1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phúc thẩm lần 2 vụ tai nạn Giao thông đường Láng - Hoà Lạc

Sáng nay, TAND tối cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm lần 2 vụ tại nạn giao thông làm chết 2 nữ sinh trên đường Láng - Hoà Lạc. Lần đầu tiên sau 4 phiên xử, công an trực tiếp đo hiện trường có mặt để trả lời về vụ án bị phía nạn nhân cho là cố ý làm sai lệch hồ sơ, chạy tội cho bị cáo.

Phiên phúc thẩm lần 2 được mở theo đơn kháng cáo của 2 gia đình bị hại vì không đồng ý toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm do TAND Hà Nội tuyên tháng 10/2004. Theo họ, vụ án đã bỏ lọt hành vi sai phạm của một số cán bộ có chức quyền, cố tình làm sai lệch hồ sơ ngay từ ban đầu... và yêu cầu xét xử lại theo hướng đây là vụ án đua ôtô trái phép. Còn người gây tai nạn, bị cáo Phạm Hồng Quân (sinh năm 1981) cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt (tòa sơ thẩm tuyên 8 năm tù về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ).

Ngày 19/11/2001, ôtô do Quân điều khiển đâm chết Phạm Phương Linh và Phạm Anh Thư. Vụ án đã qua xét xử ở TAND huyện Từ Liêm, 2 phiên sơ thẩm tại TAND Hà Nội và 1 phúc thẩm ở TAND Tối cao.

 

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại là luật sư Nguyễn Cẩm và Phạm Ngọc Trung. Một tuần trước, luật gia Trần Đình Triển cũng đã nhận bảo vệ bị hại miễn phí vì cho vụ án còn nhiều tình tiết chưa được làm sáng tỏ.

 

Dù TAND Tối cao lùi phiên xét xử gần 1 tháng để có thời gian triệu tập các nhân chứng theo yêu cầu của gia đình bị hại, nhưng hôm nay chỉ hơn 10 người có mặt tại phiên xử.

 

Trong số này có ông Bùi Ngọc Bình (cán bộ cảnh sát điều tra, người trực tiếp tới hiện trường và ký vào biên bản) cùng một số cán bộ Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội. Gần 10 nhân chứng là khách đi taxi của Quân cùng hai tài xế Nguyễn Anh Đức và Mai Xuân Thắng đã không tới toà. Thậm chí giám định viên vụ án là Trần Văn Điểm cũng vắng mặt với lý do ốm.

 

Chấp nhận lý do này, nhưng HĐXX cho rằng, Viện khoa học hình sự có thể cử người khác tham dự phiên toà vì ông Điểm không phải là cán bộ duy nhất thụ lý hồ sơ.

 

Phiên toà nóng lên ngay từ phút đầu của phần thẩm vấn với những câu hỏi sắc sảo của chủ tọa, thẩm phán Nguyễn Minh Mắn. Bị cáo Phạm Hồng Quân khai vào thời điểm xảy ra tai nạn, tại đường cao tốc Láng - Hoà Lạc, mật độ người tham gia giao thông khá đông. Quân chạy xe vận tốc khoảng 60 km/h, có 3 xe máy đi ngược chiều phóng nhanh nên phải lán tay lái sang bên phải, đâm vào hai học sinh Phạm Phương Linh và Phạm Anh Thư đi phía trong khiến 2 em này văng xuống ruộng và chết.

 

Chủ tọa nhiều lần hỏi Quân: "Bị cáo khai mới lấy bằng lái tay nghề còn non, trong khi đường đông người, vậy lý do gì lại phóng nhanh theo lời nhân chứng là với tốc độ kinh hoàng? Có đua ôtô không?". Phạm Hồng Quân không giải thích được và lý nhí trả lời "không đua ôtô" với Mai Xuân Thắng và Nguyễn Anh Đức.

 

Hôm nay, lần đầu tiên Mai Xuân Thắng có mặt tại tòa với tư cách nhân chứng. Hai tay anh ta bị còng vì đang bị bắt trong một vụ án khác. Trong các phiên xử trước, Thắng cố tình không tới tòa theo triệu tập. Mai Xuân Thắng khai cùng chạy trước Quân khoảng 200-250 m. "Nghe Đức báo bộ đàm rằng Quân gây tai nạn, tôi vội quay đầu xe lại", nhân chứng này cho biết. Nhưng theo chứng cứ chủ tọa đưa ra thì Đức chạy sau xe Quân 500 m, không thể biết được xe Quân gây tai nạn để báo tin. Thẩm phán nhận xét "lời khai về khoảng cách là vô lý". Việc Thắng khai đi với vận tốc 60 km/h mâu thuẫn với trình bày của một số người ngồi sau tay lái anh ta rằng Thắng chạy rất nhanh, họ hoảng sợ phải "yêu cầu đi chậm lại".

 

Điều này cũng phù hợp với lời khai của nhân chứng Vũ Phương Minh (học sinh đi cùng nhóm với nạn nhân Phương Linh và Anh Thư): "Cháu thấy hai ôtô màu trắng chạy với tốc độ kinh hoàng, vượt đuổi nhau 1-2 lần. Hai xe va vào nhau, một chiếc lán sang bên phải và rơi xuống ruộng". Chị Trương Bích Thuỷ (người đi đường) khẳng định "có 2 ôtô cùng chiều phóng vượt qua xe máy của chị trong khi chị đang vượt xe tải". Lúc đó, chị Thuỷ phóng với tốc độ khoảng 60km/h nên đoán 2 ôtô "chạy khoảng 100 km/h".

 

Trong nhóm công an thụ lý hồ sơ vụ án được mời đến toà, ông Phạm Đăng Nhàn (Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội) cho biết, đã có mặt ở hiện trường sau 30 phút nghe trực ban đơn vị báo. Ông Nhàn khai có chụp ảnh, nhưng không nhớ là bao nhiêu bức. Chủ tọa hỏi: "Anh có bàn giao ảnh cho những người tiếp theo thụ lý vụ án". Câu trả lời là: "Tôi không nhớ".

 

Tiếp đó, cảnh sát Trần Văn Hồng khai đây là vụ án nghiêm trọng, vượt thẩm quyền giải quyết của cảnh sát giao thông nên điện thoại sang cơ quan cảnh sát điều tra phối hợp giải quyết, nhưng không ai nghe máy.

 

Công an có mặt tại hiện trường lúc đó đã liên lạc với ông Bùi Ngọc Bình (phụ trách đội điều tra tai nạn giao thông của cơ quan cảnh sát điều tra). Lúc này, ông Bình đang ở quê Đan Phượng đã vội tới nơi xảy ra tai nạn. Ấn tượng ban đầu với ông là "hiện trường vừa phức tạp, vừa kinh hoàng". Tuy vậy, ông cũng chỉ bảo cán bộ khám nghiệm làm thật kỹ để về báo cáo chỉ huy, rồi ký vào biên bản.

 

Theo ông Bình, trách nhiệm trong vụ án này thuộc về ông Lại Thế Thịnh (Đội phó đội khám nghiệm, Phòng cảnh sát giao thông).

 

Đến lượt mình trình bày, ông Thịnh cho biết, gần 18h ngày 19/11/2001, nhận được tin báo về vụ án, đã gọi điện thoại sang Viện kiểm sát để phối hợp làm việc, ra lệnh bắt khẩn cấp Phạm Hồng Quân, nhưng không ai trực máy. Kiểm sát viên duy trì công tố tại tòa cho biết, tổng đài của Viện kiểm tra không có số máy gọi đến.

 

Quay trở lại thẩm vấn Phạm Hồng Quân, chủ tọa muốn làm rõ vì sao hai vết phanh để lại hiện trường lại không song song và thu hẹp dần khoảng cách, nhưng bị cáo lại không nhớ gì về diễn biến trong lúc trước khi xảy ra tai nạn xe rơi xuống ruộng. Chủ tọa gợi ý: "Khi phanh xe có bị nghiêng?". Quân đáp: "Tôi không nhớ, không hình dung được". Hỏi: "Sau tai nạn, cô gái ngồi sau là Cẩm Tú ra khỏi xe như thế nào?". Bị cáo trả lời: "Tôi không biết, chị ta bay ra thế nào". Chủ tọa phân tích, xe bị nghiêng bên phải, Quân chui ra từ cánh cửa bên trái mà 2 cánh cửa bên này lại không bị hỏng hay vỡ kính.

 

Câu hỏi đặt ra là Cẩm Tú biến đi đâu? Nghi vấn này nhiều lần được gia đình nạn nhân nêu ra vì họ nghi ngờ Cẩm Tú là nhân chứng giả được dựng lên vờ làm khách gọi taxi để che giấu việc Quân đua ôtô. Đại diện Viện kiểm sát hỏi lại Quân lần nữa về tốc độ của ôtô: "Anh thử 1 lần thành khẩn nói sự thật xem?". Bị cáo vẫn đáp: "Tôi nhìn côngtơmét thấy chỉ vậy".

 

Tương tự Quân, Mai Xuân Thắng khai là tài xế taxi của Công ty Sơn Dương, nhưng lại không biết chút gì về hoạt động của doanh nghiệp này. Thắng còn không nhớ là ngay sau khi xảy ra tai nạn, mình có tiếp tục đến công ty làm việc nữa hay không.

 

Chiều nay, phiên xử tiếp tục làm việc.

 

Theo Vnexpress