Phúc thẩm vụ kiện giữa hai nhà “Kiều học”: Tình thế đảo ngược
(Dân trí) - Nhà “Kiều học” đất Bắc - Đào Thái Tôn đã đảo ngược tình thế, giành phần thắng trong phiên tòa phúc thẩm với nhà nghiên cứu Truyện Kiều Nguyễn Quảng Tuân. Ông Tôn bị “đồng nghiệp” kiện chiếm đoạt quyền tác giả 4 bài viết đã đăng báo của nguyên đơn.
>> Vụ kiện giữa hai nhà nghiên cứu Truyện Kiều
Phiên tòa sơ thẩm cuối tháng 12/2006 đã ghi nhận phần thắng nghiêng về phía nguyên đơn với bản án kết luận, ông Tôn có hành vi xâm phạm bản quyền khi “trích” nguyên vẹn 4 bài viết về Truyện Kiều của ông Tuân đã đăng báo trong quyển sách của mình.
Cuốn sách Văn bản Truyện Kiều - Nghiên cứu và thảo luận (của PGS.TS. Đào Thái Tôn) in năm 2001. Năm 2003, Ban quản lý di tích Nguyễn Du (Hà Tĩnh) in lại cuốn sách và tác giả của những bài báo được sử dụng trong đó tiếp tục bị “bỏ quên”.
Tuy nhiên, trong phiên tòa phúc thẩm nửa năm sau (ngày 14/6/2007) phía đang nắm lợi thế lại dường như đuối lý trước những câu hỏi vặn của HĐXX. Chủ tọa cho rằng, theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, nhà “Kiều học” phía Nam Nguyễn Quảng Tuân cũng chưa đăng ký tác phẩm của mình để được bảo hộ.
Rất kiêu hãnh, bị đơn rướn người, hùng biện: “Không chỉ là trích nguyên văn 4 bài viết của ông Tuân, xen kẽ giữa các bài tôi đã chỉ 82 điểm sai lầm khi ông nói về Truyện Kiều. Tôi chỉ cố gắng ghi lại trung thực không khí tranh luận để cùng bàn luận, khảo cứu trên khía cạnh khoa học chứ không phải để kinh doanh, thương mại”.
Ông Tôn cũng “thửa” ngay Công ước Berne về những tác phẩm được sử dụng tự do (sử dụng không cần phải xin phép tác giả) trong đó có thao tác trích dẫn.
Đại diện cho nguyên đơn, ông Cù Huy Hà Vũ thì liên tục nhắc lại khoản tiền 51.000đ - giá bìa cuốn sách để cố chứng minh “đối thủ” của ông Nguyễn Quảng Tuân đã dùng những bài viết “trích” trong đó với mục đích kinh doanh, bán sách.
HĐXX cũng đưa ra nhận định, bài của ông Tuân khi được đưa vào cuốn sách không bị cắt xén, sửa chữa, xuyên tạc và có đề tên tác giả, trích dẫn nguồn rõ ràng, không nhằm mục đích kinh doanh. Cuốn sách là một tác phẩm sáng tạo toàn diện của ông Tôn. Ông Tôn nhận được 7 triệu đồng tiền nhuận bút là cho cả quyển sách chứ không phải là nhuận bút cho 4 bài viết của ông Tuân. Việc “trích dẫn” 4 bài viết trong quyển sách của mình là không xâm phạm quyền tác giả của ông Nguyễn Quảng Tuân.
Tòa đã ra phán quyết, chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm: Bác đơn kiện của nhà “Kiều học” đất phương Nam do ông Cù Huy Hà Vũ đại diện tham gia tố tụng.
Cú “lội ngược dòng” thành công của nhà nghiên cứu đã 65 tuổi đời không biết có phải chiến thắng “oanh liệt” với ông. Nhưng người chiến thắng danh tiếng cũng đã “sứt mẻ” đôi phần vì “đối thủ” đã đâm đơn tố cáo ông “đạo văn” tới nhiều cơ quan báo chí cũng như “rêu rao” từ các Viện nghiên cứu, các trường đại học cho tới Ban tư tưởng văn hóa Trung ương.
“Đối thủ” của ông, nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân (hơn 80 tuổi) dĩ nhiên cũng không thể dễ chịu hơn với những thông tin công khai trước tòa như thế. Xem chừng bài học việc trong nhà “đóng cửa bảo nhau” đã không được hai nhà trí thức, hai bậc cao niên vận dụng đúng lúc.
P.Thảo