”.

Theo các chuyên gia,
cộng đồng NKT là lực lượng lao động rất lớn (Ảnh: Thương Thương)
Theo các chuyên gia, cộng đồng NKT là lực lượng lao động rất lớn (Ảnh: Thương Thương)

Theo tài liệu của ILO, ở Việt Nam có gần 7 triệu NKT nhưng rất ít người ở độ tuổi lao động có được việc làm và thu nhập ổn định. Rất nhiều người nằm ngoài thị trường lao động chính thống do phân biện đối xử, thái độ tiêu cực và giả định chưa đúng về khả năng của họ. Cũng theo ILO, tỷ lệ thất nghiệp trong cộng đồng NKT ở Việt Nam có thể lên đến 30%.

Theo ông Gyorgy Sziraczki, những NKT có thể và luôn mong muốn được trở thành một thành viên có ích cho xã hội. Tuy nhiên, đa phần họ đang phải đối mặt với những rào cản khi tiếp cận với những khóa đào tạo nghề, việc tuyển dụng cũng như khi tham gia vào những hoạt động của xã hội. Do đó, việc gỡ bỏ rào cản để tạo cơ hội cho NKT tiếp cập công việc là điều rất quan trọng.

Ông Gyorgy Sziraczki nói: “Thực ra có rất nhiều NKT giỏi. Họ có thể làm nhiều việc mà người không khuyết tật không thể làm, những việc người không khuyết tật làm được họ cũng có thể làm. Việc doanh nghiệp tuyển dụng lao động là NKT có nhiều điểm lợi vì họ gắn bó với doanh nghiệp, tạo sự đa dạng trong lao động, khai thác thế mạnh của họ để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển”.

Tạo việc làm cho NKT không tốn kém

Theo bà Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc DRD thì nguyên nhân lớn nhất khiến doanh nghiệp ngại tuyển dụng NKT là vì họ nghĩ tạo nên môi trường thuận lợi để NKT làm việc là rất tốn kém. Bà cho rằng: “Đó là quan niệm sai lầm, không hề có tốn kém ở đây, nếu có thì cũng rất ít”.

Bà nêu ví dụ: “Nếu tòa nhà trụ sở của bạn cao, bạn có thể bố trí NKT làm việc ở tầng trệt. Để NKT đi lại được bằng xe lăn, bạn chỉ cần sắp xếp vật dụng gọn gàng để lối đi rộng đủ lọt chiếc xe lăn là được… Những điều chỉnh ấy hầu như không phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp”.

Duy, một thanh niên khuyết tật nặng phải di chuyển bằng xe lăn điện cho biết: “Khi nhận em vào làm việc, công ty cũng không tốn kém sửa đổi gì vì không gian công ty khá phù hợp cho em hoạt động, chỉ cần chỉnh sửa lối lên để em có thể chạy thẳng xe vào nhà. Em làm ngành công nghệ thông tin nên hiệu quả làm việc cũng như mọi người, không bị hạn chế do dạng tật của em là vận động”.

Nếu được tạo điều
kiện và cho họ cơ hội,
Nếu được tạo điều kiện và cho họ cơ hội, NKT vẫn có thể lao động và đóng góp cho xã hội (Ảnh: Thương Thương)

Đại diện 1 công ty may mặc ở Bình Dương cho biết họ cũng chẳng tốn gì thêm khi tuyển NKT vào làm việc, chỉ cần bố trí NKT làm ở các khâu không cần đi lại, không phải sử dụng các nút điều khiển bằng chân là phù hợp, NKT có thể làm rất tốt.

Anh Lê Đức Hiền, Chủ tịch hội NKT Tương trợ vươn lên (Đồng Nai) cho biết ở tỉnh anh có những doanh nghiệp tuyển hàng ngàn lao động là NKT, có khi tuyển không ra người. Theo anh, cái khó của NKT là đi lại, nếu công ty nào có chỗ cho NKT ở lại gần công ty thì sẽ dễ dàng tuyển dụng và đem lại hiệu quả cho công ty hơn. Vì thực tế trong những ngành lao động hay biến động nhân sự như may mặc thì tuyển NKT là lợi thế vì NKT rất gắn bó với công việc.

Bà Võ Thị Hoàng Yến cho rằng: “Điều quan trọng là bạn muốn tuyển nhân sự làm những công việc gì và cho NKT cơ hội. Nếu họ không hoàn thành nhiệm vụ mà công ty yêu cầu thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể sa thải họ như bao lao động khác. Cái chính là hãy cho NKT cơ hội và tạo điều kiện để họ tiếp cận cơ hội đó!”.

Tùng Nguyên