1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phó Thủ tướng: Phong toả tài sản ngay từ giai đoạn khởi tố, điều tra

(Dân trí) - Nhận định việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ là rất lớn, Phó Thủ tướng đề nghị trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong quá trình phát hiện, kê biên, phong tỏa tài sản của người vi phạm pháp luật hình sự.

Tại hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2019 sáng 15/11 do Bộ Tư pháp tổ chức, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình biểu dương, đánh giá cao các kết quả và thành tích của Bộ Tư pháp, hệ thống thi hành án dân sự.

Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh kết quả, tiến bộ đã đạt được, hoạt động thi hành án dân sự, hành chính vẫn còn một số điểm cần lưu ý. Đó là vẫn còn một số sai sót, vi phạm của chấp hành viên, công chức trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án. Số công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật tuy giảm so với năm 2017 nhưng vẫn còn nhiều, 17 trường hợp.

Số vụ việc và số tiền chuyển kỳ sau tuy giảm nhưng vẫn còn nhiều; một số việc tồn đọng từ nhiều năm qua chưa được giải quyết dứt điểm.

“Riêng đối với việc thi hành án hành chính, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm 2018, nhưng kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan nhà nước trong việc chấp hành các bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật còn chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt” - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình chỉ đạo tại hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2019 (Ảnh: Nguyễn Trường).
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình chỉ đạo tại hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2019 (Ảnh: Nguyễn Trường).

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp, hệ thống thi hành án dân sự tập trung tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thi hành án dân sự để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời sơ kết việc tổ chức thi hành Luật Thi hành án dân sự và Nghị định hướng dẫn thi hành; rà soát các vướng mắc trong việc thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu; nghiên cứu giải quyết việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành đã tồn đọng nhiều năm.

“Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chức thi hành án dân sự, tập trung, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Nhận định việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ là rất lớn, Phó Thủ tướng đề nghị trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong quá trình phát hiện, kê biên, phong tỏa tài sản của người vi phạm pháp luật hình sự.

“Có kê biên, phong tỏa, niêm phong tài sản thật tốt thì quá trình thi hành án mới thi hành tốt. Nhưng đối với thi hành án, là giai đoạn kế tiếp cũng phải tiếp tục cũng phải phát hiện, xác minh, thực hiện nhiệm vụ của mình… Đây là một hệ thống liên hoàn và cuối cùng công lý được thực thi là như thế. Phát huy hết trách nhiệm của hệ thống tư pháp” - ông nhấn mạnh.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng tăng cường các biện pháp truy tìm, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tịch thu tài sản do phạm tội mà có; có cơ chế thẩm định, định giá đối với các tài sản kê biên trong quá trình tố tụng để có căn cứ đảm bảo tính khả thi trước khi phán quyết phần dân sự.

“Đề nghị VKSND Tối cao quan tâm kiểm sát việc việc tuân theo pháp luật của các đối tượng là người phải thi hành án chây ỳ, tẩu tán tài sản; đồng thời, tăng cường kiểm sát thi hành án hành chính. TAND Tối cao tiếp tục kịp thời giải quyết đối với các tranh chấp, yêu cầu về xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản; kịp thời giải thích bản án, quyết định tuyên, bảo đảm tính khả thi” - Phó Thủ tướng nêu rõ.

Theo báo cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự, năm 2018 đã thi hành xong hơn 570.000 việc, đạt tỷ lệ 80,30%; về tiền, đã thi hành xong hơn 34.520 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 23,35%.

Ngành thi hành án đã thực hiện theo dõi 363 bản án hành chính, quyết định của tòa án; ban hành văn bản thông báo về trách nhiệm tự nguyện thi hành án đối với 336 việc; đăng tải công khai 57 quyết định buộc thi hành án; tổ chức làm việc với người phải thi hành án 128 việc; kiến nghị xử lý 13 trường hợp.

Bộ Tư pháp đã tiếp 691 lượt công dân, giảm 97 lượt so với năm 2017. Toàn hệ thống đã giải quyết xong 3.090 việc/3.171 việc thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 97,13%. Việc thi hành các khoản nợ của các tổ chức tín dụng; thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế được tập trung chỉ đạo quyết liệt.

Nguyễn Trường