1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng bá Đại lễ 1000 năm Thăng Long ra thế giới

(Dân trí) - Từ ngày 9 - 15/9, lần đầu tiên Hà Nội tổ chức đón đoàn phóng viên quốc tế vào tuyên truyền và quảng bá cho Thủ đô hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Quảng bá Đại lễ 1000 năm Thăng Long ra thế giới - 1
Tranh cổ động chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 10/9 tại Hà Nội, ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chia sẻ: “Còn đúng 30 ngày nữa là tới Đại lễ, Hà Nội đang nỗ lực hết mình cùng với các bộ, ngành và các địa phương trong cả nước khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị, đảm bảo tiến độ và hiệu quả.

Sự có mặt của các nhà báo quốc tế ở Hà Nội vào những ngày này sẽ góp phần làm cho việc kỷ niệm Đại lễ không chỉ diễn ra ở Hà Nội, Việt Nam mà còn lan tỏa ra các nước trên thế giới”.

Trong thời gian ở thăm, các phóng viên đến từ nhiều nước sẽ có dịp tham quan các thắng cảnh ở Hà Nội và làm việc với các doanh nghiệp tiêu biểu của thành phố. Mục tiêu của chương trình nhằm giới thiệu, quảng bá với bạn bè quốc tế về Hà Nội ngàn năm văn hiến, giới thiệu tiềm năng và cơ hội xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch...

Bên cạnh việc tham quan Văn Miếu Quốc tử giám, Hoàng Thành Thăng Long, Con đường gốm sứ và nhiều địa điểm nổi tiếng khác trong nội thành, đoàn sẽ đi thăm một số điểm du lịch nổi bật ở ngoại thành và các khu vực lân cận như Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, làng nghề Lụa Vạn Phúc, cố đô Hoa Lư...

Theo bà Nguyễn Phương Nga, Vụ trưởng Vụ thông tin báo chí - Bộ Ngoại giao, nhóm phóng viên lần này sẽ góp phần quảng bá thông tin trước Đại lễ ra thế giới.

“Còn trong dịp Đại lễ, lực lượng truyền thông quốc tế đổ vào Việt Nam sẽ lớn hơn nhiều thông qua con đường tự do cũng như theo các đoàn ngoại giao, đoàn nghệ thuật, theo lời mời của các tổ chức, với sự hỗ trợ của lực lượng phóng viên thường trú tại đây... Đây là dịp tốt để quảng bá về Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung” - bà Nga cho biết thêm.

Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về công tác chuẩn bị cho Đại lễ, ông Hồ Quang Lợi cho biết, thành phố đã có rất nhiều nỗ lực để đảm bảo môi trường, quang cảnh sạch đẹp trước, trong và duy trì, phát huy sau khi Đại lễ kết thúc.

Từ khoảng một năm nay, thông qua một cuộc vận động lớn, thành phố hầu như đã xóa bỏ được nạn đổ rác ra đường ở các khu dân cư. Nạn quảng cáo, rao vặt bừa bãi cũng đã được dẹp bỏ. Các đường dây cáp đã được hạ ngầm tạo sự quang đãng.

Theo ông Lợi, Hà Nội cũng đã thực hiện kế hoạch chủ động bình ổn giá cả, chỉ đạo các ngành bảo đảm cung cấp đầy đủ các mặt hàng cho dịp lễ, sẵn sàng phục vụ du khách, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa và tăng giá bừa bãi.

Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, chia sẻ thêm: “Một trong những điểm nhấn của Đại lễ là Bảo tàng Hà Nội, dự kiến sẽ mở cửa đón khách từ ngày 6/10, với hơn 50.000 hiện vật được huy động từ nguồn nhà nước cũng như từ các nhà sưu tập tư nhân. Bên cạnh đó, 5 ha sân vườn của Bảo tàng sẽ là nơi diễn ra Festival Cây cảnh nghệ thuật hết sức quy mô”.

Tuấn Anh