Phú Thọ phát hiện 29 ca động vật dương tính với virus dại
(Dân trí) - Phú Thọ vừa chỉ đạo hàng loạt các biện pháp nhằm xử lý dứt điểm các ổ bệnh, không để tái phát, lây lan rộng sau khi phát hiện 29 ca động vật dương tính với virus dại.
UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, giai đoạn 2016-2022 đã phát hiện và xử lý kịp thời 100% ca bệnh dại động vật, giảm mạnh số ca tử vong do bệnh dại gây ra trên người còn 13 ca, giảm 30 ca so với giai đoạn 2010-2015.
Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa bền vững, virus dại vẫn lưu hành ở một số địa phương trong tỉnh Phú Thọ.
Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn Phú Thọ phát hiện 29 ca động vật dương tính với virus dại tại 8 huyện (Tân Sơn, Thanh Ba, Lâm Thao, Phù Ninh, Thanh Thủy, Đoan Hùng, Yên Lập và thành phố Việt Trì).
"Nguyên nhân do công tác chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là quản lý việc đàn chó nuôi và thực hiện các chế tài xử phạt theo quy định.
Hiểu biết và ý thức chấp hành các quy định về phòng chống bệnh dại của phần lớn người dân chưa tốt", UBND tỉnh Phú Thọ nhận định.
Trước thực tế đáng lo ngại đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải vừa có chỉ thị yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm các ổ bệnh dại, không để tái phát, lây lan rộng.
Đặc biệt, ông Hải chỉ đạo khắc phục những hạn chế, xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với lãnh đạo, cán bộ, công chức ở cơ sở thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý, không hoàn thành nhiệm vụ.
Tập trung hỗ trợ vaccine và tổ chức tiêm phòng đàn chó, mèo tại các ổ dịch, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, đặc biệt khó khăn….
Sở Y tế tỉnh Phú Thọ phối hợp liên ngành giám sát, phát hiện sớm bệnh dại; đảm bảo việc tiếp cận vaccine, huyết thanh kháng dại điều trị cho người bị phơi nhiễm.
Lãnh đạo Phú Thọ giao cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sử dụng các kỹ thuật y tế chưa được công nhận (bài thuốc đông y, thuốc cổ truyền, thuốc gia truyền…) để khám và điều trị cho người mắc bệnh dại hoặc người bị chó, mèo cắn.
UBND các huyện, thành phố tổ chức thống kê chính xác số hộ nuôi và số chó, mèo ở từng xã, khu dân cư.
Đồng thời yêu cầu các chủ hộ nuôi chó, mèo ký cam kết nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, khi đưa ra nơi công cộng phải đảm bảo an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm hoặc xích giữ và chấp hành tiêm vaccine phòng bệnh dại theo quy định.