“Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn còn nhiều bí ẩn cần khám phá”
(Dân trí) - Sở hữu hệ thống hang và sông ngầm Karst đặc sắc nhất thế giới cùng hàng trăm loài động thực vật “sách đỏ” trong đó có nhiều loài đặc hữu, Phong Nha - Kẻ Bàng được đánh giá là ẩn chứa nhiều giá trị bí ẩn với nhiều “vùng trắng” chưa khám phá.
Được biết VQG Phong Nha - Kẻ Bàng vừa đệ trình hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản TNTG về đa dạng sinh học. Như thế có nghĩa là trong một VQG, có thể có đến hai di sản?
Từ năm 2005, được sự đồng ý của Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL), UBQG UNESCO của Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Bình, chúng tôi đã tiến hành xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Phong Nha - Kẻ Bàng là DS TNTG lần thứ hai về tiêu chí đa dạng sinh học. Như vậy, nếu được công nhận lần thứ hai thì DS TNTG Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ vẫn là DS TNTG Phong Nha - Kẻ Bàng nhưng giá trị của Di sản sẽ được tăng lên rất nhiều lần. Do đó, có thể nói nếu được công nhận, Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ trở thành một DS TNTG “hai trong một”.
Nhắc đến Phong Nha - Kẻ Bàng, phần đông đại chúng chỉ nghĩ đến hai hang động có khai thác du lịch (Phong Nha, Tiên Sơn) và mới đây nhất là hang Sơn Đoòng lớn nhất thế giới. Về đa dạng sinh học, Phong Nha - Kẻ Bàng có gì đặc biệt?
Một gốc Bách xanh núi đá.
Do địa hình khối núi đá vôi tương đối độc lập cùng với sự độc đáo của địa chất địa mạo, nên Phong Nha - Kẻ Bàng không những có tính đa dạng sinh học cao mà còn là trung tâm phân bố của nhiều loài động thực vật đặc hữu hẹp. Phong Nha - Kẻ Bàng là nơi có mặt của 419 loài thực vật đặc hữu của Việt Nam, trong đó có 2 loài đặc hữu rất hẹp chỉ thấy ở PN-KB và các khu vực núi đá đó là loài Bách xanh núi đá Calocedrus rupestris và loài Oligoceras eberhardtii (thuộc chi đặc hữu đơn loài Oligoceras nằm trong họ Thầu dầu Euphorbiaceae). Loài Bách xanh núi đá mọc ưu thế trên núi đá vôi, ở độ cao trên 700m với diện tích trên 2500 ha được coi là kiểu rừng duy nhất trên thế giới có tầm quan trọng đặc biệt toàn cầu. Ngoài ra, còn có tới 40 loài động vật đặc hữu cho dãy Trường Sơn, trong đó có 30 loài đặc hữu cho Việt Nam, đặc biệt có tới 23 loài đặc hữu hẹp mới chỉ tìm thấy ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Đây là cơ sở khoa học quan trọng trong hồ sơ đề nghị UNESCO lần này.
Được biết, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng vừa được mở rộng về diện tích, đồng nghĩa với việc giá trị đa dạng sinh học chưa dừng lại ở con số này?
Diện tích các "vùng trắng" trong VQG PN-KB vẫn còn rất lớn.
Không chỉ đa dạng sinh học, ngay cả hệ thống hang động Karst vẫn còn nhiều bí ẩn. Theo những ước tính tổng thể thì hệ thống hang động ở đây phải trên 300 hang động lớn nhỏ, tuy nhiên hiện mới chỉ khảo sát và đo vẽ được khoảng 1/5 số hang động đó. Nếu khảo sát kỹ, biết đâu hang Sơn Đoòng lớn nhất thế giới vừa được phát hiện sẽ trở thành hang lớn thứ hai, thứ ba.
Những giá trị của thiên nhiên, bên cạnh việc bảo tồn cần nhắc đến khả năng khai thác để phục vụ con người. Nhưng dung hòa hai khía cạnh này cũng là một vấn đề?
Để làm được cả 2 việc đó, cần dung hòa sự xung đột là vừa bảo tồn, nhưng vừa phải khai thác sinh lợi và giảm áp lực của con người lên VQG. Hiện vùng đệm của Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc địa phận 13 xã, với hơn 50.000 dân sinh sống. Trong đó có rất nhiều người từ bao đời nay luôn ở gần rừng, sống dựa vào rừng và điều đó đã tạo nên nhiều áp lực. Để các giá trị của di sản được bảo vệ tốt mà người dân vẫn đảm bảo được cuộc sống, cần tạo được sinh kế cho họ.
Việc khai thác du lịch đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 600 người chèo thuyền, 300 thợ ảnh, hàng nghìn người kinh doanh nhà hàng, khách sạn… Tuy nhiên, để tạo được sinh kế ổn định cho phần lớn người dân trong vùng đệm nhằm giảm thiểu các áp lực lên Di sản vẫn rất cần sự hợp tác chặt chẽ của nhiều phía. Chúng tôi coi nhiệm vụ bảo tồn là hàng đầu, đồng thời phải đảm bảo lợi ích hài hòa giữa yêu cầu bảo tồn với nhu cầu phát triển. Kể từ khi được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới cho đến nay, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn chưa một lần bị UNESCO cảnh báo.
Thống kê 9 tháng đầu năm cho những con số đáng phấn khởi trong bối cảnh suy thoái kinh tế: lượng du khách đến Phong Nha - Kẻ Bàng là 270.000 lượt, doanh thu 11 tỷ đồng. Nhưng có ý kiến cho rằng Phong Nha - Kẻ Bàng chưa có phương án phát triển du lịch bền vững?
Đúng là Phong Nha - Kẻ Bàng hiện chưa có quy hoạch phát triển du lịch bền vững. Chúng tôi đang hợp tác với tổ chức GTZ (CHLB Đức) xây dựng quy hoạch phát triển du lịch bền vững, đồng thời phối hợp với tổ chức FFI xây dựng Quy chế quản lý các họat động du lịch. Hiện các hoạt động du lịch hiện nay vẫn đang được quản lý và vận hành hướng tới việc phát triển bền vững.
Cũng qua hai con số này cộng với thực tế du khách đến Phong Nha - Kẻ Bàng ít khi lưu trú dài ngày, có thể thấy việc phát triển du lịch ở đây chưa xứng với tiềm năng của một DS TNTG. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
Hệ thống hang động Karst ở Phong Nha - Kẻ Bàng mang sức hút rất lớn với du khách, nhưng phát triển du lịch bền vững vẫn luôn là một thách thức.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các tổ chức đồng thời xem xét hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để khai thác và phát triển các hoạt động du lịch, đặc biệt là đưa vào khai thác loại hình du lịch sinh thái.
Theo tổng kết của UB Di sản thế giới, hàng năm cứ mỗi địa danh được công nhận Di sản thế giới sẽ mang lại lợi ích kinh tế hơn 500 triệu USD về du lịch, quảng bá, thu hút đầu tư. Hy vọng rằng lần này Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ được UNESCO công nhận lần hai, đó sẽ là “cú hích” để phát triển lên một mức cao hơn nữa.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Hồng Kỹ
(Thực hiện)