TPHCM:

Phụ huynh đón con đứng dưới lòng đường, ai phải trả tiền cho chỗ đậu xe?

Tâm Linh

(Dân trí) - Trước một trung tâm ngoại ngữ, xe máy và ô tô của phụ huynh đợi đón con dừng, đỗ tràn từ vỉa hè xuống lòng đường gây ùn ứ giao thông. Đây là ví dụ cho tình trạng thiếu không gian đậu xe ở TPHCM.

Khoảng 19h30, xe cộ đi ngang trung tâm ngoại ngữ thiếu nhi trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh) thường phải đi chậm, thậm chí kẹt xe một lúc. Ở TPHCM, tại nhiều trường học, trung tâm dạy thêm... xuất hiện tình trạng tương tự.

"Khi mỗi công trình xảy ra tình trạng thiếu chỗ cho phương tiện cá nhân sẽ vô tình trút gánh nặng lên đất giao thông của thành phố", KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia từng tham gia công tác quy hoạch đô thị tại nhiều thành phố trên thế giới, nhận định.

Phụ huynh đón con đứng dưới lòng đường, ai phải trả tiền cho chỗ đậu xe? - 1

Phụ huynh đón con trước một tòa nhà trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh, TPHCM) chiếm hết nửa làn đường hôm 25/11 (Ảnh: Tâm Linh).

Thiếu chỗ gửi xe từ mặt đường xuống lòng đất

"Tôi để xe ở đây một lát, tôi sẽ quay lại ngay" là câu nói quen thuộc mà nhiều tài xế xin gửi nhờ xe ở những nơi không phải bãi giữ xe.

Các công trình đô thị mọc lên nhưng không cung cấp đủ chỗ để xe, người đến sau phải đậu xe bên ngoài, trên vỉa hè, trên đường, miễn cưỡng hơn là ở bất cứ nơi nào trống họ có thể tìm.

Vào sự kiện khuyến mãi mua sắm Black Friday (thứ 6 cuối cùng của tháng 11) vừa qua, hai trung tâm thương mại lớn ở quận 1 là Vincom và Parkson đón lượt khách đông đột biến so với cuối tuần bình thường.

Hầm gửi xe của các tòa nhà bị quá tải. Xe máy vào hầm đã phải xếp hàng dài gây ùn tắc ngay từ trên đường, khiến giao thông khu vực đường Lê Thánh Tôn (lối vào hầm gửi xe Parkson), đường Lý Tự Trọng (lối vào hầm gửi xe Vincom) và giao lộ 2 đường này với đường Đồng Khởi trở nên kẹt cứng.

Tương tự, tại Công viên bến Bạch Đằng (quận 1) chưa có bãi giữ xe, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ mỗi tối cuối tuần hoặc vào những sự kiện lớn như đường hoa Tết, cổ vũ bóng đá… đón lượt phương tiện đổ về vui chơi rất nhiều, người dân khá chật vật khi tìm chỗ gửi xe.

Sắp tới phố đi bộ Hồ Con Rùa (quận 3) hoạt động, các phương tiện của khách vào hàng quán và dạo phố đang lo lắng không biết để xe ở đâu.

Khu vực trung tâm TPHCM hiện thiếu trầm trọng chỗ đậu xe do quỹ đất ngày càng hẹp. Vỉa hè, lòng đường tại một số tuyến đường đã được tận dụng làm nơi đậu xe có thu phí.

Hơn nữa, phóng viên ghi nhận có những ô tô phải chạy vòng vòng ngoài đường do không tìm được nơi đậu xe, góp phần tăng lưu lượng giao thông ở một số tuyến đường trung tâm.

Năm 2018, Sở Giao thông Vận tải TPHCM thống kê diện tích bến, bãi dành cho phương tiện giao thông trên địa bàn đạt 20% nhu cầu của người dân. Trong đó, bãi gửi xe cá nhân chỉ đáp ứng 1%. Đến nay, đơn vị này cho biết số bãi đậu ô tô của thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 7% nhu cầu.

Thiếu chỗ gửi xe không chỉ do thiếu đất

Tình trạng thiếu chỗ để xe còn xảy ra ở các tòa nhà cao tầng như chung cư, nơi bắt buộc bố trí hầm gửi xe, nhưng vẫn không đủ khiến cư dân là chủ căn hộ cũng phải tìm nơi giữ xe tạm bợ bên ngoài.

Mua căn hộ ở chung cư The Gold View (quận 4) từ năm 2020, đến nay anh Q. vẫn không có được một chỗ đậu ô tô trong hầm, phải gửi bên ngoài. "Vì mua căn hộ theo dạng sang nhượng nên tôi nằm ngoài diện ưu tiên có vị trí đậu xe tại hầm. Những người mua nhà sớm hơn mới có", anh Q. cho biết.

Theo ban quản lý chung cư, chỉ có hơn 380 hộ dân có chỗ đậu xe. Trong khi đó, số lượng căn hộ của chung cư này là 1.905 căn.

Chủ đầu tư đã không thiết kế đủ diện tích bãi gửi xe, trong khi nhu cầu của cư dân ngày càng tăng, là tình trạng chung của nhiều chung cư ở TPHCM.

Phụ huynh đón con đứng dưới lòng đường, ai phải trả tiền cho chỗ đậu xe? - 2

Một bãi giữ xe tư nhân trên đường Chu Mạnh Trinh (quận 1, TPHCM) mọc lên ngay cạnh khu cao ốc văn phòng, chung cư (Ảnh: Hải Long).

KTS Ngô Viết Nam Sơn đánh giá chuyện thiếu bãi giữ xe cũng do khâu quản lý còn yếu. Ông Sơn phản ánh thấy nhiều công trình trong thành phố chưa làm được điều đó, thậm chí có những nơi chưa đáp ứng đủ chỗ gửi xe mà còn cắt bớt diện tích để chuyển đổi thành chức năng khác như kinh doanh thương mại thêm lợi nhuận.

Theo chuyên gia này, để giải quyết vấn đề thiếu chỗ để xe khi chưa thể giảm lượng phương tiện cá nhân, công tác quản lý đô thị của cơ quan chức năng phải siết lại việc xây dựng các dự án. 

"Siết xây dựng nhà cao tầng chỉ giải quyết một phần nào đó. Giờ phải siết thêm các dự án công trình đáp ứng được diện tích bãi giữ xe tương ứng với mục đích sử dụng, đồng thời cần đưa vào quy chuẩn xây dựng đô thị. Thậm chí những dự án công trình mới trong tương lai, phải xây bù cho những nơi thiếu chỗ gửi xe hiện tại", KTS Nam Sơn nói thêm.

Ví dụ có 100 người sử dụng xe máy đi làm ở một văn phòng. Với diện tích trung bình của chỗ để xe máy là 2,5-3 m2/xe, thì công trình đó cần hơn 200 m2 mặt bằng chứa phương tiện cá nhân của họ, chưa kể ô tô. Nếu tính thêm chỗ để ô tô thì ngoài diện tích dành cho mỗi xe còn phải tính thêm lối đi giữa, khoảng trống cho xe tiến lùi ra vào.

Tại từng loại công trình văn phòng, khách sạn, nhà cao tầng, chung cư, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, quán cà phê… chủ đầu tư, người quản lý cần bố trí lượng xe và lượng khách hợp lý.

Trên thế giới, nhiều quốc gia như Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines đã áp dụng quy định yêu cầu chủ đầu tư bất động sản phải thiết kế số lượng chỗ đậu xe tùy vào mục đích sử dụng và kích thước của tòa nhà.

Tại thành phố St. Paul thuộc bang Minnesota nước Mỹ, cơ quan chức năng quy định sân golf cứ mỗi lỗ trên mặt sân phải bố trí 4 ô đậu ô tô, trong một tu viện cứ 3 nữ tu sẽ tính một ô đậu xe.

Thậm chí, Tokyo (Nhật Bản) yêu cầu người mua xe phải chứng minh họ sở hữu một chỗ đậu xe trước khi mua xe. Philippines cũng đang tiến tới biện pháp này, nhằm giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng trầm trọng do những người sở hữu ô tô thường xuyên sử dụng đường công cộng làm chỗ đậu xe, đặc biệt ở các khu đô thị.

Ở Singapore, các cơ quan quản lý đô thị quy định không gian đậu xe tối thiểu tại chung cư là 80-100% chỗ/tổng số căn; các chung cư nằm ở trung tâm đô thị thì chỉ cần 50-80% chỗ/tổng số căn.

Đồng thời để giảm áp lực cho các nhà đầu tư và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, các chung cư nằm trong phạm vi 400m của ga tàu metro được giảm diện tích bãi đậu xe xuống còn 80% so với số lượng căn hộ.

Phụ huynh đón con đứng dưới lòng đường, ai phải trả tiền cho chỗ đậu xe? - 3

Chung cư cao tầng đang được các đô thị đông dân hướng đến nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở. Loại công trình này cũng góp phần tăng áp lực cho giao thông thành phố (Ảnh minh họa: Hải Long).

Ai sẽ trả tiền cho không gian đậu xe?

"Không thể để một mình thành phố gánh vác chi phí cho xe cá nhân. Thành phố gánh bao nhiêu cho đủ", KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu ý kiến.

Theo chuyên gia, các nhà đầu tư, chủ công trình cần có trách nhiệm san sẻ áp lực thiếu không gian giữ xe với thành phố.

Cơ quan quản lý cần yêu cầu những công trình không đủ không gian giữ xe phải đóng phí cho thành phố. Ví dụ một siêu thị được thiết kế để đón 1.000 phương tiện nhưng chỉ đủ chỗ cho 500 xe, thì chủ đầu tư phải đóng góp cho thành phố khoản tiền lẽ ra đã dành xây chỗ gửi 500 xe còn lại. Tương tự với những chung cư, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại…

"Đây cũng là biện pháp khuyến khích những đơn vị tư nhân tự làm bãi giữ xe ở chính công trình của họ, để vừa khỏi đóng phí cho thành phố, vừa giảm áp lực cho diện tích đất giao thông công cộng", ông Sơn cho hay.

Mặt khác, với thực trạng phương tiện cá nhân còn quá nhiều, thì chủ phương tiện cá nhân cũng cần đóng góp, bằng biện pháp tăng phí giữ xe nội thành lên nhiều lần. Thay vì 5.000-10.000 đồng/xe máy trong vài giờ thì có thể tính theo từng giờ. Nơi nào nhu cầu gửi xe càng cao thì mức phí sẽ điều chỉnh cao lên.

Ngân sách từ các khoản đóng góp trên sẽ dùng để bù lỗ cho giao thông công cộng. Chẳng hạn tăng phí giữ xe ở khu quận 1, quận 3 lên gấp vài lần và miễn phí vé xe buýt đi đến các quận này. Ai lựa chọn đi xe cá nhân thì phải trả tiền; ai mất thời gian chờ xe buýt đi chậm hơn thì được miễn phí.

Trong câu chuyện phụ huynh đậu xe đón con chen chúc trên vỉa hè và dưới lòng đường, bên thứ nhất cần chịu trách nhiệm đóng phí cho thành phố vì thiếu không gian đậu xe là người quản lý trung tâm ngoại ngữ, hoặc chủ đầu tư tòa nhà, hoặc cả hai.

Bên cạnh đó, chính những phụ huynh vì không tìm được chỗ đậu xe chờ con mà phải đứng dưới lòng đường gây cản trở giao thông, cũng cần trả phí cho thành phố.

Chuyên gia cho rằng nếu các biện pháp được thực hiện đồng thời, đồng bộ và cứng rắn, TPHCM sẽ vừa giảm được lượng phương tiện cá nhân, vừa giải quyết được chuyện thiếu không gian tĩnh cho xe.

Theo khoản 5 điều 3 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT, bãi đậu xe là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ dùng để đỗ phương tiện giao thông đường bộ.

Từ tháng 8/2018, TPHCM tổ chức thu phí đậu ô tô trên 23 tuyến đường tại các quận 1, 5, 10 với khoảng 1.000 vị trí đậu xe; hiện đã giảm xuống còn 20 tuyến đường thu phí với 822 vị trí đậu xe.

Sở Giao thông Vận tải TPHCM đề xuất mức phí thấp nhất 20.000-25.000 đồng/xe/giờ đầu tiên, có thể lên đến 40.000 đồng/xe/giờ, cao hơn rất nhiều so với mức phí thời điểm ấy là 5.000 đồng/lượt. Mức giá tăng đột ngột từng gây tranh cãi.

TPHCM hiện có hơn 9 triệu dân. Cục Cảnh sát giao thông thống kê đến tháng 8/2022, TPHCM quản lý gần 9 triệu phương tiện (khoảng 800.000 ô tô, trên 8 triệu xe máy), chưa tính các loại khác như xe điện 2 bánh, xe đạp, xe tự chế… và từ các địa phương khác đi vào thành phố. 

TS Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright Việt Nam) phân tích dự kiến theo kịch bản của hiện trạng phát triển thì đến năm 2030 TPHCM sẽ có 847.000 ô tô và 9,6 triệu xe máy.

"Cộng với dân số tăng thêm và trừ số người chuyển sang giao thông công cộng, thì nhu cầu diện tích đất giao thông ở địa phương sẽ phải tăng hơn 50%. Gánh nặng của giao thông của thành phố như thế nào, không khó để hình dung", ông Du cho biết.