1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quấy rối tình dục phổ biến nhưng lửng lơ xử lý

(Dân trí) - Nạn nhân của quấy rối tình dục chủ yếu là phụ nữ, thường ở vị thế thấp, dưới quyền, trong tình trạng phụ thuộc vào người quấy rối. Các hình thức thể hiện quấy rồi tình dục rất đa dạng, nhưng phổ biến nhất là bằng lời nói.

Đó là thông tin bà Lê Thị Vân Anh (Vụ Pháp luật hình sự, hành chính- Bộ Tư pháp) cho biết tại hội thảo “Định kiến giới trong hệ thống tư pháp và tiếp cận công lý của phụ nữ trong những vụ án bạo lực trên cơ sở giới” do Bộ Tư pháp chủ trì tổ chức vừa diễn ra cuối tuần này.

Bà Vân Anh dẫn một báo cáo mới đây của Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an cho thấy trung bình mỗi năm có khoảng 400 vụ án hiếp dâm, 900 vụ án xâm hại tình dục trẻ em (không phân biệt giới tính).

Tuy nhiên đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi lẽ bạo lực tình dục bao gồm rất nhiều hành vi, nhưng chỉ có những hành vi rất nghiêm trọng như hiếp dâm, cưỡng dâm hoặc được thể hiện trong dữ liệu của các cơ quan tiến hành tố tụng. Những hành vi khác như quấy rối tình dục, khiêu dâm, cưỡng ép quan hệ tình dục trong hôn nhân hầu như không được báo cáo. 

Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ Việt Nam năm 2010 cho thấy có tới 10% phụ nữ được hỏi cho biết từng bị bạo lực tình dục ít nhất một lần trong hôn nhân. “Nạn quấy rối tình dục cũng diễn ra một cách âm thầm trong nhà trường, nơi làm việc mà không được báo cáo hay xử lý xác đáng”- bà Vân Anh bày tỏ.

Theo nghiên cứu của bà Lê Thị Vân Anh, nạn nhân của quấy rối tình dục chủ yếu là phụ nữ, thường ở vị thế thấp, dưới quyền, trong tình trạng phụ thuộc vào người quấy rối. Các hình thức thể hiện của quấy rồi tình dục rất đa dạng, bao gồm những lời lẽ tán tỉnh trăng hoa, thô tục, phản văn hóa; những lời lẽ kích dục, nhắn tin bằng điện thoại, đụng chạm thể xác, đề nghị quan hệ tình dục, cưỡng ép quan hệ tình dục. Tuy nhiên hình thức phổ biến nhất là bằng lời nói.
 
 Quấy rối tình dục phổ biến nhất là bằng lợi nói.
 Quấy rối tình dục phổ biến nhất là bằng lợi nói.

Mặc dù tới nay chưa có một luật nào quy định cụ thể về vấn đề quấy rối tình dục, nhưng tại một số văn bản đã thể hiện tinh thần nghiêm cấm hành vi này. Bộ luật Lao động năm 2012 đã nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc. Ngoài ra, tại một số nghị định như Nghị định 95/2013 và Nghị định 167/2013 của Chính phủ đã quy định về việc xử phạt tiền đối với hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng và trong phạm vi gia đình, bao gồm các trường hợp có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm con người…

Trong nghiên cứu “Thực hiện nghĩa vụ quốc tế nhằm xử lý hiệu quả bạo hành phụ nữ trong khi rà soát Bộ luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự của Việt Nam” do tác giả Eileen Skinnider và TS. Đào Lệ Thu (ĐH Luật Hà Nội) thực hiện, khẳng định hiện nay không có quy định về bảo vệ khỏi quấy rối vào theo dõi tình dục.

Mặc dù Bộ luật Lao động cấm quấy rối tình dục nơi làm việc nhưng không có các nghị định đi kèm, nên quấy rồi tình dục chỉ là cơ sở để nhân viên đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

“Các biện pháp về hình sự hiện không đủ để giải quyết những hành vi không mong muốn mà phụ nữ đã trải qua. Hiện chỉ có một khía cạnh hẹp về quấy rối tình dục, đó là quấy rối tình dục ở nơi làm việc chứ không phải ở nơi công cộng hoặc trong các môi trường khác và chỉ bị xử phạt hành chính. Một nghiên cứu gần đây của Liên Hợp Quốc cho thấy tỷ lệ các vụ quấy rồi tình dục ở nơi công cộng rất cao, lên tới 87%”- nghiên cứu của TS. Đào Lệ Thu chỉ rõ.

TS. Đào Lệ Thu và cộng sự cho rằng việc sửa đổi Bộ luật Hình sự đang được tiến hành cần xem xét quy định một tội mới là “tội quấy rối tình dục”. Trong đó có nhiều mức quấy rối tình dục khác nhau, quy định các yếu tố cấu thành để coi đây là một tội phạm hình sự.

Để giúp cơ quan soạn thảo là Bộ Tư pháp có cái nhìn rõ hơn về tội danh mới này, TS. Đào Lệ Thu trích dẫn việc Hội đồng hiệp ước châu Âu định nghĩa: “Quấy rối tình dục là bất kỳ hành vi có tính chất tình dục không mong muốn nào bằng lời nói, không bằng lời nói hoặc bằng hành động với mục đích hoặc tác động vi phạm phẩm giá của một người, đặc biệt tạo ra môi trường đe dọa, thù địch, xuống cấp, sỉ nhục và vi phạm”.

Đề xuất bổ sung tội "tấn công tình dục"

Nghiên cứu của TS. Đào Lệ Thu và cộng sự đã chỉ ra rằng bạo hành phụ nữ phổ biến và lan rộng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Đây là một hiện tượng khá phức tạp, xuất phát từ phân biệt đối xử dựa trên giới và mối quan hệ không bình đẳng từ lịch sử giữa nam và nữ.

Số vụ việc bạo hành không được trình báo và không được truy tố ở Việt Nam tăng cao đã gây ra tâm lý thiếu tin tưởng và tin cậy vào các thể chế tư pháp hình sự. Nhóm nghiên cứu dẫn chứng số liệu thống kê: 50% nạn nhân nữ chưa bao giờ kể với ai về vụ bạo hành; 87% nạn nhân nữ chưa bao giờ yêu cầu chính quyền hoặc các cơ chế chính thống hỗ trợ; 43% trường hợp bạo hành gia đình được trình báo với công an; 61% trường hợp bạo hành đưojc trình báo chuyển thành hòa giải; 12% trường hợp trình báo dẫn tới một tội danh hình sự; 1% trường hợp trình báo dẫn tới kết tội (1 trong 100 trường hợp bạo lực gia đình được trình báo).

Một trong những khoản trống chính trong Luật Hình sự là không coi tấn công tình dục với một phụ nữ hoặc bé gái dưới 16 tuổi là tội phạm hình sự. Điều này dẫn tới thực tế là bất kỳ hành vi bạo hành tình dục nào với nạn nhân dưới 16 tuổi hoặc hơn mà không đáp ứng định nghĩa hẹp về dương vật xâm nhập vào âm đạo, có sử vụng vũ lực hoặc đe dọa, sẽ chỉ coi là hành vi bạo hành thể chất chứ không phải tấn công tình dục.

Trong nghiên cứu của mình, TS. Đào Lệ Thu cho rằng nếu không quy định tấn công tình dục là một tội sẽ đồng nghĩa với việc có một loạt các hành vi tình dục không mong muốn khác bao gồm cả sờ mó vào các bộ phận có tính chất tình dục không được xử lý trong hệ thống tư pháp hình sự. Việc đòi hỏi có thương tật vĩnh viễn ở bộ phận sinh dục là một tiêu chuẩn khá cao với các hành vi tình dục không mong muốn.

Nhiều quốc gia đã cải cách luật hình sự để đưa vào định nghĩa rộng về “tấn công tình dục”, theo hướng đó là một tội mà trước đây coi là tội hiếp dâm song không phụ thuộc vào bằng chứng dương vật xâm nhập. Một số nước đã định nghĩa rộng về tấn công tình dục bao gồm bất kỳ hành vi tình dục nào, hoặc cố gắng thực hiện hành vi tình dục, bình luận về tình dục hoặc đòi hỏi về tình dục mà không được đồng ý hoặc hành vi buôn bán tình dục của một người, sử dụng vũ lực, đe dọa gây hại hoặc sức mạnh của một người khác, bất kể quan hệ với nạn nhân như thế nào và trong bất kỳ tình huống nào, ở nhà trường hay công sở.

“Nên quy định một tội mới là “tội tấn công tình dục”, theo đó định nghĩa rộng là những sờ mó tình dục không mong muốn và không được đồng ý. Định nghĩa này sẽ bao hàm cả hành vi với trẻ em và người lớn, sẽ đòi hỏi mở rộng tội dâm ô với trẻ em hiện nay”- nhóm nghiên cứu đề xuất.

Thế Kha