1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Ngãi bắt đầu triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4

Lý Sơn là huyện đảo đầu tiên trên cả nước thực hiện cấp đổi GPLX tại chỗ cho người dân. Đây là dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đầu tiên được triển khai tại tỉnh Quảng Ngãi.


Ảnh: Nam Long; Thiết kế: Trần Tuấn

Ảnh: Nam Long; Thiết kế: Trần Tuấn

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Hoàng Việt Phương, Bí thư Đảng uỷ - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi cho biết:

"Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, Sở Giao thông Vận tải đã xây dựng kế hoạch, chương trình cải cách thủ tục hành chính, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và công dân.

Chúng tôi muốn nhắm tới 2 mục tiêu. Thứ nhất, tạo điều kiện thuận lợi hết sức cho người dân đặc biệt là các hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Với điểm cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) lưu động, người dân làm thủ tục hành chính dễ dàng, thuận tiện đi lại. Thứ hai, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với công nghệ thông tin (CNTT) trong việc giải quyết các thủ tục hành chính và tiến tới chính quyền điện tử.

Khi xây dựng đề án, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của Tổng công ty Bưu chính Viettel trong việc thiết kế hệ thống phần mềm, cơ sở hạ tầng công nghệ cho tổ chức cấp đổi GPLX lưu động.

Để thực hiện, chúng tôi giao nhiệm vụ cho đoàn thanh niên Sở Giao thông Vận tải Quảng Ngãi, phối hợp với Bưu chính Viettel tổ chức các điểm tiếp nhận tại địa phương cùng các đơn vị liên quan".

Điều gì sẽ xảy ra nếu Sở Giao thông Vận tải vẫn thực hiện cấp đổi GPLX theo cách cũ?

Theo kế hoạch, tổng số lượng GPLX cần cấp đổi tại Quảng Ngãi đến năm 2020 là 300.000 chiếc, tức là mỗi năm khoảng 60.000. Nếu không thành lập các điểm cấp đổi lưu động như thế này, công việc cấp đổi cho người dân sẽ bị quá tải ở Sở Giao thông Vận tải và chúng tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là chính quyền không thể tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính công.

Tại Lý Sơn, những lợi ích cụ thể đem lại cho người dân và chính quyền là gì, thưa ông?


Ảnh: Nam Long; Thiết kế: Trần Tuấn

Ảnh: Nam Long; Thiết kế: Trần Tuấn

Huyện đảo Lý Sơn cách đất liền 30 km (đi tàu) và sau đó lên Sở Giao thông Vận tải mất khoảng 20 km đường bộ nữa. Nếu tổ chức tại huyện đảo, người dân không cần đi nữa, mà chỉ ở tại địa phương, ở tại nhà mình. Ngoài việc không phải tốn kém chi phí đi lại, người dân còn tiết kiệm được thời gian 2 buổi để có thể làm việc khác.

Đối với chính quyền, việc cấp đổi GPLX kiểu mới sẽ giảm tải cho bộ máy, tránh cảnh người dân phải xếp hàng, chờ lâu và chúng tôi cũng có thêm thời gian thực hiện các công việc khác tốt hơn. Cũng qua cách làm này, người dân sẽ có cái nhìn mới về các dịch vụ hành chính công ở tỉnh Quảng Ngãi.

Theo dự kiến, cứ cuối tuần, chúng tôi lại kết hợp với Bưu chính Viettel tổ chức các điểm cấp đổi GPLX lưu động tại các địa phương, bắt đầu với huyện đảo Lý Sơn, sau đó đến các huyện miền núi, rồi đến các huyện đồng bằng.

Tại sao Sở Giao thông Vận tải không chọn ngày làm việc trong tuần mà lại là cuối tuần khiến nhân viên của Sở phải làm ngoài giờ?

Chúng tôi chọn cách đến với người dân để thực hiện các dịch vụ hành chính công tốt hơn nên cũng tính toán thời gian để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hơn. Trong tuần họ còn phải đi làm, cuối tuần đi đổi GPLX sẽ tiện hơn và chúng tôi cũng dễ dàng trong việc làm tập trung, giải quyết dứt điểm công việc ở từng địa phương.

Còn việc làm ngoài giờ thì cũng bình thường thôi: Khi mình quyết định thay đổi cách làm thì cần bỏ thêm thời gian, công sức để thực hiện cho tốt. Chúng tôi nhận thức rằng, nếu người dân được lợi thì chính quyền cũng sẽ được lợi.

Việc tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người dân trong cấp đổi GPLX cũng là tiết kiệm thời gian, chi phí cho chính quyền địa phương và tạo ra những giá trị khác trong việc xây dựng chính quyền điện tử. Thực tế, có nhiều giá trị sẽ được tạo ra thông qua cách làm mới mà chúng tôi chưa thể lượng hoá chính xác bằng tiền.


Ảnh: Nam Long; Thiết kế: Trần Tuấn

Ảnh: Nam Long; Thiết kế: Trần Tuấn

Nếu nhìn bề ngoài, việc cấp đổi GPLX lưu động ở Lý Sơn không phức tạp mà giúp người dân không phải đi lại nhiều, không mất thời gian. Tại sao Sở Giao thông Vận tải Quảng Ngãi không thực hiện việc này sớm hơn?

Thực ra, để có thể thực hiện dịch vụ hành chính công thuận tiện, đơn giản cho người dân thì cần có sự hỗ trợ của hạ tầng về CNTT hay còn gọi là chính quyền điện tử. Nếu thực hiện thủ công như trước thì không thể làm được.

Việc cấp đổi GPLX lưu động thực hiện được ở Lý Sơn là nhờ Bưu chính Viettel đã kết hợp, xây dựng được hạ tầng về CNTT cho việc triển khai. Viettel cũng hỗ trợ chúng tôi rất nhiều về cơ sở vật chất cũng như việc đào tạo vận hành trong thời gian đầu.

Theo kế hoạch, trong năm 2016-2017, Sở Giao thông Vận tải sẽ triển khai các dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp độ 3 và từ 2018-2020 sẽ tiến lên cấp độ 4 (người dân chỉ ngồi nhà khai báo hồ sơ qua mạng, gửi lên cơ quan quản lý và sau đó nhận kết quả tại nhà). Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ, kết hợp của Bưu chính Viettel, chúng tôi đã thực hiện luôn dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 với cấp đổi GPLX ngay từ năm 2016 nhưng chưa đầy đủ hoàn toàn.

Vì sao lại chưa thể thực hiện được đầy đủ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 khi mà hạ tầng đã sẵn sàng và việc chuyển kết quả tới tận nhà đã được hỗ trợ?

Thực tế thì chưa có nhiều người dân quen với làm thủ tục khai báo hồ sơ qua mạng nên chúng tôi chưa thể cấp đổi GPLX hoàn toàn qua mạng. Nhiều người vẫn nộp hồ sơ giấy nên chính quyền phải tiếp nhận và xử lý ở giai đoạn này như trước. Khi người dân quen dần với việc làm thủ tục trực tuyến thì cấp độ 4 sẽ hoàn chỉnh. Chúng tôi cũng rất mong sớm làm được điều này.

Khánh Linh (thực hiện)