1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Phụng sự Tổ quốc là trên hết!

(Dân trí) - “Nghề đã chọn con, trách nhiệm phụng sự Tổ quốc đã đặt lên vai con, đặt lên vai những người lính. Dù là thời bình nhưng đã là người lính, luôn phải đối mặt với hiểm nguy, là có thể hi sinh bất cứ lúc nào. Mong con chân cứng đá mềm, bước tiếp con đường vẻ vang mà Đại tá Trần Quang Khải đã đi qua”...

Người dân tới viếng và tiễn đưa Đại tá phi công Trần Quang Khải về đất mẹ quê hương

...Người mẹ của một phi công trẻ tâm sự tại lễ viếng Đại tá Trần Quang Khải.

Thành phố Vinh (Nghệ An) tháng 6, nắng gay gắt từ đầu buổi sáng nhưng cái nắng như thiêu, như đốt không thể ngăn người dân đến viếng, tiễn đưa người lính phi công – Đại tá Trần Quang Khải (SN 1973, quê Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang) – hi sinh khi đang bay huấn luyện trên bầu trời Thanh Hóa - Nghệ An vào ngày 14/6. Những đôi mắt đỏ hoe, những tiếng nức nở nghẹn trong lồng ngực, những gương mặt như sắt lại, nén nỗi tiếc thương khỏi bật thành lời…


Đưa linh cữu Đại tá phi công Trần Quang Khải rời nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 4 (TP Vinh, Nghệ An) về quê mẹ - tỉnh Bắc Giang.

Đưa linh cữu Đại tá phi công Trần Quang Khải rời nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 4 (TP Vinh, Nghệ An) về quê mẹ - tỉnh Bắc Giang.

Những người lính thuộc nhiều thế hệ khác nhau, trong những bộ quân phục thuộc nhiều binh chủng khác nhau nghiêm cẩn đưa những bàn tay ngang vầng trán trong nghi lễ chào tiễn biệt. Nỗi đau của người lính trước sự ra đi của đồng đội nghẹn ứ. Những người lính kiên cường cũng không thể nén nước mắt khi thấy con gái của đồng đội mình đầu đội khăn tang trắng, đôi mắt trong veo ngước nhìn di ảnh cha.

Cháu bé 4 tuổi, chưa cảm nhận được nỗi đau chia lìa, tiễn biệt. Bé vẫn hồn nhiên chỉ vào những cánh hoa được các chú mang ra, cài bên linh cữu bố. Chiếc khăn tang quá rộng so với bé, thỉnh thoảng cứ chuội ra, các cô, các chú đồng đội của bố Khải lại chăm chút đội lại cho bé. Dường như không khí ngột ngạt, nóng bức khiến bé mệt hơn nhưng cháu vẫn ngoan ngoãn để yên cho các chú buộc lại khăn tang.


Con gái của phi công Trần Quang Khải còn quá nhỏ để cảm nhận được nỗi đau chia lìa.

Con gái của phi công Trần Quang Khải còn quá nhỏ để cảm nhận được nỗi đau chia lìa.

Người cô ruột luôn miệng dỗ dành bé: "Con ngoan, con ngoan, mình đi về với bố Khải nhé!". Những người sắt đá nhất cũng không thể ngăn được dòng nước mắt…

Trong những người chờ vào viếng Đại tá phi công Trần Quang Khải có một người phụ nữ là mẹ của một phi công trẻ thuộc quân chủng Phòng không – Không quân. Sắp tới, theo kế hoạch, con trai chị sẽ bước vào giai đoạn huấn luyện bay với máy bay CASA. Chị đến đây để thắp một nén hương viếng anh linh người đồng đội của con trai mình.


Những người đồng đội, đồng chí của đại tá Trần Quang Khải sửa sang lại khăn tang cho con gái anh.

Những người đồng đội, đồng chí của đại tá Trần Quang Khải sửa sang lại khăn tang cho con gái anh.

Người mẹ của chàng phi công trẻ ấy không giấu được những lo lắng cho con trai nhưng rồi chị lại tự động viên chính mình: “Nghề đã chọn con, trách nhiệm phụng sự Tổ quốc đã đặt lên vai con, đặt lên vai những người lính. Dù là thời bình nhưng đã là người lính, luôn phải đối mặt với hiểm nguy, có thể hi sinh bất cứ lúc nào. Mong con chân cứng đá mềm, vững vàng vượt mọi hiểm nguy, gian khổ, bước tiếp con đường vẻ vang mà Đại tá Trần Quang Khải đã đi qua”.

Nhiều người dân ở Nghệ An đi từ 2h sáng, chờ đợi đến 5-6 tiếng đồng hồ để được vào thắp cho Đại tá Trần Quang Khải một nén hương, nén hương của sự xót thương, của niềm thành kính, biết ơn, nén hương đau đớn nhưng không bi lụy. Không nói ra nhưng ai cũng hiểu, là người lính, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào luôn sẵn sàng chấp nhận hi sinh, bởi họ đang mang trên vai sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sự bình yên cho mảnh đất này, sự bình yên đã được đánh đổi bằng máu và nước mắt của biết bao thế hệ đi trước.

Người vợ phi công Trần Quang Khải như hóa đá trước nỗi đau quá lớn mà chị đang phải trải qua.
Người vợ phi công Trần Quang Khải như hóa đá trước nỗi đau quá lớn mà chị đang phải trải qua.

Trong giây phút cuối tiễn anh về với quê hương, với nơi chôn nhau cắt rốn, với cha mẹ già… người vợ của anh không còn nước mắt để khóc chồng. Nỗi đau đớn, mất mát quá lớn của người vợ 4 năm đồng hành cùng anh, 4 năm thay chồng phụng dưỡng bố mẹ già, nuôi dạy con cái như hóa đá. Nhưng chấp nhận làm vợ lính là chấp nhận những thấp thỏm lo âu, là can trường và mạnh mẽ để vượt lên nỗi đau, để sống tiếp, sống cho cả cuộc đời ngắn ngủi nhưng anh dũng của anh – Đại tá phi công Trần Quang Khải.


Cánh tay tiễn biệt người lính phi công - Đại tá Trần Quang Khải về với đất mẹ.

Cánh tay tiễn biệt người lính phi công - Đại tá Trần Quang Khải về với đất mẹ.

Nước mắt rưng rưng tiễn đưa anh về với quê mẹ, cựu thanh niên xung phong Trường Sơn Thái Thị Đương (phường Lê Lợi, TP Vinh, Nghệ An) vẫn chất chứa nỗi niềm: “Đại tá Khải đã được về với quê hương, với gia đình. Nhưng vẫn còn 9 đồng đội của chú ấy… Bản thân tôi cũng như toàn thể nhân dân Nghệ An, nhân dân cả nước đang đợi các anh trở về với gia đình, với quê hương, Tổ quốc”.

Về đi các anh! Tổ quốc lặng yên chờ các anh trở về!

Hoàng Lam