1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Quái vật Thần tốc" sẵn sàng đào hầm đường sắt Nhổn - ga Hà Nội

Quang Phong

(Dân trí) - Máy đào hầm với tên gọi "Thần tốc" dài khoảng 100 m, nặng 850 tấn đã hoàn thành khâu vận hành thử và sẵn sàng cho ngày khoan hầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, robot đào hầm (TBM) thứ nhất mang tên "Thần tốc" đã hoàn thiện 100% công việc lắp ráp và vận hành thử. Còn máy đào hầm thứ hai mang tên "Táo bạo" đã hoàn thiện lắp ráp khoảng 60%.

"Trước Tết Nguyên đán, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đã phối hợp với nhà thầu lắp đặt xong, tiến hành kiểm tra chạy thử máy TBM thứ nhất có tên "Thần tốc". Hiện nay, máy đã đảm bảo 100% các bộ phận và cấu kiện đạt tiêu chuẩn vận hành. Trong thời gian tới, nhà thầu sẽ bàn giao TBM thứ nhất cho chủ đầu tư", ông Lê Trung Hiếu nói.

"Thần tốc" là máy đào hầm metro đầu tiên được đưa về Thủ đô. Máy được thiết kế riêng cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn - ga Hà Nội), được một đơn vị của Đức sản xuất, có chiều dài hơn 100 m, nặng khoảng 860 tấn.

Quái vật Thần tốc sẵn sàng đào hầm đường sắt Nhổn - ga Hà Nội - 1

"Quái vật Thần tốc" sẵn sàng cho ngày đào hầm đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. (Ảnh: Đỗ Linh)

Dự kiến quý II/2021, "quái vật Thần tốc" bắt đầu đào, lắp đặt được những mét hầm đầu tiên. Máy TBM sẽ bắt đầu khoan từ ga S9 (Kim Mã) tới ga S12 (ga Hà Nội) ở cuối đường Trần Hưng Đạo với tổng chiều dài là 4km. Mỗi ngày máy đào được khoảng 10m đường hầm; như vậy, trong hơn 1 năm sẽ đào hết 4km đường hầm đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Ông Lê Trung Hiếu cho hay, quá trình đào, khiên đào có thể phá được bê tông, đá "mồ côi", còn nếu gặp bê tông cốt thép thì phải sử dụng các biện pháp kỹ thuật đặc biệt để xử lý.

Theo ông Lê Quang Hanh - Phó tổng Giám đốc nhà thầu FECON, lắp ráp robot đào hầm TBM là một hạng mục mới tại Việt Nam, đòi hỏi hiểu biết sâu về cấu tạo, nguyên lý hoạt động của loại thiết bị phức tạp này.

"Tuy nhiên, phần lớn nhân sự trực tiếp lắp ráp robot phục vụ Dự án Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã từng tham gia công việc này tại Dự án Metro Line 1 TP.HCM nên không bị choáng ngợp với thiết bị thi công tối tân này và đã có phương án tối ưu nhất để đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra", ông Lê Quang Hanh cho hay.