1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Bình: Ưu tiên cán bộ, “ém” tiền dự án hỗ trợ người dân trồng rừng sản xuất

(Dân trí) - Trong khi nhiều cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Trạch được ưu tiên tạm ứng tiền trước khi trồng rừng, thì người dân dù rừng đã trồng xanh tốt, tiền hỗ trợ từ dự án cũng đã được chuyển về... nhưng vẫn phải “dài cổ” chờ đợi.

Năm 2014, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Trạch được giao nhiệm vụ thực hiện các hạng mục thuộc nguồn vốn dự án bảo vệ phát triển rừng bền vững với tổng diện tích 218ha, trong đó cán bộ của ban được giao 50ha.

Số diện tích được phê duyệt 50ha của cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Trạch gồm các lô d, e, g, h, i thuộc khoảnh 6; lô b, c, d, e, g, h, i, k thuộc khoảnh 7, tiểu khu 210, xã Quảng Sơn.

Nhiều cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Trạch, gần 15ha rừng chưa trồng nhưng đã nhận tiền hỗ trợ từ dự án
Nhiều cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Trạch, gần 15ha rừng chưa trồng nhưng đã nhận tiền hỗ trợ từ dự án

Trong quá trình thực hiện chỉ có 35ha được tiến hành trồng theo đúng tiến độ của dự án. Số diện tích 15ha còn lại, tính đến thời điểm cuối tháng 8/2015 vẫn còn “treo”. Thế nhưng, cuối năm 2014, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Trạch đã thành lập hội đồng nghiệm thu và nghiệm thu diện tích 50ha rừng trồng của cán bộ ban đã hoàn thành 100% theo kế hoạch và quyết định phê duyệt. Điều đáng nói, dù 15ha diện tích chưa trồng nhưng số tiền hỗ trợ nhiều cán bộ đã nhận.

Trái ngược với những chính sách “ưu tiên” cho cán bộ, những ngày cuối tháng 8/2015, PV Dân trí đã có mặt tại xã Quảng Hợp và thật xót xa khi biết nhiều hộ dân ở xã miền núi nghèo khó này đang phải “còng lưng” trả tiền lãi suốt gần một năm trời (do phải vay mượn để mua phân, thuê người phát thực bì, thuê trồng keo - PV).

Trong khi nhiều người dân xã Quảng Sơn phải còng lưng trả tiền lãi, dù tiền hỗ trợ đã có từ lâu nhưng việc chi trả rất chậm
Trong khi nhiều người dân xã Quảng Sơn phải "còng lưng" trả tiền lãi, dù tiền hỗ trợ đã có từ lâu nhưng việc chi trả rất chậm

Ông P.N.Q., xã Quảng Hợp bức xúc nói: “Gần 1 năm nay, gia đình tôi bỏ công, thuê  người phát thực bì và trồng trên 3ha, cây bây giờ đã tốt lên quá đầu người nhưng vẫn chưa thấy tiền hỗ trợ. Tiền vay mượn để về trồng cây thì hàng tháng đều phải trả tiền lãi. Từ khi Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Trạch lên nghiệm thu đến nay, tôi cũng như các hộ dân nơi đây đang ngóng trông từng ngày tiền hỗ trợ để về trả tiền nợ.

“Nghe nói có tiền hỗ trợ của dự án, cuối năm 2014, gia đình chúng tôi mạnh dạn đứng ra nhận trồng hơn 3ha. Tiền thuê công phát và trồng hết gần 70 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay đã cuối tháng 8/2015, vẫn chưa thấy tiền hỗ trợ đâu cả. Có mấy lần, người bên dự án có về nghiệm thu và hứa ít bữa nữa sẽ trả nhưng cũng không có”, một hộ dân khác ngao ngán.

Được biết, năm 2014, xã Quảng Hợp có 74,5ha diện tích đất trồng rừng sản xuất mà bà con được nhận tiền hỗ trợ từ nguồn vốn dự án bảo vệ phát triển rừng bền vững. Mỗi ha được nhận 810 ngàn đồng tiền phân bón, ngoài ra giống cây được hỗ trợ 100%.

Làm việc với PV Dân trí, ông Trần Náy, Giám đốc Ban quản lý dự án rừng phòng hộ huyện Quảng Trạch cho hay, đây là dự án thuộc rừng sản xuất nên Ban quản lý dự án chỉ hỗ trợ cây giống và tiền phân bón. “Cây giống bà con đã nhận đầy đủ, còn tiền phân bón, ở một số nơi do địa hình xa xôi nên việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn nên người dân đồng ý nhận tiền”, ông Náy cho hay.

Ông Trần Náy, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Trạch trong cuộc làm việc với PV Dân trí
Ông Trần Náy, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Trạch trong cuộc làm việc với PV Dân trí

Về việc chậm trễ chi trả tiền phân bón hỗ trợ cho người dân xã Quảng Hợp, ông Náy giải trình: “Dù tiền đã được giải ngân từ ngân hàng gần nửa năm nhưng chưa phát về cho dân được là vì còn một số hộ chưa trồng xong, một số hộ thì trồng sau đó cây chết phải trồng lại, và một phần nữa là do “bùng nhùng” chuyện thủ tục hành chính nên chưa thể tiến hành chi trả tiền kịp thời cho người dân”.

Tuy nhiên, theo điều tra của PV Dân trí, hiện hàng trăm ha diện tích rừng keo của người dân trên địa bàn huyện Quảng Trạch được hưởng lợi từ dự án, đã trồng và đang phát triển rất tốt.

Trái ngược với diện tích rừng của người dân đang phát triển xanh tốt thì nhiều lô đất của cán bộ ban vẫn chưa phát thực bì (ảnh chụp ngày 23/8)
Trái ngược với diện tích rừng của người dân đang phát triển xanh tốt thì nhiều lô đất của cán bộ ban vẫn chưa phát thực bì (ảnh chụp ngày 23/8)

Trả lời câu hỏi vì sao rừng của cán bộ chưa trồng nhưng lại được ứng tiền trước, trong khi người dân dù đã trồng gần 1 năm, rừng đã phát triển xanh tốt nhưng vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ? Ông Náy giải thích: “Mặc dù đã ứng tiền, nhưng sau 4 năm mà rừng không trồng đúng theo phê duyệt của dự án thì chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra và thu hồi lại số tiền trên. Sở dĩ không cho người dân ứng tiền trước là vì sợ sau này khó thu hồi, bởi dù sao cán bộ chúng tôi quản lý thì cũng dễ thu hồi hơn, bằng cách có thể khấu trừ vào lương. Còn việc chi trả tiền hỗ trợ hơi chậm cho một số hộ dân là do một số yếu tố khách quan, việc này chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm”.

 Đặng Tài – Văn Lịnh

 

 

Quảng Bình: Ưu tiên cán bộ, “ém” tiền dự án hỗ trợ người dân trồng rừng sản xuất - 5