Phó Thủ tướng trăn trở vì 3 Chương trình mục tiêu quốc gia "luôn luôn chậm"
(Dân trí) - Là người trực tiếp chỉ huy triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thừa nhận nhiệm vụ này luôn luôn chậm là vấn đề trăn trở.
Sáng 13/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Tờ trình của Chính phủ về kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2023 và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tiến độ phân bổ, sử dụng nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 tại trung ương và các cấp địa phương đều chậm.
Nhiều khó khăn, vướng mắc được ông Dũng đề cập như vướng mắc về thể chế, chính sách trong việc áp dụng quy định của một số luật chuyên ngành.
Bên cạnh đó, theo ông Dũng còn có vướng mắc mang tính đặc thù của một địa phương, chưa phù hợp với mặt bằng pháp lý áp dụng chung trên cả nước.
Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ đề xuất trình Quốc hội cho phép HĐND cấp tỉnh được phân cấp cho UBND cùng cấp quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, kế hoạch, mô hình phát triển sản xuất trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Chính phủ cũng đề xuất giao kế hoạch đầu tư công trung hạn với các dự án, công trình dự kiến áp dụng cơ chế đặc thù; cho phép địa phương được sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách tự cân đối ủy thác qua hệ thống ngân hàng chính sách, để cho các đối tượng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia vay vốn tín dụng ưu đãi.
Ngoài ra, Chính phủ đề xuất kéo dài thời hạn thực hiện, giải ngân đến hết 31/12/2024 đối với vốn ngân sách Nhà nước của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân hết trong năm 2023, để đảm bảo đủ nguồn lực cho địa phương tiếp tục triển khai thực hiện.
Thí điểm phân cấp cho cấp huyện chủ động quyết định, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, cũng là một đề xuất được Chính phủ trình lên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và nhiều ý kiến trong phiên họp cơ bản ủng hộ các đề xuất của Chính phủ và cho rằng nên đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Là người trực tiếp chỉ huy triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thừa nhận việc triển khai luôn luôn chậm là vấn đề trăn trở.
Về việc chuyển nguồn, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đề xuất với Quốc hội chuyển nguồn của năm 2023 sang năm 2024. Qua đó, Chính phủ đã đề nghị các địa phương bằng mọi giá phải giải ngân hết nguồn vốn năm 2023.
"Các địa phương đã cam kết điều này", theo lời Phó Thủ tướng.
Cho rằng không chỉ vướng luật, Phó Thủ tướng nêu thực tế vướng cả những quy định, nghị định và thông tư. Ông mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ ban hành Nghị quyết giám sát để tháo gỡ vướng mắc việc thực hiện các chương trình này.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, về cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với 6 chính sách có tính đặc thù Chính phủ đề nghị, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Ông đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn chỉnh tờ trình, lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, báo cáo đánh giá tác động, nêu một số nguyên tắc, tiêu chí cụ thể để thực hiện những cơ chế này.
Chính phủ được yêu cầu sớm gửi các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra chính thức nội dung này trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
3 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Báo cáo kết quả của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chính phủ cho biết mục tiêu về tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số bình quân đạt 3,4% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao).
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2022 là 4,03% - giảm 1,17% - đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ghi nhận có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 11,3% so với cuối năm 2020).
Bên cạnh đó, Chính phủ cho biết có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 90 đơn vị so cuối năm 2020.