Phong cách sống bình dị của Đại tướng qua lời kể người thân
(Dân trí) - “Bác sống rất giản dị, mỗi lần về quê bác chỉ thích ăn những món ăn dân dã, nghe những làn điệu hò khoan, ân cần thăm hỏi bà con lối xóm, căn dặn con cháu phát huy tính tự lập, không được ỷ lại và không làm ảnh hưởng đến gia phong, dòng họ…”
Từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và được coi là một trong những danh tướng hàng đầu thế giới nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn là người sống rất giản dị, đời thường, chí công vô tư, luôn nghĩ đến tương lai của đất nước, sự ấm no của nhân dân và đặc biệt luôn dành sự yêu thương hết mực đối với con, cháu cùng bà con lối xóm.
Trong tâm tưởng của ông Võ Đức Tôn (77 tuổi, cháu gọi Đại tướng bằng bác) vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm trong những lần Đại tướng về thăm quê, được ngồi bên bác ăn bữa cơm đạm bạc, thân mật. Chính ông Tôn cũng là người được Đại tướng giao trọng trách thay bác điều hành chi, phái và dòng họ. Ông Tôn cũng được Đại tướng rất mực thương yêu, lần nào về quê bác cũng ân cần dặn dò ông khuyên răn con, cháu giữ vững gia phong. Tuyệt đối không được để cho con, cháu sau này làm những việc trái với đạo lý, lương tâm và ảnh hưởng đến đất nước.
Cầm trên tay những tấm ảnh chụp chung với Đại tướng, giọng ông Tôn nghẹn ngào: “Thật sự bác đã đi thật rồi sao, bác ra đi mà con, cháu ở quê không kịp nhìn mặt bác lần cuối”. Xúc động một hồi lâu, ông Tôn kể lại: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1955, Đại tướng mới có cơ hội về thăm lại quê hương. Cũng lần đó, ông Tôn được gặp mặt bác lần đầu tiên. Lúc đó ông Tôn đang tham gia lao động tại Hợp tác xã thì biết bác về thăm. Ấn tượng đầu tiên của ông là sự thân thiện, gần gũi của một vị Đại tướng đối với người dân quê nhà.
Lúc còn nhỏ, ông Tôn cũng đã được nghe ba mình kể về sự chăm chỉ, ham học của bác Giáp. Hễ đi đâu bác cũng mang theo cuốn sách bên mình, khi thì ra gốc gây lộc vừng trước nhà, khi thì gốc mít, gốc khế vừa ngồi hóng mát vừa đọc sách. Đến lúc 14 tuổi, bác Giáp rời quê đi lên thành phố học tập. Năm 1936, bác quay trở lại thăm quê rồi sau đó tập hợp mấy anh em trong xóm (có cả ba ông Tôn) để giác ngộ lý luận cách mạng, rồi bác đưa sách báo hướng dẫn, tuyên truyền bà con đi theo Đảng, theo cách mạng.
Ông Tôn kể tiếp, hồi trước anh trai ông là Trung tá Võ Xuân Viên khi đi đánh trận về là được bác hỏi han rồi bày cho các chiến thuật, binh pháp đánh giặc. Khi ông Viên đau nặng do ảnh hưởng chất độc từ chiến trường B2, phải vào điều trị tại bệnh viện Quân y, bác cũng đến hỏi thăm, nói nếu chữa được sẽ giúp sang Liên Xô điều trị. Tuy nhiên, bệnh của anh quá nặng và đã không qua khỏi.
Ông Võ Hữu Hiến (68 tuổi, người gọi Đại tướng bằng chú) sau khi nghe một người cháu từ Tiệp Khắc điện về báo tin Đại tướng đã từ trần thì hết sức đau buồn, nhưng ông vẫn hoài nghi và không tin. Suốt đêm qua, ông Hiến cứ trằn trọc chỉ mong cho trời mau sáng để về đây xem thực hư. Trời vừa sáng, ông Hiến vội vã chạy xe từ xã miền núi Trường Thủy về đến sân nhà thì chân tay rụng rời khi thấy bà con, lối xóm tập trung rất đông tại nhà lưu niệm Đại tướng khóc than trong sự tiếc thương vô hạn.
Riêng đối với ông Võ Đại Hàm, người hơn 30 năm trông giữ ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng, Đại tướng là một người chí công vô tư, không vì tình riêng mà ảnh hưởng đến lợi ích tập thể. Khi đưa bố mình là Liệt sĩ Võ Quang Nghiêm về quê an táng, chính quyền địa phương có ý đưa cụ vào khu vực dành cho các vị anh hùng, ông đã ngăn lại và bảo ba tôi là liệt sĩ chứ có phải là anh hùng đâu, cứ đặt đúng chỗ. Rồi một lần khác, chính quyền cũng muốn đưa mẹ của ông vào nghĩa trang liệt sĩ xã nhưng ông không cho và dặn cứ chôn cất theo người bình thường.
Đại tướng rất thích nghe những làn điệu Hò khoan, lần nào về quê bác cũng có tâm nguyện muốn nghe những điệu hò khoan của quê hương. Mỗi lần nghe là bác cứ say sưa như nhập tâm vào từng điệu nhạc. Đặc biệt, bác cũng rất nghe bài hát “Quảng Bình quê ta ơi”…Ông Hàm cũng kể rằng: Bác rất thích ăn các món ăn dân dã như cá khô, tép, rau muống luộc, rau lang…
Đại tướng đã ra đi nhưng phong cách, lối sống giản dị của ông vẫn được các thế hệ sau noi gương và học hỏi.
Đăng Đức – Đặng Tài