Luật dường như đồng tình với định kiến phụ nữ sinh ra để đàn ông mua vui!
(Dân trí) - “Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định quấy rối tình dục trong những trường hợp nghiêm trọng là tội phạm, dường như đồng tình với định kiến cho rằng phụ nữ được sinh ra để cho đàn ông trêu ghẹo hoặc để mua vui, thậm chí là công cụ tình dục của đàn ông!”.
Tại hội thảo Định kiến giới trong hệ thống tư pháp và tiếp cận công lý của phụ nữ trong những vụ án bạo lực trên cơ sở giới do Bộ Tư pháp chủ trì tổ chức mới đây, TS. Đào Lệ Thu (ĐH Luật Hà Nội) cho rằng Bộ luật Lao động hiện hành chỉ đưa ra khái niệm quấy rối tình dục tại công sở nhưng không đưa ra định nghĩa và không có quy định hậu quả pháp lý bất lợi cho người có hành vi này. Điều này một mặt có thể dẫn đến khó khăn cho chính người lao động trong việc tự xác định hành vi xâm hại đối với mình có phải là quấy rối tình dục hay không, mặt khác không răn đe được người có hành vi quấy rối tình dục.
"Trong khi đó, Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định quấy rối tình dục trong những trường hợp nghiêm trọng là tội phạm. Điều này dường như đồng tình với định kiến cho rằng phụ nữ được sinh ra để cho đàn ông trêu ghẹo hoặc để mua vui cho đàn ông, thậm chí là công cụ tình dục của đàn ông"- bà Thu nhận xét.
Hơn nữa đối với các tội về xâm hại tình dục, Bộ luật Hình sự chưa thể hiện rõ vấn đề xâm hại tình dục trong quan hệ hôn nhân. Theo bà Thu, mặc dù điều 111, 113 Bộ luật Hình sự không loại trừ hành vi hiếp dâm hoặc cưỡng dâm trong quan hệ hôn nhân, nhưng với một quốc gia còn chịu ảnh hưởng từ những khuôn mẫu cổ hủ như Việt Nam thì những quy định về tội hiếp dâm và cưỡng dâm thường được hiểu là không bao gồm trường hợp hiếp dâm hoặc cưỡng dâm trong quan hệ hôn nhân.
“Theo một số báo cáo do Bộ Tư pháp và UN Women (Cơ quan phụ nữ Liên Hợp Quốc) thực hiện dựa trên khảo sát thực tiễn tại một số địa phương cũng như qua phản ánh của các kênh thông tin, truyền thông thì tình trạng xâm hại tình dục trong quan hệ hôn nhân xảy ra ngày càng nhiều, đặc biệt ở những vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên khi tìm hiểu vấn đề này, nhiều người được hỏi đều cho rằng nếu có xảy ra việc xâm hại tình dục trong quan hệ hôn nhân thì đây là vấn đề bạo lực gia đình mà không phải tội phạm hình sự”- bà Thu dẫn chứng.
Bà Thu cũng khẳng định Bộ luật Tố tụng hình sự cũng tồn tại một số quy định dường như không khả thi từ góc độ bình đẳng giới. Ví dụ như việc khởi tố theo yêu cầu của người bị hại đặt trong bối cảnh định kiến giới còn nặng nề ở Việt Nam sẽ là một cản trở đối với người phụ nữ trong việc yêu cầu khởi tố với những người thân (thường là chồng của họ). Quy định việc công khai bản án và không quy định việc buộc phải giữ bí mật danh tính của nạn nhân trong trường hợp của các tội xâm hại tình dục sẽ làm cho người bị hại ngần ngại khi có quyết định tố giác hành vi phạm tội hoặc yêu cầu khởi tố, vì họ bị áp lực rất lớn bởi quan niệm cổ hổ về sự toàn vẹn danh dự, nhân phẩm của người phụ nữ ở Việt Nam.
Trong khi đó, pháp luật Việt Nam chưa ghi nhận việc chuyển giới và tình dục đồng giới một cách chính thức, do đó gây khó khăn cho việc xác định liệu có các hành vi xâm hại tình dục đối với người chuyển giới hoặc bạo lực gia đình giữa những người đồng giới khi học mặc nhiên chung sống với nhau. “Khoảng trống pháp luật này phải chăng phản ánh sự khó chấp nhận việc thay đổi giới tính tự nhiên của con người - một biểu hiện của khuôn mẫu cổ hủ? Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự bất cập của việc thiếu vắng những quy định cần thiết và thiết thực về vấn đề này”- bà Thu phân tích.
Trong nghiên cứu của mình và cộng sự, TS. Đào Lệ Thu cho rằng để giải quyết hiệu quả vấn đề bạo lực phụ nữ, Bộ luật Hình sự nên quy định rõ các hình thức bạo hành phụ nữ khác nhau và mở rộng nhất có thể và nên coi là tội phạm nguy hiểm.
“Cần đưa vào định nghĩa với mục tiêu làm rõ ràng, rằng tội hiếp dâm áp dụng “bất kể bản chất mối quan hệ như thế nào giữa nạn nhân và kẻ phạm tội”- bà Thu kiến nghị.
Thế Kha