Quân nhân dự bị đi tập trung huấn luyện về sẽ... mất việc làm?

(Dân trí) - “Theo phản ánh của các cơ quan quân sự địa phương, hiện nay các doanh nhân, chủ doanh nghiệp không sẵn sàng cho quân nhân dự bị trong doanh nghiệp đi tập trung huấn luyện. Nếu quân nhân dự bị đi thì khi về sẽ mất việc làm”- đại biểu Nguyễn Văn Chương (TPHCM) nêu thực trạng.

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên sáng 11/6, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) cho rằng những quân nhân dự bị phần lớn là thanh niên xuất ngũ về địa phương, làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, nhất là doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân nên khi huy động tham gia lực lượng dự bị động viên sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của những doanh nghiệp.

Quân nhân dự bị đi tập trung huấn luyện về sẽ... mất việc làm? - 1

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ảnh: Quốc hội).

Vậy nên, mỗi lần động viên, các công ty, doanh nghiệp không muốn "nhả" người vì ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu người lao động là quân nhân dự bị chấp hành thời gian huấn luyện sẽ bị chủ doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng, dẫn tới mất việc làm.

“Nếu không chấp hành thời gian huấn luyện sẽ vi phạm luật, buộc các cấp có thẩm quyền phải xử lý theo quy định của pháp luật. Có người mới có công ăn việc làm sau khi tham gia lực lượng dự bị động viên trở thành thất nghiệp. Hiện tượng này đã xảy ra ở một số tỉnh miền Trung khi tôi khảo sát”- ông Tuấn nêu thực tế.

Tuy nhiên, dự thảo luật lại không có quy định cơ quan chức năng nào của nhà nước đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động tại các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài khi tham gia vào lực lượng dự bị động viên.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Chương- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TPHCM cho biết, trước khi góp ý cho dự án luật này, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức một cuộc hội thảo và một cuộc khảo sát để lấy ý kiến của các đơn vị, cơ quan có liên quan.

Theo phản ánh của các cơ quan quân sự quận, huyện tại TPHCM, việc huy động huấn luyện lực lượng dự bị động viên ngày càng khó do tác động trực tiếp của kinh tế nhiều thành phần. Nếu như sắp tới thành phần kinh tế cá thể, tư nhân ngày càng tăng, GDP của họ đóng góp từ 60-70% GDP cả nước thì việc xây dựng lực lượng dự bị động viên còn khó khăn hơn nhiều bởi quân dự bị tập trung ở đây càng đông, đời sống và việc làm của họ chịu sự tác động chi phối của chủ doanh nghiệp.

“Dự thảo luật chỉ đưa ra nghĩa vụ, quyền lợi của quân nhân dự bị, chưa đưa ra quy định ràng buộc đối với chủ doanh nghiệp tư nhân trong nước và chủ doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài”- vị đại biểu TPHCM nêu rõ.

Từ đó, ông đề nghị có một điều trong luật quy định trách nhiệm của chủ hai loại doanh nghiệp trên và biện pháp chế tài khi họ không tạo điều kiện cho quân nhân dự bị đi tập trung huấn luyện hoặc động viên sẵn sàng chiến đấu.

Quân nhân dự bị đi tập trung huấn luyện về sẽ... mất việc làm? - 2

Đại biểu Nguyễn Văn Chương- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TPHCM (Ảnh: Quốc hội).

“Theo phản ánh của các cơ quan quân sự địa phương, hiện nay các doanh nhân, các chủ doanh nghiệp tư nhân trong nước và chủ doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài không sẵn sàng cho quân nhân dự bị trong doanh nghiệp của họ đi tập trung huấn luyện, nếu quân nhân dự bị đi thì khi về sẽ mất việc làm”- ông Chương chỉ rõ.

Cuối buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch khẳng định, lực lượng dự bị động viên là một thành phần của quân đội, vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn của lực lượng này thống nhất với vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn của quân đội đã được quy định tại Điều 66 Hiến pháp năm 2013.

Quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên phải có tỷ lệ dự phòng thích hợp, dự thảo luật xác định tỷ lệ dự phòng từ 10-15% là cần thiết để đảm bảo tính chủ động cho các địa phương khi huy động theo chỉ tiêu được giao.

“Vì trong điều kiện kinh tế nhiều thành phần quân nhân dự bị cơ bản là lao động chính trong gia đình có thể làm việc trong các cơ quan, tổ chức, các loại hình doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác mà không thể có mặt trước khi huy động, quân nhân dự bị bị đau ốm, bệnh tật, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt hoặc tình huống bất khả kháng mà không thể thực hiện được lệnh huy động. Thực tiễn hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên cho thấy việc quy định tỷ lệ dự phòng đối với đơn vị dự bị động viên từ 10-15% là phù hợp”- Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch lý giải.

Quân nhân dự bị đi tập trung huấn luyện về sẽ... mất việc làm? - 3

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch (Ảnh: Quốc hội).

Theo Bộ trưởng Quốc phòng, hiện nay cả nước có 24 trung tâm huấn luyện dự bị động viên ở cấp tỉnh. Những địa phương có trung tâm này thì việc tổ chức huấn luyện lực lượng dự bị động viên đạt chất lượng tốt, những địa phương chưa có trung tâm khi huấn luyện, diễn tập lực lượng dự bị động viên thường phải tận dụng doanh trại, thao trường của trung đoàn bộ binh, trường quân sự tỉnh hoặc vận dụng một số cơ sở khác để tổ chức huấn luyện nên chất lượng huấn luyện còn hạn chế.

“Nếu trong dự thảo luật quy định trung tâm huấn luyện, việc huấn luyện lực lượng dự bị động viên sẽ thống nhất trong cả nước về quy mô, tổ chức thực hiện và nâng cao chất lượng lực lượng dự bị động viên. Vì vậy, Bộ Quốc phòng đề nghị Quốc hội cho tiếp thu và đưa vào dự thảo luật”- ông Lịch nói.

Đối với những ý kiến về việc xây dựng cơ chế quản lý quân nhân dự bị và đăng ký quân nhân dự bị bằng công nghệ thông tin, xung quanh mức độ xử lý, xử phạt, huy động phương tiện kỹ thuật về tổ chức sinh hoạt, thẩm quyền huy động lực lượng dự bị động viên, thẩm quyền phê duyệt kế hoạch dự bị động viên,... lãnh đạo Bộ Quốc phòng khẳng định sẽ phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa để chỉnh lý, bổ sung dự thảo luật theo quy định trước khi trình Quốc hội quyết định.

Thế Kha