Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Tăng cường thu hồi tài sản bị thất thoát
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023 diễn ra chiều 19/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, năm 2022 dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội đã có những bước phục hồi, phát triển tích cực.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ Tư pháp đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu chung nổi bật về phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước trong khi nhiều nước trên thế giới còn gặp khó khăn. Nổi bật là, toàn ngành tư pháp đã tập trung rà soát một khối lượng rất lớn, gần 28.000 văn bản để từ đó bổ sung, sửa đổi, thay thế, bãi bỏ gần 6.000 văn bản, trong bối cảnh Chính phủ tổ chức triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ Tư pháp đứng đầu trong các bộ, ban, ngành về cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
Lần đầu tiên, Bộ Tư pháp phối hợp cùng các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ về định hướng xây dựng pháp luật cho giai đoạn 5 năm tới; tham gia với vai trò chính trong việc xây dựng dự thảo Nghị quyết 27 của Trung ương về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Đây là những công việc hết sức quan trọng.
Bộ Tư pháp cũng đã tham gia thẩm định Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành, theo đúng tinh thần của Trung ương là bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đến nay, Chính phủ đã ban hành hầu hết các nghị định quy định chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế nhất định của công tác tư pháp như: chất lượng pháp luật trong một số lĩnh vực còn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu; công tác tổ chức thi hành pháp luật chưa có giải pháp thực sự đột phá, nhất là trong việc đảm bảo tính răn đe nên hiệu quả chưa cao. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có việc còn hình thức, nội dung chưa thực sự phù hợp với đối tượng, địa bàn…
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Bộ Tư pháp cần tiếp tục quán triệt, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, chính xác các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các nhiệm vụ đã được xác định cụ thể tại Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác tư pháp.
Nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, pháp luật về tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật; xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát, giám sát giữa các cơ quan trong thi hành pháp luật. Các Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng yêu cầu triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính được Quốc hội giao. Đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo…
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long hứa tiếp thu đầy đủ và quán triệt sâu sắc trong toàn ngành các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục phấn đấu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao.
Báo cáo kết quả công tác của Bộ Tư pháp cho thấy, năm 2022 đã thi hành xong về tiền đạt trên 75.000 tỷ đồng, tăng trên 64% so với năm 2021. Trong đó, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt khoảng 16.000 tỷ đồng, tăng gần 12.000 tỷ đồng so với năm 2021; số tiền thi hành án đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng cũng tăng gần 24% so với năm 2021.
Công tác thi hành án hành chính đã có nhiều khởi sắc. Các vụ việc thi hành án hành chính đều được theo dõi, đôn đốc kịp thời; trong năm 2022 có 429 vụ việc đã được thi hành xong.