Quản lý trẻ lỏng lẻo, chùa Bồ Đề "tạo điều kiện" cho tội phạm
(Dân trí) - Theo nhận định của Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an thành phố Hà Nội, công tác quản lý trẻ tại chùa Bồ Đề rất lỏng lẻo. Chính điều này đã tạo cơ hội cho tội phạm mua bán trẻ em hoạt động.
Trụ trì chùa Bồ Đề cũng là đối tượng điều tra
Chiều 5/8, Thượng tá Vũ Thái Hưng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC45 - CATP Hà Nội) - đã thông tin chi tiết về vụ mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề tại buổi giao ban báo chí Thành ủy. Theo đó, chị Trần Thị Thu H. (SN 1989, quê Phú Thọ) có quan hệ yêu đương với anh Vũ Xuân T. (quê Tuyên Quang) và có thai với anh T. Sau khi sinh một cháu bé trai, sợ gia đình biết, chị H. cùng người yêu đã mang cháu bé đến chùa Bồ Đề nhờ nuôi dưỡng.
Tại đây, hai người gặp sư trụ trì Thích Đàm Lan và nói dối là con của một người khác không có điều kiện nuôi dưỡng, gửi nhà chùa nuôi giùm. Sư trụ trì Thích Đàm Lan hướng dẫn chị H. gặp Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978, trú tại Mai Hắc Đế, Hai Bà Trưng, Hà Nội) là người quản lý nhà mở, nơi trông giữ trẻ ở chùa Bồ Đề, để làm thủ tục gửi cháu bé.
Thượng tá Vũ Thái Hưng thông tin chi tiết về vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề.
Đầu tháng 11/2013, anh Nguyễn Thành Long cùng công ty đến chùa Bồ Đề làm từ thiện đã nhận làm cha đỡ đầu cháu bé trên, đặt tên cháu là Cù Nguyên Công. Anh Long và vợ sau đó thỉnh thoảng đến chùa thăm cháu Công. Tuy nhiên, đến ngày 5/1/2014, anh Long tới thăm cháu thì không còn thấy cháu Công ở chùa nữa. Phát hiện nhiều nghi vấn, anh Long đã làm đơn tố cáo gửi tới cơ quan công an.
Qua điều tra, cơ quan công an xác định, trước đó, Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, quê ở Yên Khánh, Ninh Bình; hiện trú tại Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) có nhờ Trang tìm cho 1 đưa trẻ khỏe mạnh để nhận làm con nuôi. Nguyệt hứa sẽ bồi dưỡng cho Trang tiền nhưng không nói cụ thể số tiền là bao nhiêu.
Khoảng tháng 12/2013, Trang nói với chị H. rằng có người chị dâu của Trang muốn nhận cháu Công về làm con nuôi và được chị H. đồng ý. Trang hẹn chị H. ngày 1/1/2014 đến chùa Bồ Đề làm thủ tục xin lại con, thực chất là để đưa cháu bé ra khỏi chùa giao cho Nguyệt nuôi.
Sau khi thỏa thuận với chị H., Trang thông báo lại Nguyệt biết, nếu Nguyệt đồng ý nhận cháu Công làm con nuôi thì phải đưa cho Trang 40 triệu đồng để Trang đưa cho mẹ đẻ cháu bé. Nguyệt đồng ý và đi vay mượn được 35 triệu đồng.
Ngày 1/1/2014, Trang nhờ mẹ đẻ của mình đón cháu Cù Nguyên Công mang về nhà. Ngày hôm sau, Trang và Nguyệt đến đưa cháu Công đi xét nghiệm HIV. Tại nơi xét nghiệm, Nguyệt đã đưa cho Trang 35 triệu đồng và bế cháu bé về nhà rồi đem về quê ở Ninh Bình làm giấy khai sinh cho cháu tên là Phạm Gia Bảo.
Về phần Trang, với số tiền Nguyệt đưa, Trang lấy 10 triệu đồng gửi qua tài khoản cho chị H. Khoảng tháng 6/2014, Nguyệt liên lạc với Trang bảo cháu bé đang bị bệnh viêm phổi nặng, nằm ở Viện Nhi trung ương. Trang muốn đến thăm nhưng Nguyệt không cho. Vài ngày sau, Nguyệt thông báo là cháu bé đã chết.
Căn cứ tài liệu chứng cứ thu thập được, xác định đã có dấu hiệu của hành vi mua bán trẻ em quy định tại Điều 120 Bộ luật Hình sự, ngày 3/8, Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội đã ra lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt.
Hai đối tượng mua bán trẻ em bị bắt giữ.
Quá trình điều tra, cơ quan công an đã thu giữ tại nơi ở của Phạm Thị Nguyệt nhiều giấy tờ (giấy khai sinh của các cháu bé không phải là con đẻ của Nguyệt, giấy viết tay của người khác) nghi được làm giả để hợp thức hóa nguồn gốc những cháu bé mà Nguyệt đang nuôi. Hiện tại, Nguyệt đang nuôi 2 cháu bé khoảng 2 tuổi không phải con đẻ của mình tại phòng trọ trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Theo Thượng tá Vũ Thái Hưng, cơ quan điều tra đã mời ni sư Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề, lên trụ sở để làm việc. Thượng tá Hưng cho hay, hiện chưa có đủ tài liệu để khẳng định sư trụ trì có liên quan trực tiếp đến vụ mua bán cháu Công hay không.
“Tuy nhiên, sư Thích Đàm Lan đương nhiên là đối tượng điều tra. Chắc chắn một điều là sư trụ trì sẽ có trách nhiệm liên quan đến vụ việc vì trẻ em được nuôi trong chùa. Trách nhiệm ở mức độ nào thì phải điều tra, xác minh làm rõ.” - Thượng tá Hưng khẳng định.
Chùa Bồ Đề quản lý trẻ quá lỏng lẻo
Qua quá trình điều tra xác minh, cơ quan công an xác định tại chùa Bồ Đề hiện có 106 trẻ em độ tuổi từ 1 tháng tuổi đến 18 tuổi. Việc quản lý nuôi dưỡng trẻ em tại chùa Bồ Đề không được các cơ quan chức năng cấp phép. Việc quản lý sổ sách và các thủ tục nhận trẻ em vào chùa nuôi dưỡng và thủ tục trả lại trẻ cho gia đình còn lỏng lẻo, sơ sài, dễ bị tội phạm lợi dụng như hành vi mua bán trẻ em của Trang và Nguyệt.
Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội đã có những kiến nghị tới các cơ sở cũng như chính quyền các địa phương nhằm phòng ngừa tội phạm mua bán trẻ em xảy ra.
Liên quan đến việc chùa Bồ Đề nhận nuôi nhiều trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, luật sư Hoàng Huy Được - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội - cho rằng, việc làm này thể hiện tính nhân đạo, nhân văn của nhà chùa. Tuy nhiên, xét trên góc độ pháp lý, nhà chùa không đáp ứng đủ điều kiện để nhận con nuôi.
Luật sư Hoàng Huy Được - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
Viện dẫn Điều 2 của Luật Nuôi con nuôi, luật sư Được cho rằng, nguyên tắc của việc nhận con nuôi là xác định mối quan hệ pháp luật giữa cha, mẹ với con bền vững, lâu dài, đảm bảo ổn định cho đứa trẻ. Việc chùa Bồ Đề nhận và nuôi trẻ như vậy không đảm bảo đúng mục đích nuôi con nuôi.
“Nhà chùa không đứng tên nhận con nuôi được. Đối chiếu với Điều 14 Luật Nuôi con nuôi (quy định các điều kiện đối với người nhận con nuôi), các tổ chức nói chung và nhà chùa nói riêng không có trong chủ thể nhận con nuôi, không thỏa mãn các điều kiện để nhận con nuôi” - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội bày tỏ quan điểm.
Theo luật sư Được, không nên để nhà chùa nhận con nuôi vì nuôi con nuôi trong nhà chùa liên quan đến nhiều vấn đề, như vấn đề giáo dục, vấn đề giới tính, sự phát triển bình thường của trẻ em… Nhà chùa chỉ nên hỗ trợ cho việc chăm sóc trẻ em như quy định trong Điều 7 Luật Nuôi con nuôi: “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân hỗ trợ nhân đạo cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”.
Về việc chính quyền địa phương xác nhận cho các trẻ em cư trú tại chùa, luật sư Hoàng Huy Được cho rằng việc làm này, nếu có, không phù hợp với các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có chế tài xử lý sai phạm này.
“Ở Việt Nam, thẩm quyền chứng nhận cho - nhận con nuôi thuộc cấp phường, xã, thị trấn. Việc xác nhận cho nhà chùa nhận con nuôi là sai, không phù hợp với quy định của pháp luật. Ngoài ra, việc xác nhận cho - nhận con nuôi còn phải đảm bảo các điều kiện khách quan khác nữa như luật đã quy định” - luật sư Được cho hay.
Tiến Nguyên