1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quản lý báo chí: Quản phải có lý

(Dân trí) - “Chúng ta có 15 ngàn phóng viên, có vài ba phóng viên sai phạm là quá ít so với những phóng viên làm việc tốt. Các phóng viên tốt đã đóng góp rất tích cực cho việc phát triển, cần ghi nhận đóng góp của họ!”

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp trong buổi trả lời trực tuyến chiều 6/8. Trong thời điểm được đánh giá là khá nhạy cảm của báo chí hiện nay nên mặc dù chủ đề của buổi giao lưu trực tuyến là "Chiến lược phát triển thông tin và truyền thông” song đã có khá nhiều câu hỏi “lạc” và sốc được gửi đến, người đứng đầu ngành Thông tin truyền thông vẫn rất nhiệt tình, thẳng thắn trả lời.

Dân trí đến đâu, dân chủ đến đó!

Đối với câu hỏi về phát triển truyền hình tư nhân, xuất bản tư nhân và báo chí tư nhân... Bộ trưởng Lê Doãn Hợp có nhận xét đó lài một câu hỏi nhạy cảm về chính trị nhưng cần thiết và được quan tâm trong thực tiễn.

Theo ông Hợp, việc phát triển truyền hình tư nhân, xuất bản tư nhân và báo chí tư nhân, chúng ta làm theo luật pháp. “Tại thời điểm này, chúng ta chưa có văn bản nào chỉ đạo khác đi so với những gì chúng ta đã làm. Chúng ta hội nhập thế giới phải học kinh nghiệm thế giới. Tất cả những gì thế giới có và đang làm tốt, ta cần tiếp cận. Cái hay của thế giới không phải là sản phẩm của một nước nào mà của tinh hoa của trí tuệ loài người. Đã là tinh hoa thế giới, VN phải tiếp cận. Không thể khó cấm, dễ làm. Cái gì tốt cho đất nước, ta phải làm, và phải quản. Chúng ta sẽ đi theo bước đi của thế giới, nhưng phải bước đi theo lộ trình vững chắc.

Lộ trình được thực hiện căn cứ trên 3 điểm:

- Nâng cao nhận thức, dân trí cho toàn dân. Các nước tư bản có 300 năm phát triển. Chúng ta tưởng họ thoáng nhưng thật ra họ quản rất chặt, vì dân trí cao. Với dân trí của Việt Nam hiện nay, nếu mở ra mà không có cơ chế tốt, thì thuận ít, nghịch nhiều.

Dân trí đến đâu, dân chủ đến đó, cơ chế quản lý đặt ra tương ứng.

- Hoàn chỉnh luật theo nguyên tắc phục vụ Đổi mới, hội nhập là nền tảng cho quản lý. Luật càng về sau càng thoáng, theo yêu cầu phát triển và yêu cầu qản lý tốt hơn.

VN phát triển rất nhanh nhất là báo chí, phát thanh và truyền hình, cả về chất lượng và số lượng. Nhờ sự phát triển đó, người dân có thể ngồi một chỗ biết cả thế giới. Vấn đề quản lý đặt ra không theo kịp, đẻ ra nhiều tiêu cực, mặt trái. Cũng giống như cây trồng, phát triển nhanh tạo nhiều khoảng trống về cơ học, quản lý và cả sinh học. Phải lấp kín khoảng trống quản lý bằng cơ chế chính sách.

- Bộ máy quản lý phải thích ứng thực tiễn, vươn lên làm chủ trong phát triển. Quản lý để phát triển, quản phải có lý.

3 điều kiện này phát triển tới đâu, quản lý thông thoáng, mở dần tới đó. Mở có lộ trình, hướng đi, nguyên tắc, có thực tiễn, học thế giới để làm tốt hơn. Đất nước đang phát triển, Đảng, Nhà nước đang đặt ra vấn đề quản lý trên nền nhận thức đúng và lộ trình, đảm bảo kỉ cương, phép nước và nhu cầu phát triển.”

“Bộ trưởng đã phải là người tài chưa?”

4 “chịu”, 4 “biết” và 10 “chữ” trong hành động

 

Tôi luôn luôn thực hiện phương châm "4 chịu": chịu học, chịu đọc, chịu nghe và chịu đi cơ sở để tổng kết thực tiễn. Trên cơ sở đó để có "4 biết": biết viết cho mọi người hiểu, biết nói cho mọi người thông, biết làm và biết điều để xử sự với mọi người.

 

Còn 10 chữ trong hành động: Tận tụy để cấp dưới thương; Gương mẫu để cáp dưới trọng; Sáng tạo để cấp dưới có thêm việc làm và có thu nhập chính đáng; Dân chủ để cấp dưới dễ gần và có thông tin; Kỷ cương để người tốt có điểm tựa, người chưa tốt được giáo dục, rèn luyện cảm hóa, tiến bộ trưởng thành.

 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp

Với câu hỏi của một độc giả với nội dung: “Bộ trưởng không có chuyên môn trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, Công nghệ thông tin... vậy Bộ trưởng đã làm gì để nắm rõ lĩnh vực mình phụ trách và làm tốt chức trách của mình?

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đã rất thẳng thắn trả lời: “Tôi là người lính xung kích, từ trong chiến tranh sang hòa bình, trong quân đội ra ngoài đời. Kể từ khi tôi nhập ngũ năm 17 tuổi, nay tôi đã 57 tuổi, có 40 năm công tác, kinh qua 18 chức danh, từ cơ sở đến ngành, thành phố, tỉnh và ra trung ương. Nhiều lĩnh vực kinh tế, quản lý nhà nước, xây dựng Đảng, hành pháp, lập pháp, quản lý kinh tế, tư tưởng, văn hóa, thông tin. Tôi có cảm nhận, đi qua nhiều chức danh, mỗi chức danh như một trường học tổng hợp. Ai đi qua nhiều chức danh, nếu làm tốt, sẽ có vốn liếng và kinh nghiệm cần thiết cho công việc được giao.”

Tiếp tục trả lời một câu hỏi còn khó hơn rằng: "Bộ trưởng thường nói "Người tài là phải biết tập hợp cái tài của người khác" vậy xin hỏi Bộ trưởng tự đánh giá thấy mình đã phải là người tài chưa? Những người xung quanh Bộ trưởng có phải là những người tài không? Bộ trưởng đã dám cách chức một ai trong số những người không tài đã được bổ nhiệm chưa, xin cho ví dụ? Xin cảm ơn nếu Bộ trưởng trả lời thành thực.”

Rất tinh tế và không hề tránh né, Bộ trưởng Hợp đã trả lời: “Tôi cho rằng, cái tài cần nhất của người lãnh đạo, quản lý là biết quy tụ những người tốt, người có tài xung quanh mình để thực thi tốt mọi nhiệm vụ được tổ chức phân công và nhân dân giao phó.

Người biết tổ chức là biết chọn cán bộ để đặt đúng vị trí. Tôi đã thay đổi chức danh cho một số cán bộ ở Bộ. Đó không phải là cách chức mà là điều chỉnh cho phù hợp hơn, đúng vị trí và phát huy khả năng của họ như đã làm ở Cục Ứng dụng CNTT, Viện Chiến lược, Cục Phát thanh - truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Thông tin đối ngoại...

Xây dựng hạnh phúc gia đình là thiêng liêng nhất của mỗi người. Nhưng khi không ở được với nhau thì vẫn có luật hôn nhân gia đình để chia tay, nói gì là công tác cán bộ! Tôi cho rằng, không ai kém cỏi hoàn toàn, chỉ có điều đặt ai vào chỗ nào để phát huy tốt nhất. Mỗi người có thể làm nhiều việc nhưng làm giỏi chỉ một việc, đó là việc họ được đào tạo tốt nhất, tâm huyết nhất, và say mê nhất.

Vì thế ở đâu không phù hợp thì có phương án điều chuyển, thay thế, luân chuyển, để mọi người phát huy tốt đáp ứng yêu cầu tốt hơn. Công tác cán bộ không chỉ vì một tổ chức mà vì từng con người. Nhiệm vụ là phải củng cố từng cơ sở. Để mọi người làm tốt hơn. Vấn đề là đánh giá đúng, gặp từng cán bộ để góp ý đúng, phát huy thế mạnh, khắc phục những điểm hạn chế, yếu kém để cán bộ phấn khởi, đoàn kết tiến lên.”

Lê Châu