"Quạt cho phong trào lớn mạnh"

Những nỗ lực khó tưởng, sự chân thành yêu thương thiết tha, những lý do bình dị đến không thể bình dị hơn, tình yêu của con người với Tổ quốc... đã làm cho chương trình Giao lưu Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX trở nên xúc động, ý nghĩa, làm cho người nghe, người xem tự thấy mình cần cố gắng hơn nữa, thi đua hơn nữa...

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tặng hoa, quạt cho các điển hình tham gia giao lưu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tặng hoa, quạt cho các điển hình tham gia giao lưu.

 

Cội rễ từ lòng yêu nước

Mở đầu chương trình giao lưu, Đại hội đã xem và nghe lại về chiếc quạt thi đua yêu nước được chọn làm chủ đề của buổi giao lưu “Quạt cho phong trào lớn mạnh”. Nhà nghiên cứu lịch sử, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ ý nghĩa của chiếc quạt: Bác Hồ tặng phong trào thi đua ái quốc một chiếc quạt có biểu tượng rất hay. Nếu chúng ta xòe quạt ra nó có rất nhiều nan, mỗi cái nan ấy đại diện cho một lực lượng, một giai tầng, một đoàn thể trong xã hội. Mỗi giai tầng đó phát huy được tinh thần yêu nước thì nó sẽ lan tỏa ra và được kết nối bằng tờ giấy dán các nan quạt lại để tạo nên sự đoàn kết và hội tụ với nhau ở tay cầm - đó là lòng yêu nước. Cái quạt này nó thổi bùng được lòng yêu nước, thổi bùng được tinh thần kháng chiến của quân và dân ta đến thắng lợi cuối cùng.

Đại hội đã ôn lại dòng chảy lịch sử 67 năm yêu nước và nghe Lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiếp nối truyền thống, những năm qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã tích cực, hăng hái thi đua. Rất nhiều điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm sáng tạo đã xuất hiện. Bộ mặt xã hội đổi thay, kinh tế đất nước phát triển, đời sống của người dân được nâng cao, tất cả đều có sự góp mặt của các phong trào thi đua. Những tấm gương tiêu biểu, những điển hình tiên tiến đều được xã hội, Đảng, Nhà nước trân trọng, ghi nhận và biểu dương. Nhưng với họ, việc thi đua không phải để được nêu tên, khen thưởng mà thi đua để thực hiện những khao khát bỏng cháy của mình, đó là giúp người nghèo, người khó khăn, tiết kiệm chi phí sản xuất, tận dụng nguyên vật liệu, đưa đất nước phát triển, xã hội ổn định...

Những mong muốn mang tên “Việt Nam”

Người mở đầu chương trình giao lưu là một điển hình kỹ sư nông dân, sản xuất máy móc, xuất khẩu ra nước ngoài-ông Phan Tấn Bện, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cơ khí nông nghiệp Phan Tấn, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Nói về việc sáng tạo của mình, ông Bện đưa ra một lý do rất đơn giản, đó là xuất phát từ thực tế sau khi thu hoạch lúa có lượng rơm lớn, người dân phải đốt đi. “Tôi cảm thấy người nông dân như Công tử Bạc Liêu đốt tiền” trong khi nhiều máy do nước ngoài sản xuất còn hạn chế do vậy, tôi đã nghiên cứu và sáng chế ra chiếc máy cuốn rơm", ông Bện tâm sự. Với đặc điểm lấy rơm sát bờ, sản lượng lớn, chạy cơ động trên cả vùng sình lầy hoặc vùng khô, thích hợp với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chiếc máy cuốn rơm của ông có nhiều chức năng vượt trội so với nhiều loại máy nhập từ nước ngoài về.

Ông Phan Tấn Bện, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cơ khí nông nghiệp Phan Tấn trình bày mô hình máy cuốn rơm của mình.
Ông Phan Tấn Bện, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cơ khí nông nghiệp Phan Tấn trình bày mô hình máy cuốn rơm của mình.

 

Được hỏi về ước mong của mình, ông Bện chia sẻ: Mong muốn lớn nhất của ông là ngành cơ khí Việt Nam làm cách nào đó sản xuất được nhiều máy nông nghiệp. Trước mắt là phục vụ cho sản xuất trong nước để giảm chi phí cho người nông dân, giảm sản phẩm nước ngoài và tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài. “Mong muốn của tôi là có nhiều máy móc mang tên Việt Nam trên đồng và biến rơm thành tiền” ông nhấn mạnh một lần nữa.

Cùng góp công, góp sức cho nền nông nghiệp tham gia giao lưu có điển hình là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, ông Lê Văn Xê, chủ Trang trại Phương Uyên, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ông là người triển khai mô hình trang trại có giá trị kinh tế cao, lợi nhuận hằng năm đạt trên 10 tỷ đồng cũng như người tạo ra giống cây không hạt, đáp ứng nhu cầu trong nước và mở ra kỳ vọng xuất khẩu lớn. Ông chính là người mang giống cây chanh không hạt về nước. Hiện ông đang phát triển giống bưởi da xanh không hạt và đang trồng thử nghiệm thành công giống cam ruột đỏ nhập từ Australia.

Nói về mong muốn của mình, ông ước Việt Nam có nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, người dân được trang bị kiến thức kỹ thuật, áp dụng khoa học, tránh được rủi ro do thiếu hiểu biết. Ông mong muốn người nông dân Việt Nam nên tổ chức lại sản xuất, tránh sản xuất tự phát vì theo ông, sản xuất tự phát là “tự sát”. Cần có liên kết, có đồng hành trong sản xuất nông nghiệp. Đó là sự đồng hành của Nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. Từ đó ngày càng nhiều sản phẩm mang tên Việt Nam có năng lực cạnh tranh cao.

Lòng yêu nước, tình thương người cao cả

Cả hội trường như lặng đi, để cảm xúc dâng trào khi xem phóng sự và nghe giao lưu của điển hình thuộc lĩnh vực y tế - Bác sĩ Bùi Đình Lĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế Quân dân y huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận - người đã có gần 30 năm gắn bó với đảo Phú Quý để chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi đây. Vì người dân, ông đã phải “bỏ qua rất nhiều thứ trong cuộc đời mình, như con ra đời, con biết đi, cuộc sống hạnh phúc bên gia đình...” (chia sẻ của con gái bác sĩ Lĩnh).

Trả lời câu hỏi tại sao lại gắn bó với đảo lâu đến vậy, bác sĩ Lĩnh cho biết, đó là xuất phát từ chức trách của người bác sĩ, luôn coi người bệnh như chính người thân ruột thịt của mình. Hơn nữa, sống trên đảo nhiều, coi người dân như người thân nên không biết từ bao giờ ông đã coi Phú Quý như quê hương mình. “Mà đã là quê hương thì không còn khái niệm đi về nữa” bác sĩ Lĩnh tâm sự. Ông cũng cho biết, để có thể ở được 30 năm với Phú Quý là do ông đã có người vợ đảm đang, trung hậu, con gái yêu thương luôn động viên cha. Lá thư của con gái gửi cho ông khi mới học lớp 5: “Bố em ở xa lắm, tận miền đảo xa xôi. Bố là bác sĩ đó, cứu chữa cho bệnh nhân. Ngày đêm bố tất bật, vì bệnh nhân mong chờ. Thương bố em phải cố, học tập chăm thật chăm”… đã là nguồn động viên, cổ vũ tinh thần rất lớn để ông tiếp tục cống hiến trí tuệ, sức lực, chăm lo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo.

Điển hình thuộc lĩnh vực giáo dục, nhân đạo, bà Nguyễn Thị Thông, Nhà giáo ưu tú, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngư Lộc 2, Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa, 68 tuổi có 35 năm cống hiến cho ngành giáo dục, đã cho người xem thấy được nhiều ý nghĩa của sự nghiệp trồng người. Về nghỉ hưu, điều kiện gia đình nhiều khó khăn, nhưng với bà: Là một giáo viên được Đảng, Nhà nước đào tạo cho sự nghiệp trồng người, hoàn cảnh quê hương khó khăn, trẻ không biết đọc, biết viết còn nhiều, ngay cả người lớn cũng không biết đọc dẫn đến nhiều câu chuyện bi hài khi đi ra thành phố từ đó tôi quyết định dạy thêm cho các em học sinh nghèo.

Bà Nguyễn Thị Thông, Nhà giáo ưu tú, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngư Lộc 2, chia sẻ kinh nghiệp dạy trẻ em nghèo.
Bà Nguyễn Thị Thông, Nhà giáo ưu tú, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngư Lộc 2, chia sẻ kinh nghiệp dạy trẻ em nghèo.

 

Dạy cho học sinh nghèo đã khó, dạy cho trẻ tật nguyền còn khó hơn. Nhưng bà vẫn có thể dạy hiệu quả vì với những trường hợp như vậy, “mình phải thật sự là người bà, người mẹ thương yêu đùm bọc các cháu, tình cảm, động viên các cháu, giữ niềm tin cho các cháu”. Chính những suy nghĩ đầy nhân văn, tình người đã giúp bà dạy học hiệu quả hơn, giúp được nhiều học sinh có hoàn cảnh nghèo trên địa bàn.

Điển hình là chức sắc tôn giáo, ông Lê Đức Thịnh, Hiệp sĩ đại thánh giá, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã để lại ấn tượng trong lòng mọi người với tình yêu đất nước thiết tha. Ông là một công dân tốt của nước Việt Nam, một tín đồ tốt của Thiên Chúa giáo, một người con sống phúc âm trong lòng dân tộc, người Việt Nam đầu tiên và cũng là người châu Á đầu tiên được Đức Giáo hoàng tặng tước hiệu Hiệp sĩ đại thánh giá.

Chia sẻ về bí quyết thành công của mình, ông cho biết đó chính là tình yêu đất nước cũng như sự tự hào dân tộc đã thôi thúc ông. Một khao khát của ông là mỗi người con dân đất Việt hãy nâng đỡ nhau, đồng bào có đạo hay không có đạo, trong nước hay ngoài nước hãy xóa đi định kiến, để xây dựng Tổ quốc Việt Nam hùng cường.

Trong chương trình giao lưu còn có những điển hình tiên tiến như: Điển hình thuộc lĩnh vực thể thao, văn hóa-Nguyễn Thị Ánh Viên, vận động viên bơi lội; điển hình thuộc lĩnh vực an ninh, Đại úy Nguyễn Thành Hưng, Phó đội trưởng, Cục cảnh sát hình sự, Bộ Công an. Tất cả thành công của họ đều xuất phát từ tình yêu con người, tình yêu đất nước. Tất cả những gì họ cố gắng đều không phải mong được người khác biết đến mà là với mong muốn cải thiện đời sống người dân giúp đất nước vững mạnh và phát triển.

Những việc làm của họ thật ý nghĩa, như những chiếc quạt, sẽ góp sức cùng nhau thổi bùng lên hơn nữa phong trào thi đua yêu nước, giúp cho đất nước ngày một phát triển, đời sống người dân được nâng cao.

Theo Xuân Dũng - Việt Cường
Báo Quân đội nhân dân