1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phó Thủ tướng: Phải giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm dịp Tết

(Dân trí) - Ngày 26/12, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã chủ trì cuộc họp tổng kết công tác năm 2014 của Ban Chỉ đạo.

2014 - hơn 9.000 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm

Theo Phó Thủ tướng, trong năm 2014, ngành Y tế và các Bộ, ngành liên quan đã phối hợp chặt chẽ trong lĩnh vực kiểm tra, kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), mang lại hiệu quả tích cực, góp phần lập lại trật tự kỷ cương trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Bộ NN&PTNT đã tổ chức kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản trên phạm vi toàn quốc.

Ngành Y tế lập 5 đoàn kiểm tra ATTP  tại một số địa bàn trọng điểm, tổ chức các đoàn kiểm tra tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, bếp ăn tập thể, qua đó, xử phạt vi phạm hành chính hơn 3 nghìn cơ sở.

Lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã kiểm tra, xử lý hơn 9.000 vụ vi phạm về ATTP, phạt hành chính trên 31 tỷ đồng. Các đơn vị cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường trong toàn quốc đã phát hiện hơn 21 nghìn vụ vi phạm pháp luật về ATTP với 661 tổ chức, 1.320 cá nhân vi phạm; xử lý hành chính 1.253 vụ với tổng số tiền phạt trên 12 tỷ đồng.

Tuy nhiên, công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm còn một số bất cập, cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng: Phải giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm dịp Tết

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị của Ban chỉ đạo Trung ương về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ảnh: Chinhphu.vn).

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan đến nhiều khâu, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân, bởi vậy các cấp, ngành, địa phương phải quyết tâm, quyết liệt thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Việc đảm bảo chất lượng thực phẩm phải làm đồng bộ từ trồng trọt, thu hoạch, vận chuyển, chế biến, trong đó khâu đầu và khâu cuối cần phải được chú trọng”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Đơn cử việc thí điểm đặt máy xét nghiệm ATTP lưu động tại chợ ở các thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM) để người dân mua hàng và kiểm tra ngay sẽ nâng cao ý thức cả người bán lẫn người mua, tẩy chay những thực phẩm không an toàn. Trong khi việc triển khai các chương trình kiểm soát dư lượng hóa chất kháng sinh ở các trang trại chăn nuôi, các hộ trồng rau, quả thì cần sự tham gia của các đoàn thể địa phương như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân…

Cao điểm đảm bảo an toàn thực phẩm Tết

Trước mắt, Phó Thủ tướng lưu ý các bộ ngành cần thực hiện tốt kế hoạch của Ban Chỉ đạo về bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi và Lễ hội Xuân 2015, trong đó, những quy định về ATTP có liên quan đến DN cần được rà soát, triển khai sớm để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời xử lý nghiêm, kiên quyết các trường hợp vi phạm.

“Bộ Y tế cần chuẩn bị báo cáo về kế hoạch bảo đảm VSATTP dịp Tết Nguyên đán trong cuộc họp giao ban trực tuyến cuối năm giữa Chính phủ với các địa phương sắp tới để Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo cụ thể, trực tiếp”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Đồng thời, Phó Thủ tướng nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP là phải tuyên truyền bằng mọi cách, đơn giản nhất để người dân hiểu và lựa chọn được các loại thực phẩm sạch, hợp vệ sinh trong tiêu dùng.

Để bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi và Lễ hội Xuân 2015, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã đề ra kế hoạch cụ thể với thời gian triển khai từ 15/12/2014 đến hết 30/3/2015 trên phạm vi toàn quốc.

Theo kế hoạch, Ban Chỉ đạo đặt ra mục tiêu giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên  đán và trong thời gian diễn ra Lễ hội Xuân so với cùng kỳ năm 2014; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã, phường bảo đảm số cơ sở được thanh, kiểm tra trên cả nước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2014; huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng đến người dân.

P.Thảo