Quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam tương đồng Trung Quốc
(Dân trí) - Chú trọng phát triển bền vững, lấy con người là trung tâm, dựa vào khoa học công nghệ, là quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Quan điểm này có nhiều nét tương đồng với Trung Quốc.
Chiều 9/4, tại Thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự Tọa đàm về "Cải cách doanh nghiệp Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc", với sự tham dự của 250 đại biểu đại diện cho hơn 100 doanh nghiệp hai nước.
Doanh nghiệp Nhà nước giữ vai trò đặc biệt quan trọng
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư nói chung và hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, trong đó có các doanh nghiệp Nhà nước, đóng vai trò hết sức quan trọng và đang có nhiều bước tiến tích cực.
Theo Phó Thủ tướng, quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam có nhiều nét tương đồng với quan điểm phát triển của Trung Quốc, trong đó chú trọng phát triển bền vững, lấy con người là trung tâm, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát huy tối đa giá trị con người.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh khẳng định doanh nghiệp Nhà nước luôn giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng.
Tại Việt Nam, tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp Nhà nước vào GDP đạt xấp xỉ 30%, thu hút khoảng 0,7 triệu lao động (chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp), thể hiện vai trò chủ đạo trên một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam vẫn bộc lộ một số hạn chế về hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển.
Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản Nhà nước, Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Ngọc Trác cũng cho rằng doanh nghiệp Nhà nước có sứ mệnh quan trọng, không thể thay thế.
Ông đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy vai trò cơ quan giám sát, quản lý vốn Nhà nước hướng tới ngày càng chuyên nghiệp cùng phương thức vận hành, kinh doanh trên thị trường, thúc đẩy sự hội nhập của doanh nghiệp Nhà nước.
Theo ông Trương Ngọc Trác, doanh nghiệp nhà nước là lực lượng quan trọng trong quá trình hiện đại hóa đất nước. Theo đó cần xây dựng doanh nghiệp đầu tàu, cởi mở, "giàu sức sống", là trụ đỡ kinh tế quốc dân, góp phần ổn định xã hội, có khả năng đối phó với khủng hoảng.
Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi với nhà đầu tư nước ngoài
Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp lãnh đạo các tập đoàn, công ty lớn của Trung Quốc.
Tại cuộc tiếp Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (Power China) Vương Bân, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ các lĩnh vực mà tập đoàn mong muốn đầu tư tại Việt Nam cũng chính là các lĩnh vực trọng điểm thu hút đầu tư trong và ngoài nước của Việt Nam.
Ông Vương Đình Huệ đánh giá cao quy mô, tiềm lực, trình độ công nghệ của Power China tại Việt Nam và hoan nghênh kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh, sản xuất của Tập đoàn tại Việt Nam thời gian tới.
Tiếp Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ô tô điện BYD Lưu Hoán Minh, Chủ tịch Quốc hội cũng hoan nghênh kế hoạch đầu tư mới của Tập đoàn tại Việt Nam với cam kết về đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động xuất khẩu, tạo việc làm cho người lao động địa phương.
Ông khẳng định Quốc hội sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc, hoạt động đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam.
Tiếp Tổng Giám đốc Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc (CREG) Liu Leiyun, Chủ tịch Quốc hội cho rằng ngành công nghiệp khoáng sản then chốt, trong đó có đất hiếm, là ngành công nghiệp chiến lược, là nền tảng để phát triển nhiều ngành công nghiệp quan trọng khác trong bối cảnh hiện nay.
Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp nghiên cứu và triển khai hợp tác trong lĩnh vực này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với luật pháp của Việt Nam.
Giới thiệu về thế mạnh của Tập đoàn, ông Liu Leiyun cho biết Tập đoàn mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với Tập đoàn Công nghiệp Than Việt Nam và các đơn vị khác để triển khai hợp tác trong các lĩnh vực khoáng sản quan trọng.
Tại các cuộc gặp lãnh đạo Tập đoàn của Trung Quốc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền thuê đất và nhiều chính sách khuyến khích khác để thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp mới.
Việt Nam đang chủ động chuẩn bị điều kiện cần thiết để tăng cường hợp tác đầu tư như đẩy nhanh quá trình đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ, điện tử và nhiều lĩnh vực khác, theo lời ông Huệ.
Ông nhấn mạnh Quốc hội, Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm thu hút ngày càng nhiều tập đoàn, công ty quốc tế lớn đầu tư sản xuất, kinh doanh thành công tại Việt Nam.