1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phó Thủ tướng: “Sự cố môi trường biển miền Trung là bài học cảnh tỉnh”

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, sự cố ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra là “bài học cảnh tỉnh, yêu cầu chúng ta phải nghiêm túc nâng cao chất lượng đánh giá dự án, đánh giá môi trường”.


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại hội nghị sáng 9/1.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại hội nghị sáng 9/1.

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường sáng nay 9/1.

Nhắc lại sự cố ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương trong việc buộc Formosa phải thừa nhận vi phạm và bồi thường thiệt hại.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý môi trường, công tác quản lý môi trường của Formosa.

“Khi đáp ứng đủ điều kiện thì mới cho phép hoạt động theo đúng thiết kế. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ cả những cơ sở gây ô nhiễm môi trường khác nữa. Xử lý nghiêm nếu tiếp tục vi phạm”- Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Theo Phó Thủ tướng, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng nghiêm trọng, làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái rừng, biển, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng nguồn nước.

Việc quản lý tài nguyên, đất đai dù đã được tăng cường nhưng thất thoát, lãng phí vẫn là những vấn đề rất bức xúc. “Sử dụng đất đai kém hiệu quả ở một số nơi còn rất rõ. Đầu tư phát triển đô thị, cơ sở sản xuất theo phong trào gây thất thoát vốn đầu tư, thất thoát cả đất đai vì không được đưa vào khai thác sử dụng theo đúng mục tiêu ban đầu”- Phó Thủ tướng nhận xét.

Trong khi đó vẫn còn không ít cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, gây bức xúc dư luận. “Cứ đi làm thủ tục, hồ sơ nào đó liên quan đến đất đai mới thấy rất rõ việc này. Bộ Tài nguyên và Môi trường phải nghiêm túc xem xét lại, bởi những người thừa hành công vụ theo phân cấp quản lý vẫn còn khiến người dân kêu ca, chưa hài lòng. Một bộ phận cán bộ công chức chưa thực sự có trách nhiệm phục vụ người dân”- ông Dũng nói.

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định trong năm 2017 ngành tài nguyên môi trường sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kịp thời.

Ô nhiễm môi trường còn nhiều phức tạp

Báo cáo tổng kết năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định “ô nhiễm môi trường còn nhiều phức tạp”; vẫn còn một số lượng lớn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý. Cụ thể, còn 44/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và 268/435 cơ sở theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ chưa hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kéo dài, trong đó có 136 cơ sở chậm tiến độ.

Nước thải sinh hoạt nhiều đô thị, khu dân cư chưa được xử lý; rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp chưa được quản lý tốt, gây ô nhiễm môi trường.

Tại các lưu vực sông, ô nhiễm và suy thoái chất lượng nước tập trung ở vùng trung lưu và hạ lưu, nhiều nơi ô nhiễm nghiêm trọng. Các khu vực ô nhiễm tồn lưu chậm được xử lý, cải tạo, phục hồi dẫn đến ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm. Diện tích các hệ sinh thái tự nhiên giảm mạnh, đa dạng sinh học tiếp tục bị suy thoái nhanh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định năm 2017 sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đồng thời rà soát ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, phân định rõ trách nhiệm trong bảo vệ môi trường làng nghề, nông thôn, xử lý các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Suy thoái đất diễn ra nhanh dưới tác động của biến đổi khí hậu

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết tình trạng suy thoái đất diễn ra nhanh dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và hoạt động sản xuất. Dự báo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 838 nghìn ha đất bị nhiễm mặn, hơn 400 ha bị nhiễm phèn. Vùng Trung du và miền núi phía Bắc Bộ có khoảng 2.280 nghìn ha bị suy thoái, có nguy cơ trượt lở. Vùng duyên hải Nam Trung Bộ có gần 56 nghìn ha đất bị nhiễm mặn, 760 nghìn ha bị hoang hoá, sa mạc hoá.

Trong khi đó tình trạng sa mạc hoá ở các tỉnh Nam Trung Bộ và tình trạng sụt lún kết hợp với nước biển dâng làm ngập lụt toàn bộ Đồng bằng Sông Cửu Long rất đáng lo ngại, sẽ là nguy cơ rất lớn đối với phát triển kinh tế- xã hội nếu không kịp thời có các giải pháp tổng thể.

Việc phát triển các khu đô thị mới, khu công nghiệp chưa hợp lý đã tạo nên nhiều khu đất nông nghiệp bị xen kẹt ô nhiễm, bỏ hoang. Diện tích đất đã được nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích nhưng chậm đưa vào sử dụng còn lớn; khiếu nại tố cáo, tranh chấp đất đai vẫn còn phức tạp (chiếm 70% số vụ việc khiếu nại hành chính). Việc tổ chức thực thi ở một số địa phương còn hạn chế, chưa thực sự quyết liệt, buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm ở một số nơi.

Cải cách hành chính đã được đổi mới trong các quy định nhưng chưa thực thi đầy đủ, vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính, chưa đáp ứng được sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

“Tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng cả về mức độ, quy mô. Rừng đầu nguồn bị suy giảm làm giảm nguồn sinh thuỷ là nguyên nhân góp chính góp phần làm cho nguồn nước cạn kiệt, thiếu nước trong mùa khô và gia tăng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trong mùa mưa lũ”- Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá.

Lập ngay đề án chống ô nhiễm không khí ở Hà Nội

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương phối hợp với với bộ ngành, địa phương liên quan xây dựng đề án chống ô nhiễm môi trường không khí ở các độ thị lớn, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội.

“Những ngày qua ô nhiễm môi trường không khí ở Thủ đô ở mức cao, đe doạ tới chất lượng cuộc sống, sức khoẻ của người dân. Phải phối hợp với các đô thị lớn để cùng xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, đề án giảm chất thải khí thải, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Xử lý nghiêm mọi vi phạm theo pháp luật, xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thế Kha