Quân đội có bao nhiêu nữ tướng?

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Bộ Quốc phòng hiện có một nữ sĩ quan cấp tướng đang công tác tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Chính phủ đề xuất tuổi nghỉ hưu cấp tướng với nữ tăng từ 55 tuổi lên 60.

Chiều 28/10, phát biểu tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã nói rõ hơn về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu với sĩ quan.

Sĩ quan nghỉ hưu ở cấp úy hầu như không có

Với cấp úy, hạn tuổi cao nhất của sĩ quan tại ngũ (tuổi nghỉ hưu), Chính phủ đề xuất tăng từ 46 lên 50.

Theo ông Giang, nếu sĩ quan bắt đầu nhập ngũ năm 18 tuổi và nghỉ hưu năm 50 tuổi thì được 32 năm, cộng thêm một năm nghỉ chờ hưu sẽ được 33 năm.

Khi đó, ông Giang cho hay nếu nghỉ hưu sẽ thấp hơn quy định nhận tối đa 75% lương (đối với nam có 35 năm đóng bảo hiểm xã hội) là 2 năm và lương hưu sẽ giảm 3%. Tuy nhiên, sĩ quan nghỉ hưu ở cấp úy hầu như không có mà chỉ trong trường hợp "vạn bất khả dĩ".

Quân đội có bao nhiêu nữ tướng? - 1

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu thảo luận tổ (Ảnh: CTV).

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, thông thường sĩ quan nhập ngũ 10 hay 12-13 năm sẽ lên đến đại úy, còn nhập ngũ 32 năm mà mới lên đại úy là khó, buộc phải có chính sách khác.

"Cũng có người bị hình thức này, hình thức kia, đang từ cấp tá giáng xuống cấp úy sẽ phải giải quyết ra quân theo chế độ về hưu, phục viên... Những trường hợp đó không tính vào đây được", ông Giang lý giải.

Với cấp bậc thiếu tá, Chính phủ đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu từ 48 lên 52, như vậy sĩ quan sẽ có 34 năm trong quân đội và nghỉ chờ 1 năm sẽ đủ 35 năm. Ông Giang cho biết như vậy sẽ hưởng tối đa 75% lương hưu.

Chính phủ đề xuất về tuổi nghỉ hưu với cấp tướng giữ nguyên 60 tuổi đối với nam, còn với nữ tăng từ 55 lên 60. Ông Giang khẳng định thời kỳ cao nhất trong quân đội có ba sĩ quan nữ mang quân hàm cấp tướng, hiện có một nữ sĩ quan cấp tướng công tác tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108.

Về chế độ nhà ở cho sĩ quan quân đội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho hay, trước đây có quy định địa phương phải giải quyết vấn đề đất đai, nhà ở cho bộ đội nhưng không chi tiết, cụ thể.

Theo ông Giang, đất quốc phòng không phải chỗ nào cũng trả cho địa phương được, nhưng chỗ nào là quỹ đất quốc phòng không còn sử dụng cho mục đích quốc phòng mà giao cho địa phương để quy hoạch thành khu dân cư thì đề nghị ưu tiên cho quân đội.

Không làm ảnh hưởng đến quân đội

Phát biểu tại tổ, theo Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương, việc tăng tuổi của cấp úy, cấp tá nhằm tiệm cận với Bộ luật Lao động nhưng vẫn phải phụ thuộc vào việc quân đội là ngành lao động đặc biệt, đặc thù.

Ông Cương cho rằng đề xuất này nhằm thu hút nhân tài, giảm áp lực đào tạo và tích lũy thời gian, kinh nghiệm công tác của sĩ quan, nhưng cũng chỉ ở mức độ nhất định.

Theo ông Cương, hiện số sĩ quan từ trung tá trở xuống theo luật mới đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ 35 năm đóng bảo hiểm nên không được hưởng đủ 75% lương hưu.

"Chúng tôi dùng máy móc, công nghệ để tính toán, phân tích dữ liệu làm sao đưa ra độ tuổi tăng lên phù hợp nhất mà không làm tắc nghẽn, ảnh hưởng đến cơ cấu quân đội", ông Cương khẳng định.